Chống dịch và chuẩn bị cho tương lai

Chống dịch Covid-19 thế nào cho tích cực nhất và chuẩn bị sẵn sàng phương án hoạt động trở lại sau dịch đang là câu hỏi cho bất cứ ngành nghề, lĩnh vực nào mà thể thao, bóng đá không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, có vẻ như bàn về bóng đá trong thời điểm dịch bệnh lại là chuyện khá nhạy cảm...

Viettel (áo đỏ) gặp Hoàng Anh Gia Lai tại vòng 2 V.League 2020. Ảnh: BẢO BÌNH - NGỌC ANH
Viettel (áo đỏ) gặp Hoàng Anh Gia Lai tại vòng 2 V.League 2020. Ảnh: BẢO BÌNH - NGỌC ANH

Nói rằng giờ này cả nước chống dịch thì bàn bóng đá làm gì, nghe rất dễ dàng và hợp lý. Nhưng ngay cả một cửa hàng ăn nhỏ cũng phải lo nghĩ về tương lai sau khi hết dịch, nữa là cả nền thể thao và bóng đá. Cuộc chiến chống dịch là một cuộc chiến đặc biệt, sự đóng góp của đa số những người không tham gia trực tiếp đẩy lùi dịch bệnh chính là ở yên một chỗ. Và trong sự ngồi yên đó của ngành thể thao, các VĐV sẽ tự tập luyện ở nhà, còn với những nhà tổ chức họ không thể tập luyện hay ngồi im và chờ mọi thứ sụp đổ.

Lúc này, trái bóng V.League 2020 khi nào sẽ lăn trở lại và theo phương án nào đang là vấn đề nhận được nhiều luồng dư luận trái chiều. Hủy V.League thì dễ, nghĩ phương án để có thể duy trì mới khó. Mà nếu hủy, các cầu thủ không thi đấu, làm sao duy trì được phong độ khi đội tuyển quốc gia hội quân cho các mục tiêu quan trọng như vòng loại World Cup hay AFF Cup. Thêm vào đó, các CLB xử lý sao với bài toán kinh tế đã ký hợp đồng với cầu thủ và các nhà tài trợ? Và nếu đơn giản chỉ là giải trí muốn nghỉ thì nghỉ, thì nước Nhật đâu phải băn khoăn mãi mới quyết định lùi Olympic sang năm 2021.

Chính vì vậy, ngày 31-3, Công ty CP Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và đại diện của 13/14 đội tham dự LS V.League 2020 (vắng Hoàng Anh Gia Lai từ chối dự) đã có một cuộc họp trực tuyến để lấy ý kiến, thảo luận giải pháp tổ chức chặng đường còn lại của mùa giải, để giữ thế chủ động hơn khi tình hình dịch Covid-19 được khống chế. Tuy nhiên, có đội bóng lại có vẻ không hào hứng ngồi lại để đóng góp cho dự thảo mà họ được quyền góp ý, thay đổi. Lại có những đội khi trả lời truyền thông chỉ trích mọi nhẽ về một kế hoạch mới chỉ là dự kiến. Sau cuộc họp, dù chưa thể ấn định được thời gian tái khởi động V.League, nhưng VPF và các đội bước đầu đã có những thống nhất. Các ý kiến trên tinh thần xây dựng cho công việc chung, được VPF ghi nhận và phản hồi ngay, không chỉ có kế hoạch tương lai mà còn có cả tình hình chống dịch hiện tại của từng đội. Hầu hết đại diện các đội bóng tham dự đều tán thành V.League sẽ quay trở lại nếu hết dịch và phải được cơ quan thẩm quyền chức năng cho phép. Các phương án tổ chức đưa ra cũng phải được sự đồng thuận lớn và phải giảm thiểu những thiệt hại cho các CLB trong thời điểm dịch bệnh. Tại các giải bóng đá hàng đầu như Anh, Đức, Italia, Pháp, Tây Ban Nha... cũng đã có nhiều cuộc họp nhưng các kế hoạch tổ chức đều chưa ngã ngũ vì những ý kiến khác nhau giữa các CLB. Và dù có tính toán thế nào thì tất cả cũng phải đặt trong sự giới hạn của Chính phủ với sự an toàn được đặt lên hàng đầu.

Thể thao là một ngành sinh lợi nhuận và nuôi sống hàng triệu con người trên giới và bóng đá Việt Nam cũng nằm trong guồng quay đó. Các CLB Việt Nam có đặc thù là phần lớn tồn tại từ kinh phí của các ông bầu, từ những nhà tài trợ hoặc số ít có thêm ngân sách địa phương. Nếu tình hình nghỉ đá còn kéo dài thì sẽ ảnh hưởng rất xấu đến các CLB. Không chỉ riêng V.League mà còn cả giải hạng Nhất, hạng Nhì và cả nền bóng đá. Có lẽ đây là lúc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cần phải cho thấy được vai trò và trách nhiệm của mình trong thời điểm khó khăn này. Nếu không cộng đồng trách nhiệm để tính toán đưa ra kế hoạch một cách chủ động và kỹ càng, tức là đang bảo vệ cuộc chơi của mình, thì chưa chắc đội nào còn tồn tại, đội nào sẽ biến mất sau khi Chính phủ cho phép nối lại các hoạt động thể thao khi dịch Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn.

Chống dịch và chuẩn bị cho tương lai ảnh 1