25 NĂM THAM GIA ASEAN

Ghi đậm dấu ấn Việt Nam

Gia nhập "mái nhà chung ASEAN" là một quyết định chiến lược đúng đắn và sáng suốt của Ðảng và Nhà nước, đánh dấu cột mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước. Chặng đường phát triển 25 năm gần đây của Hiệp hội ghi đậm dấu ấn và đóng góp nổi bật của Việt Nam trong xây dựng Cộng đồng, củng cố đoàn kết, tăng cường hỗ trợ lẫn nhau và nâng cao hiệu quả hợp tác của ASEAN.

Ngày 14-4-2020, đã diễn ra Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch bệnh Covid-19. Ðây là Hội nghị Cấp cao đầu tiên của ASEAN được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham dự đầy đủ của Lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN. Ảnh: asean.org
Ngày 14-4-2020, đã diễn ra Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch bệnh Covid-19. Ðây là Hội nghị Cấp cao đầu tiên của ASEAN được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham dự đầy đủ của Lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN. Ảnh: asean.org

Bước đột phá hội nhập khu vực

Trải qua nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, sau khi ra mắt ngày 8-8-1967 với năm thành viên sáng lập, ASEAN không ngừng vươn lên, trở thành một tổ chức hợp tác khu vực toàn diện và chặt chẽ gồm 10 quốc gia Ðông - Nam Á. ASEAN tiếp tục nỗ lực khẳng định là một cộng đồng chung, một nền kinh tế lớn của thế giới và dẫn dắt nhiều cơ chế hợp tác quan trọng ở khu vực. Ngày 28-7-1995, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 28 ở Bru-nây, lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên, đưa Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ bảy của Hiệp hội, đánh dấu mốc son mới, không chỉ trong tiến trình hội nhập của Việt Nam mà còn trong tiến trình liên kết và hợp tác của cả khu vực.

Có thể nói, quyết định gia nhập ASEAN 25 năm trước là một trong những điểm đột phá đầu tiên để Việt Nam triển khai phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại mà Ðảng, Nhà nước đề ra. Chặng đường 25 năm tham gia ASEAN mang lại cho Việt Nam những lợi ích quan trọng và thiết thực, trong việc bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định để phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng, hoàn thiện chính sách, luật lệ và thủ tục trong nước phù hợp các tiêu chuẩn quốc tế, cũng như nâng cao khả năng xử lý thách thức phi truyền thống, xuyên biên giới như môi trường, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu...

Là bước đi đầu của ngoại giao đa phương thời hội nhập, việc tham gia ASEAN những ngày đầu còn nhiều bỡ ngỡ với Việt Nam, khi ASEAN đã đi qua chặng đường 28 năm phát triển. Là "thành viên đến sau", trình độ phát triển lại chưa sánh ngang một số nước đặt ra thách thức lớn, trong bối cảnh khi đó dù Việt Nam ra khỏi cuộc chiến tranh đã 20 năm, song một số quốc gia vẫn còn nghi ngại, dè dặt.

Tuy nhiên, với dân số lớn thứ ba, diện tích đứng thứ tư, cùng vị trí địa chiến lược và kinh tế quan trọng ở Ðông - Nam Á, Việt Nam được các nước ASEAN tin tưởng và đặt nhiều kỳ vọng để đóng góp cho sự phát triển của Hiệp hội. Sau 25 năm "nhập gia" thành công, Việt Nam không phụ lòng tin và kỳ vọng của các thành viên "mái nhà chung". Với phương châm "tích cực, chủ động và có trách nhiệm", Việt Nam luôn thể hiện thiện chí và nhiệt huyết, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của Hiệp hội.

Những đóng góp nổi bật

Với tinh thần bền bỉ và kinh nghiệm vượt khó, Việt Nam đã thể hiện bản lĩnh, đóng vai trò nòng cốt trong xác định mục tiêu, phương hướng phát triển và hình thành các quyết sách lớn của ASEAN, như Tầm nhìn ASEAN năm 2020; Hiến chương ASEAN; Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025..., hay trong nhiều thỏa thuận quan trọng, nhất là về kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển nội khối. Những đóng góp quan trọng thể hiện nổi bật qua ba lần Việt Nam được các thành viên tín nhiệm giao trọng trách chủ trì, điều phối các hoạt động của ASEAN.

Chỉ ba năm sau khi gia nhập, tháng 12-1998, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6, với Chương trình hành động Hà Nội được thông qua, góp phần định hướng phát triển của Hiệp hội sau khi vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính khu vực. Việt Nam cũng đã tích cực thúc đẩy ASEAN kết nạp các nước Lào, Mi-an-ma và Cam-pu-chia, qua đó hoàn tất ý tưởng về một ASEAN gồm toàn bộ 10 quốc gia Ðông - Nam Á khi đó, tạo sự chuyển biến về chất đối với ASEAN và khu vực, cũng như tạo nền tảng thiết yếu để Hiệp hội trở thành một tổ chức khu vực toàn diện, liên kết sâu rộng và có vai trò quan trọng ở Ðông-Nam Á và rộng hơn là châu Á - Thái Bình Dương.

Trong lần thứ hai, Việt Nam tổ chức thành công các Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 16 và 17, với chủ đề "Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động". Qua đó, hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010, với những kết quả thực chất, góp phần thúc đẩy "văn hóa thực thi" và cụ thể hóa một bước quan trọng trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, nâng cao vị thế và vai trò dẫn dắt của Hiệp hội, mở rộng các quan hệ đối ngoại của ASEAN.

Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 trong bối cảnh hết sức đặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát bất ngờ, làm đảo lộn mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu. Với tinh thần "Gắn kết và chủ động thích ứng", Việt Nam nhanh chóng có những điều chỉnh, linh hoạt tổ chức một loạt hội nghị theo hình thức trực tuyến, ưu tiên thảo luận cách ứng phó dịch bệnh. Với vai trò kết nối, dẫn dắt của Việt Nam, ASEAN đã nhất trí nhiều văn kiện quan trọng, định hướng hợp tác và phát triển trong tương lai, trong đó nổi bật là việc khắc phục hậu quả, giảm tác động của dịch bệnh và tăng cường đoàn kết, liên kết và hợp tác trong "giai đoạn bình thường mới". Sự chủ động, tích cực và trách nhiệm cao của Việt Nam trong nỗ lực điều phối, dẫn dắt ASEAN vượt qua thách thức, với "tư duy Cộng đồng, hành động Cộng đồng", đã tạo ấn tượng đẹp với các nước ASEAN và bạn bè quốc tế.

Việt Nam đã thể hiện "tầm lãnh đạo mạnh mẽ", thúc đẩy đoàn kết và dẫn dắt phản ứng tập thể trước đại dịch. Việt Nam đã chỉ ra rằng: Có thể vượt qua những thách thức lớn, như Covid-19, nếu cùng nhau hợp tác, đoàn kết và kiên cường. Những nhận định tích cực đó là phần thưởng xứng đáng với những nỗ lực bền bỉ và đóng góp nổi bật của Việt Nam cho sự phát triển của "mái nhà chung ASEAN".