Đấu kiếm gặp khó

Đấu kiếm là môn thể thao Olympic được phát triển trở lại Việt Nam từ đầu năm 2001. Sau một thời gian, đến nay đấu kiếm đã khẳng định được vị trí của mình và gặt hái nhiều thành công tại các đấu trường quốc tế. Song, môn thể thao “quý tộc” này lại đang gặp không ít khó khăn trong việc chuẩn bị cho mục tiêu quan trọng sắp tới.

Đấu kiếm Việt Nam đang gặp nhiều thách thức trong việc đào tạo nguồn. Ảnh | VIỆT LINH
Đấu kiếm Việt Nam đang gặp nhiều thách thức trong việc đào tạo nguồn. Ảnh | VIỆT LINH

Từng giành vé tham dự Olympic, thuộc dạng “có số, có má” ở Đông - Nam Á, chiếm lĩnh hàng chục HCV ở nhiều nội dung, cả cá nhân kiếm chém, kiếm ba cạnh cho đến đồng đội nam, nữ tại các kỳ SEA Games, đấu kiếm Việt Nam được giao chỉ tiêu đoạt vé dự Olympic Tokyo, đồng thời phải giành được từ năm đến sáu HCV tại SEA Games 31 được tổ chức ở Việt Nam trong năm tới. Tuy vậy, để thiện thực hóa mục tiêu này là một thách thức không nhỏ với không ít khó khăn, trở ngại.

Cả nước hiện tại chỉ có tám đơn vị đầu tư cho môn đấu kiếm là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hải Dương, Bắc Ninh và Công an nhân dân. Trong đó, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là nguồn cung cấp chính cho đội tuyển quốc gia. Dù cho thành tích quốc tế tốt, tiềm năng phát triển cũng lớn, nhưng đội tuyển quốc gia hay các đơn vị vẫn luôn gặp phải những khó khăn trong đào tạo lực lượng và nâng tầm trình độ. Việc tạo nguồn kinh phí để đầu tư cho môn thể thao “quý tộc” kén người chơi này gặp khá nhiều gian truân, kể cả nguồn từ ngành Thể dục thể thao cho đến xã hội hóa.

Như HLV trưởng đội tuyển đấu kiếm quốc gia Phạm Anh Tuấn chia sẻ, mức kinh phí đầu tư thường sẽ chờ từ nguồn của Tổng cục TDTT và địa phương, nhưng khá khiêm tốn, chỉ đủ cho ba đến bốn VĐV tham dự giải quốc tế mỗi năm. Nhu cầu được thi đấu cọ xát quốc tế để nâng cao trình độ ít khi được đáp ứng vì mức kinh phí có hạn, trong khi không huy động được nguồn xã hội hóa. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm khiến thầy trò đội tuyển chỉ có giải pháp là thi đấu nội bộ nhiều hơn để ít nhất giúp VĐV không sa sút về phong độ, ý chí. Ngoài ra, tình trạng thiếu thiết bị tập luyện ở cả đội tuyển quốc gia cũng như các địa phương, khiến các kiếm thủ chật vật duy trì phong độ.

Để phát triển bền vững, hướng đến các nhiệm vụ quan trọng như SEA Games 31-2021, Olympic Tokyo năm 2021, ASIAD năm 2022, đấu kiếm Việt Nam cần có những giải pháp đồng bộ. HLV Phạm Anh Tuấn cho biết, khi việc thi đấu quốc tế vẫn chưa thể diễn ra do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên toàn thế giới, các cựu VĐV nổi tiếng được đưa vào làm “quân xanh” cho những kiếm thủ dự kiến góp mặt ở SEA Games tới đây. Và để môn đấu kiếm không bị phân cấp ở các đơn vị, ông Tuấn đề xuất đưa các phân môn của đội tuyển trẻ quốc gia về tập luyện giúp nâng cao trình độ cho VĐV ở các địa phương, đồng thời giúp các nhà quản lý nhìn nhận rõ hơn về vị thế, tiềm năng phát triển.

Vấn đề lớn nhất hiện nay có lẽ là giải bài toán kinh phí thi đấu quốc tế sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát trên toàn thế giới cũng như nâng cấp trang thiết bị tập luyện. Đây là vướng mắc của đấu kiếm Việt Nam trong thời gian qua, khiến cơ hội giành vé dự Olympic vào năm 2021 vẫn chưa rõ ràng. Ông Phùng Lê Quang, Quản lý Bộ môn đấu kiếm Tổng cục TDTT cho biết, khả năng vận động tài trợ, xã hội hóa cho bộ môn đấu kiếm không hề dễ dàng, bởi lẽ môn thể thao này chưa tạo được độ phủ rộng khắp về phong trào, không có được sự quan tâm lớn từ người hâm mộ, hơn nữa lại khá tốn kém nếu muốn theo đuổi. Cho nên, đấu kiếm Việt Nam buộc phải tự hài lòng với những điều kiện hạn hẹp hiện nay để tập luyện, thi đấu.

Về lâu dài, phải gây dựng được đội ngũ VĐV dồi dào hơn, ở nhiều địa phương hơn. Song, đấu kiếm Việt Nam phải duy trì được thành tích tại sân chơi khu vực và có VĐV tham dự Olympic, qua đó khẳng định vị thế trong làng thể thao Việt Nam, kích thích các địa phương duy trì và phát triển môn đấu kiếm. Muốn được như vậy, các VĐV trọng điểm phải thường xuyên được tạo điều kiện thi đấu quốc tế. Theo tính toán của Ban huấn luyện đội tuyển đấu kiếm Việt Nam, kiếm thủ Vũ Thành An vẫn còn cơ hội dự Olympic vào năm 2021 nếu được tham dự đủ các giải đấu tính điểm sau khi dịch Covid-19 được khống chế trên toàn thế giới.