Chuyển động tích cực

Một loạt tín hiệu thiện chí, hòa giải và hợp tác trong các lĩnh vực từ an ninh, đối ngoại, kinh tế đến khoa học công nghệ, đã được các đối tác lớn đưa ra. Theo đó, một số vấn đề gai góc, bế tắc giữa các quốc gia đang có triển vọng sớm được giải quyết.

Xung đột đẫm máu tại Nagorny-Karabakh làm hàng trăm người thiệt mạng.
Xung đột đẫm máu tại Nagorny-Karabakh làm hàng trăm người thiệt mạng.

1 Mỹ đang xúc tiến làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột tại Na-go-rơ-nưi - Ca-ra-bắc (Nagorny - Karabakh). Trang tin politico.com đưa tin Bộ trưởng Ngoại giao A-déc-bai-gian và Ác-mê-ni-a (Azerbaijan và Armenia), theo kế hoạch có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pom-peo (Mike Pompeo) vào ngày 23-10. Trước đó, Thủ tướng Ác-mê-ni-a N.Pa-si-ny-an (Nikol Pashinyan) và Tổng thống A-déc-bai-gian I.A-li-y-ép (Ilham Aliyev) đã để ngỏ khả năng tổ chức những cuộc đàm phán hòa bình để giải quyết cuộc xung đột này.

Với nỗ lực hòa giải của Nga, trước đó, hai phía thông báo đã đạt thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo lần thứ hai từ sáng 18-10, sau gần ba tuần giao tranh làm hàng trăm người thiệt mạng. Thông báo trên được đưa ra sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Nga X.La-vrốp (Sergei Lavrov) có cuộc điện đàm với những người đồng cấp Ác-mê-ni-a và A-déc-bai-gian, nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc các bên cần bắt đầu thảo luận thực chất để giải quyết cuộc xung đột. 

2 Tuần qua, phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban thứ 3 về các vấn đề xã hội - nhân đạo - văn hóa thuộc Ðại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ), cố vấn tại phái đoàn đại diện thường trực Nhật Bản tại LHQ H.I-chi-ba (Hiroaki Ichiba) cho rằng Nhật Bản và Triều Tiên cần hợp tác để góp phần xây dựng hòa bình ở khu vực Ðông - Bắc  Á. Ông kêu gọi Triều Tiên trao trả ngay lập tức những công dân Nhật Bản bị bắt cóc, đồng thời hợp tác với Nhật Bản để hướng tới một tương lai tươi sáng hơn.

Việc Nhật Bản thể hiện thiện chí với Triều Tiên là dấu hiệu cho thấy Tô-ki-ô (Tokyo) hy vọng các cuộc gặp cấp cao giữa Thủ tướng Nhật Bản X.Y-ô-shi-hi-đê (Suga Yoshihide) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể diễn ra. Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Suga khẳng định chính quyền của ông sẽ làm tất cả để đưa các công dân của mình bị Triều Tiên bắt cóc trở về, tiếp nối cam kết từ thời cựu Thủ tướng Abe Shinzo. Trong danh sách chính thức, Nhật Bản công bố 17 công dân bị Triều Tiên bắt cóc, trong đó năm người đã được hồi hương vào năm 2002. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng khẳng định vấn đề này đã được giải quyết, trong đó tám người đã chết trong khi bốn người còn lại chưa bao giờ được đưa tới Triều Tiên.

3 Bộ trưởng Thương mại Anh L.Truits (Liz Truss) thông báo giới chức thương mại nước này bắt đầu vòng đàm phán thứ năm với đối tác Mỹ, trong bối cảnh đàm phán giữa Anh và Liên hiệp châu Âu (EU) về một thỏa thuận thương mại hậu Brexit chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm”. Bà nêu rõ: Hiện cả Luân Ðôn và Oa-sinh-tơn (Washington) đang ở vị thế thuận lợi để thúc đẩy hơn nữa tiến trình này sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng tới. Bộ trưởng Anh khẳng định hai nước muốn đạt được một thỏa thuận cho tất cả các vùng lãnh thổ của Anh và hướng tới các lĩnh vực hiện đại như công nghệ và dịch vụ.

Trong khi đó, Liên hiệp châu Âu (EU) cho biết sẵn sàng tiếp tục đàm phán về một thỏa thuận thương mại mới với Anh, và nhấn mạnh hai bên cần nỗ lực hơn nữa để đạt được thỏa thuận này. Người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC) E.Ma-mơ (Eric Mamer) khẳng định để đạt được một thỏa thuận thì hai bên cần phải thỏa hiệp. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh B.Giôn-xơn (Boris Johnson) tuyên bố sẽ không có thêm đàm phán thương mại với EU, trừ phi EU thay đổi căn bản quan điểm của mình.

4 Nhà sản xuất thiết bị viễn thông Nokia của Phần Lan tuyên bố đã đạt một thỏa thuận về dự án lắp đặt mạng di động đầu tiên trên Mặt trăng với Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), chính thức bước sang một thị trường mới trong bối cảnh các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông toàn cầu cạnh tranh khốc liệt. NASA đã quyết định chọn Nokia là đơn vị triển khai mạng không dây 4G “siêu nhỏ gọn, tiêu thụ điện năng thấp và không gian cứng” trên bề mặt Mặt trăng. Ðây là một phần trong chương trình Artemis của NASA nhằm đưa con người lên Mặt trăng vào năm 2024. Các phi hành gia sẽ tiến hành các thí nghiệm chi tiết và các khám phá với hy vọng giúp NASA phát triển sứ mệnh đầu tiên đưa con người lên sao Hỏa.

Tuần trước, NASA thông báo sẽ chi 370 triệu USD cho 14 công ty nhằm khai thác các nguồn tài nguyên cần thiết cho sự sống trên Mặt trăng như oxy và các nguồn năng lượng, để phục vụ cho sứ mệnh của mình.

Chuyển động tích cực -0
NASA chọn Nokia là đơn vị triển khai mạng không dây 4G trên bề mặt Mặt trăng.