Trừng phạt và cảnh báo

Các lệnh trừng phạt nặng nề đã đẩy quan hệ giữa các quốc gia, đối tác lâm vào tình trạng căng thẳng hơn. Trong khi đó, hàng loạt mối nguy trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” cũng tiếp tục được cảnh báo.

Xung đột đã đẩy nhiều người dân Li-bi vào cảnh khốn cùng.
Xung đột đã đẩy nhiều người dân Li-bi vào cảnh khốn cùng.

1 Mỹ đơn phương tuyên bố các biện pháp trừng phạt của LHQ đối với I-ran (Iran) có hiệu lực trở lại từ ngày 19-9, nhằm duy trì lệnh cấm vận vũ khí đối với I-ran vốn sẽ hết hạn vào tháng 10 tới. Chính quyền của Tổng thống Đô-nan Trăm (D.Trump) cũng đang tìm cách áp dụng cơ chế tái áp đặt trừng phạt nhằm khôi phục toàn bộ các biện pháp trừng phạt của LHQ trước năm 2015 đối với I-ran, nếu Oa-sinh-tơn (Washington) không thể thúc đẩy LHQ gia hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với I-ran.

Tuy nhiên, hiện Mỹ đang bị cô lập trong vấn đề này khi nhiều nước lớn khác, đặc biệt là những đồng minh châu Âu, khẳng định các biện pháp trừng phạt chưa được áp đặt trở lại và hành động của Mỹ không có hiệu lực pháp lý. Tổng Thư ký LHQ A.Gu-tê-rét (A.Guterres) cũng tuyên bố chưa đưa ra hành động nào về các biện pháp trừng phạt đối với I-ran. Trong khi đó, I-ran khẳng định Mỹ sẽ không thể khôi phục các lệnh trừng phạt từng được áp đặt trước năm 2015 đối với Tê-hê-ran (Tehran), đồng thời cho rằng cộng đồng quốc tế cần phản đối việc Oa-sinh-tơn sử dụng các biện pháp trừng phạt trên. 

2 Liên hiệp châu Âu (EU) vừa áp đặt các lệnh trừng phạt với ba công ty của Thổ Nhĩ Kỳ, Ca-dắc-xtan (Kazakhstan) và Gioóc-đa-ni (Jordan) vì vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của LHQ với Li-bi (Libya). Các biện pháp trừng phạt bao gồm đóng băng tài sản của các công ty này tại EU, cũng như loại bỏ các công ty này khỏi các thị trường tài chính EU và cấm làm ăn với bất kỳ công ty nào trong EU. Ngoài ra, hai cá nhân cũng phải hứng chịu các lệnh trừng phạt bao gồm phong tỏa tài sản và cấm du lịch vì đã cung cấp nguyên liệu cho Li-bi.

Từ năm 2014, tại Li-bi tồn tại hai chính quyền song song với sự hậu thuẫn của các lực lượng vũ trang riêng. Chính phủ Đoàn kết dân tộc Li-bi (GNA) kiểm soát thủ đô, nhận được sự ủng hộ của LHQ. Trong khi đó, Lực lượng quân đội quốc gia (LNA) hậu thuẫn chính quyền ở miền đông, được Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE), Nga và Ai Cập ủng hộ. Từ đầu năm nay, các lực lượng ủng hộ LNA đã phong tỏa các khu vực khai thác và xuất khẩu dầu mỏ chính của Li-bi để đòi phân chia doanh thu công bằng.

3 Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) U.Lây-en (U.Leyen) bày tỏ lo ngại rằng thỏa thuận thương mại hậu Brexit (Anh rời EU) đang có nguy cơ không đạt được, đồng thời cảnh báo Luân Đôn không được đơn phương thay đổi, coi thường hoặc không áp dụng thỏa thuận ra đi này. Bà Lây-en nhấn mạnh: Cả EU và Anh đã nhất trí rằng đây là thỏa thuận tốt nhất và duy nhất bảo đảm hòa bình cho Ai-len (Ireland), và các bên sẽ không bao giờ rút lại những cam kết này. Thỏa thuận Brexit đã được Nghị viện châu Âu (EP) và Hạ viện Anh phê chuẩn.

Trừng phạt và cảnh báo -0

Sự bất bình đẳng trong phát thải khí carbon làm trì hoãn nỗ lực xóa đói nghèo trên thế giới. 

Mâu thuẫn mới phát sinh liên quan tới vùng Bắc Ai-len thuộc Anh, nơi có đường biên giới trên bộ duy nhất với CH Ai-len, một thành viên EU. Theo Hiệp ước Ngày thứ sáu tốt lành giúp chấm dứt nhiều thập kỷ xung đột ở vùng đất này, đường biên giới trên phải luôn luôn trong trạng thái mở. Để bảo đảm điều này, Thỏa thuận rút lui đã nêu rõ một số quy định của EU sẽ được duy trì tại vùng bắc Ai-len sau khi Anh rời khỏi khối. Tuy nhiên, dự luật mới của Chính phủ Anh đề xuất Luân Đôn có thể bỏ qua những điều khoản ấy. Những diễn biến mới nhất có thể làm tăng nguy cơ Anh rời EU mà không có thỏa thuận thương mại, dẫn đến việc hai bên áp đặt thuế quan lẫn nhau, gây ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại.

4 Theo nghiên cứu mới của tổ chức Oxfam, 1% số người giàu nhất thế giới phát thải khí carbon cao gấp hai lần so một nửa số dân nghèo nhất toàn cầu, khoảng 3,1 tỷ người. Nghiên cứu trên cũng cho thấy riêng 63 triệu người giàu có trên thế giới đã phát thải ra 9% lượng carbon kể từ năm 1990, thậm chí 10% người giàu nhất thế giới (tức khoảng 630 triệu người) phát thải bằng 52% lượng carbon toàn cầu trong 25 năm, tức là ngang với 90% số người còn lại trên thế giới. 

Oxfam cảnh báo: Điều này không chỉ gây nên sự bất bình đẳng kinh tế gây chia rẽ trong xã hội, mà còn trì hoãn các nỗ lực xóa đói, giảm nghèo trên thế giới. Bên cạnh đó, cái giá thứ ba phải trả là làm cạn kiệt nguồn dự trữ carbon. Tuy lượng khí thải carbon đã giảm mạnh trong thời kỳ dịch Covid-19 bùng phát, nhưng nhiệt độ Trái đất vẫn trên đà tăng thêm vài độ trong thế kỷ này, đe dọa gây ra những thảm họa thiên nhiên và ảnh hưởng tới mọi mặt cuộc sống tại những nước nghèo hoặc đang phát triển.