Không chỉ là chiến tranh

Không ít cuộc chiến “không khói súng” đang có nguy cơ bùng phát, dễ gây ra những hậu quả toàn diện và sâu sắc cho thế giới. Lại thêm một loạt cảnh báo mới vừa được đưa ra, khắc họa một quãng thời gian vô cùng khó khăn của nhân loại.

Không chỉ là chiến tranh

1 Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung lại đứng trước nguy cơ leo thang. Tuần qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ X.Mnu-chin (S.Mnuchin) bày tỏ hy vọng Trung Quốc tuân thủ thỏa thuận thương mại đã đạt được với Mỹ vào đầu năm nay, đồng thời cảnh báo sẽ có những hậu quả đáng kể đối với các mối quan hệ cũng như kinh tế toàn cầu nếu Trung Quốc không thực hiện cam kết. Bộ trưởng Tài chính Mỹ đưa ra phát biểu trên trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm mạnh do đại dịch Covid-19 bùng phát, cũng như tranh cãi giữa hai nước liên quan dịch bệnh này, dẫn đến việc Tổng thống Mỹ Đ.Trăm (D.Trump) cảnh báo có thể tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.

Mỹ và Trung Quốc đã ký thỏa thuận hồi tháng một vừa qua, chấm dứt căng thẳng thương mại kéo dài gần hai năm giữa hai nước. Theo đó, Trung Quốc cam kết mua thêm lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD từ Mỹ trong hai năm tới. Cụ thể, Trung Quốc sẽ mua thêm 32 tỷ USD các mặt hàng nông nghiệp, 52,4 tỷ USD sản phẩm năng lượng, 37,9 tỷ USD hàng hóa dịch vụ và 77,7 tỷ USD hàng hóa công nghiệp.

2 Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo: Khủng hoảng nhân đạo mới ở Y-ê-men (Yemen - ảnh bên) đang là cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới. Quốc gia Trung Đông này hiện phải đối mặt mối đe dọa kép, gồm đại dịch Covid-19 và hậu quả do mưa lớn và lũ lụt gần đây. Theo LHQ, hơn 3,5 triệu người dân hiện phụ thuộc vào nguồn viện trợ nhân đạo thường xuyên để duy trì sự sống. Khoảng 80% dân số Y-ê-men, tương đương 24 triệu người, phải dựa một phần vào nguồn viện trợ và 10 triệu người đang phải đối mặt nạn đói, gần một triệu người di cư ở đây có nguy cơ mất nơi trú ẩn.

Cao ủy LHQ về người tị nạn cho rằng Y-ê-men cần khoảng 89,4 triệu USD trong những tuần tới nhằm duy trì các chương trình viện trợ nhân đạo. Sự thiếu hụt tài chính đang đe dọa công tác hỗ trợ đối với người dân Y-ê-men và những người tị nạn dễ bị tổn thương nhất do dịch. Trước đó, Cơ quan Phát triển quốc tế của Mỹ (USAID) - nhà tài trợ quan trọng, đã cắt giảm tài trợ do quan ngại lực lượng Hu-thi (Houthi) đang cản trở việc phân phối viện trợ ở Y-ê-men. Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho biết cơ quan này cũng đã giảm một nửa viện trợ lương thực tới những khu vực do Hu-thi kiểm soát.

3 Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) cảnh báo về tình trạng thiếu năng lực vận tải hàng hóa nghiêm trọng, khi các hãng hàng không trên khắp thế giới cắt giảm việc làm và lợi nhuận của các hãng giảm sút mạnh do cuộc khủng hoảng Covid-19. Theo báo cáo của IATA, năng lực vận chuyển hàng hóa bằng máy bay trong tháng 3 giảm hơn 20%. Giám đốc điều hành IATA A.Giu-ni-ắc (A.Juniac) cho biết nhu cầu vận chuyển dược phẩm và vật tư y tế đang tăng gấp hai lần, song hầu hết các hãng hàng không đều đang ở trạng thái đình đốn và cực kỳ khó khăn về tài chính. IATA kêu gọi chính phủ các nước có giải pháp để bảo đảm cho các chuyến bay có tính chất đặc biệt vận hành an toàn và hiệu quả.

Không chỉ là chiến tranh ảnh 1

Ngành hàng không khắp thế giới bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Báo cáo của IATA được công bố trong bối cảnh một loạt hãng hàng không công bố kế hoạch cắt giảm việc làm. Hãng hàng không British Airways của Anh cho biết sẽ cắt giảm 12.000 việc làm, trong khi Scandinavian Airlines SAS sẽ cho 5.000 nhân viên nghỉ việc, đồng thời dự đoán sẽ mất nhiều năm ngành hàng không mới khôi phục bình thường.

4 Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tuần qua cho biết trong năm 2019 ước tính khoảng 46 triệu người, trong đó có 19 triệu trẻ em, đã phải chạy trốn bạo lực và xung đột đi tha hương ở trong nước trong khi hàng triệu người khác cũng buộc phải rời bỏ nhà cửa do các thảm họa.

Giám đốc điều hành UNICEF Hen-ri-ét-ta Pho (Henrietta Fore) nhận định đại dịch đang khiến cho tình hình nguy cấp của trẻ em và các gia đình phải rời bỏ nhà cửa càng trở nên tồi tệ hơn trong năm 2020. Báo cáo của UNICEF nhấn mạnh: Trẻ em rời bỏ nhà cửa không thể tiếp cận các dịch vụ cơ bản và có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, lạm dụng, trở thành nạn nhân của nạn buôn bán trẻ em, lao động trẻ em, tảo hôn và ly tán gia đình. Báo cáo kêu gọi chính phủ các nước, các tổ chức xã hội, khu vực tư nhân, các tổ chức nhân đạo và chính bản thân các em nhỏ cần nỗ lực đoàn kết để khắc phục những khó khăn này.