THẾ GIỚI BÓNG ĐÁ

Đảo lộn vì tiền?

Kinh tế thế giới thời Covid-19 đang khủng hoảng ở khắp nơi, nhưng đúng vào lúc này, bóng đá châu Âu lại đang điên loạn vì tiền. Chẳng có cuộc khủng hoảng nào như dự báo, ngược lại, những câu chuyện về tiền mọc lên như nấm.

Sẽ chẳng lâu nữa mức phí chuyển nhượng kỷ lục của Neymar sẽ bị phá vỡ. Ảnh trong bài | GETTY
Sẽ chẳng lâu nữa mức phí chuyển nhượng kỷ lục của Neymar sẽ bị phá vỡ. Ảnh trong bài | GETTY

1 Suốt cả tháng qua, drama về Messi muốn rời Barca che phủ toàn bộ mọi thông tin khác, kể cả việc Bayern Munich đoạt cú ăn ba đầy ấn tượng, chưa từng có trong lịch sử hay chuyện Chelsea bỏ ra số tiền kỷ lục tới 300 triệu bảng để mua sắm cầu thủ. Những số tiền khủng khiếp được nêu lên khiến bất kỳ ai cũng phải kinh ngạc. Messi nhận lương 30 triệu euro/năm. Cộng cả các thu nhập khác lên tới 80 triệu euro mỗi năm. Rồi con số kinh hoàng để giải phóng Messi lên đến 700 triệu euro cũng được nhắc tới như một điều không tưởng. Thế nhưng, có thông tin khẳng định rằng, Man City, gã khổng lồ của nước Anh đã chuẩn bị mọi thứ và sẵn sàng chi ra số tiền đó để có Messi, nếu không vướng luật công bằng tài chính.

Không thể tưởng tượng được bóng đá châu Âu lại đắt đỏ đến như vậy. Hàng loạt cầu thủ nhận lương trên 350.000 euro mỗi tuần. Thậm chí có những người chẳng làm gì, không đá bóng cũng có mức lương ấy, thậm chí là còn hơn, như Alexis Sanchez (Inter) hay Gareth Bale (Real Madrid). Mọi thứ cứ điên cuồng cuốn bóng đá châu Âu vào những cuộc trả giá, những cuộc chạy đua tiền bạc không hồi kết. Và cứ đà này, sẽ chẳng lâu nữa, mức phí chuyển nhượng 222 triệu euro, từng được dự đoán sẽ không thể bị phá vỡ trong 10 năm nữa do Neymar thiết lập khi đến PSG từ Barca, sẽ nhanh chóng đi vào dĩ vãng.

Đảo lộn vì tiền? -0
 

2 Khi đến PSG từ Barca, ngoài mức phí chuyển nhượng kỷ lục, Neymar cũng nhận mức lương cao hơn cả Messi lẫn Ronaldo. Theo Football Leak tiết lộ, Neymar thực nhận lương ở PSG là 36,8 triệu euro/năm. Đó là mức lương người ta thường gọi là lương cơ bản. Tính ra anh nhận 3,07 triệu euro mỗi tháng, 707.692 euro mỗi tuần, 100.821 mỗi ngày, 4.200 euro mỗi giờ, 70 euro mỗi phút và 1,16 euro mỗi giây.

Con số này chỉ kém duy nhất... Carlos Tevez, cầu thủ đã già và chơi bóng cho vui ở Trung Quốc với 38,4 triệu euro tiền lương mỗi năm. Tuy nhiên, Tevez không được thưởng nhiều, còn Neymar thu nhập thêm cỡ 40 triệu euro mỗi năm từ thưởng và các khoản khác trong giao kèo hợp đồng. Đó là vẫn chưa kể đến các hoạt động quảng cáo. Neymar mới vừa kết thúc hợp đồng với hãng thời trang thể thao Nike với giá trị lên tới 40 triệu euro. Và có thông tin một hãng khác đã thỏa thuận thay thế, dùng Neymar làm đại diện thương hiệu với giá 60 triệu euro.

Năm 2017, tập đoàn thống kê tài chính Forbes thống kê rằng, Ronaldo và Messi kiếm thêm ngoài bóng đá đạt tương ứng 36% và 34%, thì Neymar kiếm được tới 61% so với lương. Tức là cứ 100 triệu euro thu nhập từ lương thì Neymar kiếm thêm được 61 triệu euro từ thu nhập quảng cáo, hình ảnh ngoài bóng đá. Như vậy, họ thật sự là những chiếc máy in tiền siêu hạng và con số thật mà họ có không thể chính xác. Forbes cũng từng công bố rằng, chỉ tính trong 10 năm từ 2010 đến 2019, Messi kiếm được 750 triệu euro, Ronaldo kiếm được 800 triệu euro. Với những con số không tưởng như vậy, họ đương nhiên sẽ sống vương giả. Không ngạc nhiên khi Messi sống trong căn biệt thự “giá rẻ” có 5,5 triệu euro, sở hữu một khách sạn 5 sao giá 30 triệu euro, bộ sưu tập xe “chỉ có giá” năm triệu euro...

Giá trị của một ngôi sao không chỉ nằm ở tiền lương, thu nhập... mà còn được khẳng định ở giá trị chuyển nhượng. Kai Havertz, một cầu thủ mà năm ngoái còn ít ai biết ở Leverkusen, nhận lương 30.000 euro mỗi tuần, nay đã được Chelsea mua về với giá 100 triệu euro, mức giá mà đến chính Leverkusen cũng không thể tin nổi. Và đi kèm số tiền khủng khiếp ấy, mức lương mới của Havertz tại Chelsea cao gấp 11 lần. Một cầu thủ cũng không quá nổi, mới chỉ chơi hay được một mùa giải ở mãi tận Hà Lan như Donny van de Beek (Ajax) cũng có thể được Man Utd mua với giá 45 triệu euro, hẳn là có rất nhiều điều khiến người ta thắc mắc.

Nhưng bóng đá hiện nay là như vậy. Atletico Madrid, một đội bóng không thuộc nhóm nhà giàu cũng có thể mua tài năng 19 tuổi Joao Feliz với cái giá 120 triệu euro thì có lẽ không gì là không thể. Kể cả mùa Covid, khó khăn kinh tế đến mức Arsenal sa thải 51 nhân viên, trong đó có nhiều công thần gắn bó với CLB 20 năm, nhưng mua cầu thủ, trả lương cầu thủ thì chẳng giảm đi chút nào. Các CLB lớn vẫn nhộn nhịp trả giá, những mức giá trên trời khiến người hâm mộ không khỏi tự hỏi họ lấy tiền ở đâu mà nhiều thế. Nhưng nếu không mua, đội bóng đó sẽ rơi vào áp lực khủng khiếp. Như Man Utd, dù đã chơi khá ổn với tân binh Bruno Fernandez, nhưng khi đội bóng chưa mua được ai, cả nước Anh xâu xé và nói rằng Man Utd keo kiệt giống như một đội bóng bị cấm chuyển nhượng vậy. Chelsea sau một năm bị cấm chuyển nhượng thật thì bù lại, giữa thảm kịch Covid-19, họ đã chi gần 300 triệu euro mua tân binh, như để cho bõ những ngày ôm tiền mà không được tiêu. Barca bằng mọi cách giữ Messi lại, bất chấp mùa tới họ có thể mất trắng Messi vì hết hợp đồng, bất chấp Man City sẵn sàng trả họ 230 triệu euro...

3 Khó tin nổi bóng đá thế giới đang đi trên con đường gấm vóc như thế nào. Đó là một con đường hào nhoáng, được trải bằng rất nhiều tiền. Nhưng nó cũng là những hiểm họa khó lường. Bởi chỉ cần thất bại một hai mùa giải, tất cả sẽ là bi kịch. Đó là lý do Man City đã làm mọi cách để chống lại án phạt cấm dự Champions League hai năm từ Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) vì luật công bằng tài chính. Họ đã thành công và sẵn sàng trả nhiều tiền để tăng cường lực lượng. Nhưng vẫn còn khái niệm tiền không thể mua được thành công, đó là bài học Bayern Munich đã dạy cho cả châu Âu ở mùa giải năm nay. Đội hình của họ vô địch Champions League với năm cầu thủ đi mượn, tổng số tiền mà họ bỏ ra cho đội hình đá trận chung kết thắng PSG (1-0) chỉ là 90 triệu euro, chưa bằng một phần hai mức giá PSG mua Neymar. Nhưng bài học của Bayern vẫn lạc lõng giữa một châu Âu đang đảo lộn vì tiền, chạy đua nhau xem ai nhiều tiền hơn. Và có lẽ đó là xu hướng. Bởi câu chuyện này đã kéo dài nhiều năm qua, chỉ là bây giờ nó thật sự được nhìn ngắm ở tận cùng sự thật. Một sự thật khủng khiếp. Và chi phí, dĩ nhiên là từ các CĐV, những người yêu bóng đá và xem bóng đá.