Gấp đôi nỗ lực

Những cố gắng vượt bậc đã được khởi động trước hàng loạt thách thức lớn, trong bối cảnh các quốc gia đang cùng lúc phải đối mặt nhiều cuộc khủng hoảng từ chính trị - đối ngoại đến dịch bệnh và các vấn đề môi trường sinh thái.

Anh bắt đầu triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân.
Anh bắt đầu triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân.

1 Liên hiệp châu Âu (EU) tuyên bố “tăng gấp đôi nỗ lực” để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân I-ran (Iran). Ủy ban châu Âu (EC) đã bày tỏ lấy làm tiếc về việc I-ran nối lại việc làm giàu u-ra-ni lên mức 20% tại cơ sở hạt nhân Pho-đâu (Fordow), động thái vi phạm thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) mà nước này và một số cường quốc thế giới ký kết năm 2015. JCPOA quy định Iran chỉ được làm giàu u-ra-ni ở mức 3,67%. Mặc dù vậy, EC tin rằng thỏa thuận nói trên cần được cứu vãn.

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn của EU cho biết, các hành động của I-ran sẽ có tác động nghiêm trọng tới mục tiêu không phổ biến vũ khí hạt nhân. Hiện EU rất lưu tâm tới việc “giải cứu” thỏa thuận trên, theo đó liên hiệp gồm 27 quốc gia này sẽ gia tăng nỗ lực để bảo đảm rằng tất cả các bên tham gia đều tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận mang tính bước ngoặt JCPOA. Bộ trưởng Ngoại giao I-ran M.Da-ríp (M.Zarif) khẳng định: Nước này hoàn toàn có thể hủy bỏ các biện pháp hạt nhân nếu tất cả các bên khác tham gia JCPOA cùng cam kết tuân thủ đầy đủ thỏa thuận này. 

2 Chính phủ Anh công bố gói hỗ trợ mới trị giá khoảng 4,6 tỷ bảng Anh (6,2 tỷ USD) nhằm giúp các doanh nghiệp nước này khắc phục khó khăn, khi vùng Ing-lân (England) bắt đầu bước vào đợt phong tỏa lần thứ ba để ngăn chặn làn sóng mới của dịch Covid-19. Bộ trưởng Tài chính Anh cho biết các công ty hoạt động trong những lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ khách hàng và giải trí sẽ có thể đề nghị hưởng các khoản trợ cấp một lần lên tới 9.000 bảng Anh, để vượt qua những tháng đầu khó khăn của năm 2021. Ngoài bốn tỷ bảng Anh dành cho các khoản trợ cấp, chính phủ cũng sẽ dành 594 triệu bảng Anh hỗ trợ cho chính quyền các vùng Xcốt-len (Scotland), Uên (Wales) và Bắc Ai-len (Bắc Ireland). 

Quyết định trên được đưa ra sau khi Thủ tướng Anh B.Giôn-xơn (B.Johnson) tuyên bố vùng Ing-lân sẽ bước vào đợt phong tỏa sáu tuần cấp độ cao nhất kể từ tháng 3-2020. Theo đó, tất cả mọi người đều bắt buộc phải ở trong nhà, chỉ được phép ra ngoài một lần trong ngày để tập thể dục hoặc đi mua nhu yếu phẩm. Tất cả các trường học phải đóng cửa, chuyển sang học trực tuyến ít nhất đến ngày 15-2. Văn phòng Chính phủ Anh cảnh báo đợt phong tỏa mới có khả năng kéo dài đến tháng 3 tới. 

3 Chính phủ Mê-hi-cô (Mexico) thông báo đang lên kế hoạch hỗ trợ người di cư bị mắc kẹt tại nước này do hệ quả của chính sách hạn chế nhập cư của Tổng thống Mỹ Đô-nan.Trăm (D.Trump). Mê-hi-cô sẽ thảo luận các biện pháp cụ thể với phía Mỹ cũng như chính phủ các nước Trung Mỹ gồm En Xan-va-đo (El Salvador), Goa-tê-ma-la (Guatemala) và On-đu-rát (Honduras). Theo Nghị định thư Bảo vệ người di cư, hàng nghìn người di cư từ các nước Trung Mỹ đã ở lại Mê-hi-cô trong khi chờ phía Mỹ xử lý đơn xin tị nạn.

Gấp đôi nỗ lực -0
Dòng người di cư bất hợp pháp đổ về biên giới Mỹ - Mê-hi-cô. 

Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mê-hi-cô A.Ô-bra-đô (A.Obrador) đã kêu gọi Mỹ đầu tư vào các khu vực nghèo khó ở phía nam Mê-hi-cô và Trung Mỹ để giúp giải quyết tận gốc vấn đề di cư. Tháng 6-2019, Mê-hi-cô đã đạt được một thỏa thuận với Mỹ nhằm giảm dòng người di cư từ các quốc gia Trung Mỹ thông qua kế hoạch thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại En Xan-va-đo, Goa-tê-ma-la, On-đu-rát và miền nam Mê-hi-cô. Bên cạnh đó, Mê-hi-cô cũng triển khai hàng nghìn binh sĩ tại biên giới phía nam để ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp. 

4 Na Uy đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới ghi nhận số xe ô-tô chạy điện chiếm hơn 50% doanh số bán xe mới tại nước này trong năm 2020. Theo số liệu thống kê của Tesla, hãng sản xuất xe điện hàng đầu thế giới, doanh số bán xe ô-tô chạy điện tại Na Uy đã vượt doanh số bán ô-tô chạy bằng xăng, dầu đi-ê-den hay động cơ lai trong năm 2020.

Để đáp ứng mục tiêu trở thành quốc gia đầu tiên ngừng bán các loại ô-tô chạy bằng xăng, dầu đi-ê-den vào năm 2025, Na Uy sẽ miễn hoàn toàn thuế cho các phương tiện chạy bằng điện. Chính sách này đã biến thị trường ô-tô của Na Uy thành nơi thí nghiệm cho các hãng chế tạo ô-tô đang tìm kiếm hướng đi trong tương lai với dòng sản phẩm không động cơ đốt trong. Năm 2020 cũng được ghi nhận là lần đầu các dòng ô-tô chạy hoàn toàn bằng điện bán chạy hơn số lượng các dòng sản phẩm sử dụng động cơ đốt trong tại Na Uy.