Cờ vua Việt Nam tự tin đến SEA Games

Trở lại Đại hội thể thao Đông-Nam Á sau sáu năm, cờ vua Việt Nam đang tự tin hướng đến mục tiêu chinh phục cả bốn nội dung tranh tài chính thức. Với thực lực thuộc tốp đầu Đông-Nam Á, các kỳ thủ Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ gặt hái thành công trong lần trở lại với đấu trường SEA Games 30 diễn ra tháng 11 năm nay.

Các kỳ thủ Việt Nam được kỳ vọng cao tại SEA Games 30. Ảnh | HOÀNG LÊ
Các kỳ thủ Việt Nam được kỳ vọng cao tại SEA Games 30. Ảnh | HOÀNG LÊ

14 năm trước, tại SEA Games 23-2005, cờ vua Việt Nam từng gây bất ngờ lớn khi đánh bại các kỳ thủ rất mạnh của Philippines ngay tại nước của họ, giành trọn HCV cả tám nội dung để chiếm ngôi đầu. Từ đó mở ra một ước mơ, một tương lai tươi sáng cho bộ môn thể thao cờ vua của Việt Nam. Sau hai kỳ không tổ chức cờ vua, SEA Games 26-2011 tại Indonesia, các kỳ thủ Việt Nam đã chứng minh ngôi vị số một của mình đầy thuyết phục khi giành tới 6/8 HCV. Đến SEA Games 27-2013, Myanmar tổ chức môn cờ vua nhưng lại đưa nhiều nội dung tranh tài lạ lẫm như cờ Đông-Nam Á, cờ nhanh 960... Kỳ đại hội năm đó, tuyển cờ vua Việt Nam chỉ giành được hai HCV trong tổng số 18 nội dung tranh tài do thiếu vắng nhiều trụ cột. Sau đó, cờ vua đã không được tổ chức ở nhiều kỳ SEA Games tiếp theo.

Cờ vua thuộc nhóm môn thể thao trí tuệ (cùng với cờ tướng, cờ vây, cờ cá ngựa, lập phương rubik...), nên lâu nay luôn nằm trong diện tổ chức cũng được mà bỏ cũng không sao ở các kỳ đại hội thể thao lớn nhỏ, từ SEA Games đến ASIAD và đặc biệt không được xem xét đưa vào chương trình thi đấu chính thức tại Olympic. Năm nay, tại kỳ SEA Games 30, môn thể thao trí tuệ này đã bất ngờ được chủ nhà Philippines đưa thi đấu trở lại với năm nội dung: cờ nhanh, cờ chớp (nam, nữ) và cờ Đông-Nam Á. Và Philippines có thể coi là đối thủ lớn nhất và duy nhất tranh huy chương với Việt Nam ở bộ môn này.

Việc tuyển chọn các tuyển thủ của môn cờ vua cũng dễ dàng hơn nhiều môn khác khi chọn ra bốn kỳ thủ nam và bốn kỳ thủ nữ có thứ hạng trên bảng xếp hạng của Liên đoàn Cờ vua thế giới (FIDE) cao nhất hiện tại để tham dự SEA Games. So với nhiều bộ môn thể thao có tính điểm cá nhân, cờ vua và hệ số Elo có sự gắn kết chặt chẽ, thể hiện đầy đủ nhất năng lực của một kỳ thủ không chỉ ngay tại thời điểm tính toán trên FIDE. Có thể thấy cả tám kỳ thủ dự tranh các nội dung cờ nhanh và cờ chớp đều là những sự lựa chọn tốt nhất hiện tại, gồm: Lê Quang Liêm, Nguyễn Ngọc Trường Sơn, Nguyễn Anh Khôi, Lê Tuấn Minh (nam); và Phạm Lê Thảo Nguyên (hạng 103), Võ Thị Kim Phụng, Hoàng Thị Bảo Trâm và Nguyễn Thị Mai Hưng (nữ). Những cái tên này cho thấy sự yên tâm của giới chuyên môn khi mà cờ nhanh và cờ chớp chính là các nội dung sở trường của Việt Nam. Cựu vô địch thế giới cờ chớp Lê Quang Liêm hiện xếp thứ 53 trên bảng xếp hạng FIDE, còn thứ hạng cờ nhanh của anh là 25; Nguyễn Thị Mai Hưng hạng 83 cờ nhanh, trong khi ba đồng đội của cô đều có tên trong Top 100 thế giới nội dung cờ chớp (Thảo Nguyên hạng 46, Kim Phụng hạng 56 và Bảo Trâm hạng 64). Ngoài ra, đội tuyển cờ vua Việt Nam còn có sự góp mặt của hai đại kiện tướng Đào Thiên Hải và Nguyễn Huỳnh Minh Huy, thi đấu ở nội dung cờ Đông-Nam Á.

Cờ vua Việt Nam lâu nay luôn có được sự nể trọng của bạn bè khắp năm châu với truyền thống vô địch thế giới ở các lứa tuổi từ nhi đồng đến thiếu niên... Các đại kiện tướng và kiện tướng quốc tế Hoàng Thanh Trang, Nguyễn Anh Dũng, Lê Quang Liêm, Nguyễn Ngọc Trường Sơn, Hoàng Thị Bảo Trâm, Nguyễn Thanh An, Nguyễn Anh Khôi... đã tiếp bước và giữ cho ngọn lửa truyền thống đó bừng lên, duy trì theo năm tháng, tạo ra những điểm nhấn và danh tiếng cho làng cờ vua Việt Nam suốt thời gian qua. Tiềm năng của cờ vua Việt Nam rất lớn và luôn có tính kế thừa thế hệ kỳ thủ khá hoàn hảo. Chúng ta có thể hoàn toàn kỳ vọng các kỳ thủ Việt Nam sẽ đạt được nhiều thành tích cao tại SEA Games 30 và khẳng định vị thế ở môn thể thao trí tuệ này.