Bước chuyển mình của bóng đá nội

Sau nhiều năm đi ngược lại với mô hình phát triển của bóng đá thế giới, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã quyết định thay đổi hệ thống tổ chức thi đấu, trong đó có các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, thoát khỏi mô hình “tháp ngược” đã tồn tại nhiều năm.

Bước chuyển mình của bóng đá nội

Bóng đá Việt Nam bắt đầu lên chuyên nghiệp từ mùa giải 2000-2001 với số lượng đội bóng tại V.League là 10 CLB. Đến mùa giải 2007 tăng lên 14, sau đó giảm xuống (do CLB Hà Nội, Navibank Sài Gòn giải tán) và quay lại với con số 14 đội như hiện tại. Trong khi đó, số lượng đội hạng Nhất được duy trì với số lượng từ 12 đến 14 đội thời gian đầu. Tức là trung bình các đội bóng hạng Nhất nhiều hơn và bằng số lượng V.League, đây là mô hình tháp xuôi đúng theo quy luật của bóng đá thế giới. Tuy nhiên, từ mùa giải 2013, số lượng các đội hạng Nhất chỉ còn tám và đến mùa giải 2017 thậm chí chỉ còn lại bảy đội, từ mùa giải 2018 phải ép để thành 10 đội và đến 2020 mới lên được 12 đội. Do khó khăn về kinh tế mà nhiều đội bóng dần “biến mất” và bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam từ đó phát triển theo mô hình “tháp ngược” trong nhiều năm khi mà hạng Nhì ngày càng teo tóp kiểu tổ chức cho có, còn hạng Ba thì kém cả các giải phong trào. Trước mỗi mùa bóng, các nhà tổ chức luôn lo lắng sẽ có đội bỏ giải, dẫn đến việc có thể phải xáo trộn công tác tổ chức thi đấu.

Theo quy luật phát triển thông thường trên thế giới, muốn có giải vô địch quốc gia mạnh, các giải hạng Nhất, hạng Nhì phải có số lượng đội bóng đông hơn gấp đôi, để tạo ra một cuộc chọn lọc chất lượng cho giải đấu cao nhất. Mô hình “tháp ngược” đi ngược lại quy luật trên và không có được nền móng vững chắc cho sự phát triển của bóng đá nước nhà. HLV Alfred Riedl, người từng có quãng thời gian dài gắn bó với bóng đá Việt Nam đã từng có nhận định nổi tiếng là “Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc”. Điều này phản ánh khá chân thực nền bóng đá của chúng ta giai đoạn đầu rơi vào thời kỳ kim tiền khi các ông bầu vung tiền mua về nhiều ngôi sao và ngoại binh mà không chú trọng đào tạo trẻ. Bóng đá Việt Nam vì thế không có nhiều đội trẻ thi đấu ở các giải hạng dưới của V.League. HLV Park Hang-seo cũng đưa ra rất nhiều ý kiến về những bất cập của V.League, đặc biệt trong quá trình tìm kiếm, tuyển chọn cầu thủ cho đội tuyển quốc gia khan hiếm các gương mặt mới. Ông cho rằng, Việt Nam không phải không có cầu thủ tiềm năng, thế nhưng việc không thường xuyên được thi đấu khiến cho các cầu thủ trẻ mai một dần.

Và sau một thời gian dài “một mình một kiểu”, bóng đá Việt Nam đã đón tín hiệu mừng khi mô hình “tháp ngược” được xóa bỏ. Giữa tháng 4 vừa qua, Thứ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Chủ tịch VFF Lê Khánh Hải đã ký quyết định về số lượng các đội tham dự các giải bóng đá quốc gia giai đoạn 2021-2023. Theo đó, ba giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam là V.League, hạng Nhất và hạng Nhì đều có 14 đội. Như vậy, đội đứng cuối cùng của giải hạng Nhất 2020 sẽ phải xuống chơi ở hạng Nhì 2021 và ba đội có thành tích tốt nhất ở giải hạng Nhì 2020 sẽ lên chơi ở giải hạng Nhất 2021.

Đây được cho là một quyết định đúng, kịp thời, được kỳ vọng sẽ tạo ra tính cạnh tranh, cống hiến, chất lượng có thể cũng được nâng lên và các cầu thủ trẻ sẽ có nhiều cơ hội thi đấu để phát huy tài năng. Lâu nay, tính ổn định, cái gốc của nền bóng đá chưa được coi trọng, cho nên, quyết định nâng cấp số lượng các đội bóng hy vọng sẽ nâng tầm được chất lượng. Tuy nhiên, để xây dựng mô hình phát triển ổn định, bền vững lại là một câu chuyện còn dài cần thời gian chứng minh, đơn cử như việc gánh nặng kinh phí quá lớn khi đá V.League đã làm cho nhiều CLB “ngại” lên hạng. Song, việc thay đổi được nghịch lý nhiều năm qua của bóng đá Việt Nam thật sự là bước chuyển mình đáng được ghi nhận.

Bước chuyển mình của bóng đá nội ảnh 1

Giải hạng Nhất Quốc gia 2020 sẽ được tăng lên 14 đội từ năm 2021. Ảnh: HÀN ĐĂNG - VPF