Tìm lại ánh đèn Trung thu xưa

Ðèn ông sao, đèn con thỏ, đèn cù… đã trở lại các quầy hàng, bên mâm cỗ trông trăng của trẻ nhỏ thay cho những chiếc đèn nhựa nhấp nháy xanh đỏ. Nhưng với nhà nghiên cứu Trịnh Bách, thế vẫn là chưa đủ. Thương lũ trẻ hôm nay không được biết đến nét đẹp Trung thu xưa, ông ngược xuôi trong nam, ngoài bắc, tìm kiếm các nghệ nhân, để đem cái lung linh của ánh đèn Trung thu xưa trở về…

Tìm lại ánh đèn Trung thu xưa

Nhà nghiên cứu Trịnh Bách nâng chiếc đèn con cua lên và khẽ rung rung. Con cua "tám cẳng, hai càng" khổng lồ mầu xanh pha xám đung đưa những chiếc chân, khiến chúng tựa như đang "bơi" trong không khí. Không giống như những chiếc đèn Trung thu thường thấy dán bằng giấy bóng, đèn con cua dán bằng một loại giấy làm theo phương pháp cổ truyền. Ánh sáng tỏa ra mờ dịu, đượm nét hoài cổ. Con mắt người đàn ông cao niên ánh lên niềm vui trước một món đồ chơi con trẻ: "Con cua, con cá chép, hay thiềm thừ trông trăng… khi treo lên, gặp những cơn gió, chúng đung đưa, "vận động" y như thật. Phải thế mới đúng kiểu các cụ xưa. Ðèn con cua này phải mất nhiều công lắm mới khôi phục được. Nhưng đây mới là mẫu đèn cua "sống". So với mẫu đèn con cua "chín" mà mình tìm được thì còn chưa ăn thua gì. Mẫu này còn khó hơn nữa. Các cụ xưa khéo lắm. Con cua "chín" là khi mai được bóc bỏ hết cả, "thịt cua" được làm lộ hết ra. Khi thắp đèn lên, tỏa ra mầu đỏ rực".

Nói rồi, nhà nghiên cứu già cho chúng tôi xem bộ khung của mẫu đèn "cua sống". Cả một hệ thống khung "rườm rà", kết hợp giữa nan tre và dây thép. Hình dạng con cua như thế nào, thì bộ khung y như thế, từ thân, cho đến càng, chân… Phức tạp hơn khi phải xử lý bộ khung mà đốt đèn, đốt nến không bị cháy. Ông lại cho chúng tôi xem khung của đèn con cá. Hóa ra phần đầu và phần thân được làm tách riêng ra. Chúng gắn lại với nhau bằng những sợi dây thép. Khi rước đèn, con cá cũng rung rinh như chuyển động.

Tìm lại ánh đèn Trung thu xưa -0

Ðèn con bướm (mới được phục dựng). 

Bây giờ, người dân Hà Nội và TP Hồ Chí Minh bắt đầu… làm quen với những chiếc đèn cầu kỳ, tinh tế này. Nhiều người tò mò vì lạ lẫm. Nhưng lùi thời gian lại nửa đầu thế kỷ 20, đó là những món đồ chơi Trung thu thân thuộc với trẻ em. Nếu xem lại những bức ảnh về Hà Nội đầu thế kỷ trước, hay trong bộ sách của Henry Oger về các nghề thủ công truyền thống của Việt Nam, không ai không ngưỡng mộ những chiếc đèn thuở ấy. Nhà nghiên cứu Trịnh Bách, sống qua thời kỳ "Trung thu xưa". Và rồi chứng kiến những thăng trầm của "Trung thu nay". Có giai đoạn, những chiếc đèn lồng nhựa nhấp nháy xanh đỏ hoàn toàn chiếm ưu thế trên các sạp bán đồ chơi trẻ nhỏ mỗi mùa trăng, làm nặng lòng những người yêu vốn văn hóa dân tộc. Rồi đèn ông sao, đèn cù, đèn kéo quân, đèn con thỏ… lại trở về. Nhưng với ông, thế vẫn là chưa đủ. Muốn người nay hiểu về người xưa là một chuyện. Ông muốn khôi phục còn vì những chiếc đèn đơn giản ấy chưa thể đại diện cho "đẳng cấp" văn hóa Việt.

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, nhà nghiên cứu Trịnh Bách "đào xới" trong các thư viện, bảo tàng nước ngoài, tìm những bức ảnh cổ. Nhiều mẫu đèn Trung thu xưa được lưu giữ trong bảo tàng ở Pháp, ở Anh và cả ở Mỹ. Những chiếc đèn đẹp nhất ông tìm được đều có nguồn gốc từ làng Báo Ðáp (Nam Trực, Nam Ðịnh). Chắp nối những mảnh ghép ấy, phác họa về những chiếc đèn cổ bắt đầu hình thành. Ông háo hức tìm đến những nghệ nhân già ở làng đèn Trung thu nổi tiếng nhất ở Bắc Bộ là làng Báo Ðáp, hay những nghệ nhân làm đèn kéo quân có tiếng làng nghề Ðàn Viên (huyện Thanh Oai, Hà Nội) để cùng các nghệ nhân khôi phục thử. Thật bất ngờ, tất cả đều không biết làm phần lớn những mẫu đèn này. Chiến tranh gây ra những đứt gãy văn hóa. Khi bắt tay vào làm thử, các nghệ nhân đều thất bại. Hóa ra, một trong những cái khó nhất lại là kỹ thuật tưởng như đơn giản nhất, đó là… uốn nan tre. Có những chỗ uốn rất phức tạp mà nghệ nhân ngày nay đã đánh mất bí quyết, hễ uốn là gãy. Chưa kể, những loại giấy mà người xưa dùng là giấy gì thì cũng không ai nắm rõ.

"Ðể tìm lại chiếc đèn xưa, điều mình không ngờ là phải dựng lại lịch sử của nghề này. Khoảng những năm 50 của thế kỷ trước, nhiều người làng Báo Ðáp di cư vào nam, đem theo những kỹ thuật làm đèn cổ truyền. Họ tụ họp lại lập ra xóm Phú Bình (quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh) là tiếp tục nghề của cha ông. Nhưng vào nam thì họ chịu ảnh hưởng phong cách của Chợ Lớn (tức phong cách người Hoa) nên nhiều loại đèn có dán lông thỏ, đính kim kính… Ðấy chính là "manh mối" tiếp theo để chúng tôi khôi phục đèn cổ", nhà nghiên cứu Trịnh Bách tâm sự.

Song, một lần nữa ông thất bại. Người thì thay đổi cách làm. Người thì ngại làm vì quá phức tạp. Phải mất khoảng mười năm vào nam ra bắc, nhà nghiên cứu Trịnh Bách mới tìm được gia đình bà Nguyễn Trọng Văn, người gốc Báo Ðáp có hơn 60 năm làm đèn Trung thu. Bà Văn tuổi cao, lại bị tai biến phải ngồi xe lăn. May mắn là con cái bà vẫn theo nghề làm đèn Trung thu, có điều họ không biết kỹ thuật làm đèn kiểu truyền thống. Nhưng, họ rất mừng khi gặp người muốn khôi phục đèn cổ như nhà nghiên cứu Trịnh Bách. Vậy là nhà nghiên cứu cùng những nghệ nhân lại mày mò khôi phục. Bắt đầu từ dễ, với đèn con thỏ, đèn cá chép…, đến những mẫu khó hơn. Những chiếc khung đèn dần hình thành. Song, không ai biết ngày xưa các cụ dán bằng giấy gì. Thế rồi một hôm, ông và con trai cụ Văn "dựng" thử chiếc đèn con thỏ. Cụ Văn nhìn thấy thế cảm động lắm. Bất chợt cụ reo lên: "Giấy nhiễu. Giấy nhiễu". Bấy giờ cụ Văn mới chỉ cho nhà nghiên cứu Trịnh Bách người buôn giấy nhiễu.

Giấy nhiễu cũng là một khái niệm "lạ" nữa với người đương thời. Người Việt cũng không còn làm giấy nhiễu nữa, nên phải nhập khẩu. Giấy nhiễu làm tựa như giấy dó, nhưng trong quá trình làm, người thợ có thêm "phụ gia" là vụn tơ tằm vào. Giấy nhiễu được quết nhựa cậy làm cho giấy thấm nước, rất dai, tăng độ bền. Người thợ sẽ vẽ lên đèn tựa như vẽ tranh thủy mặc. Chính những chất liệu, lối vẽ này khiến chiếc đèn có mầu mờ dịu, đượm nét hoài cổ. Năm 2017 là thời điểm đánh dấu những chiếc đèn Trung thu thuở xưa trở lại với cuộc sống hôm nay.

Mùa Trung thu này, nhà nghiên cứu Trịnh Bách đem nhiều mẫu đèn phục cổ giới thiệu ở Hoàng thành Thăng Long, phố cổ Hà Nội. Một trong những mẫu mới nhất ông giới thiệu là "cá chép hóa rồng". Cá chép hóa rồng tượng trưng cho những nỗ lực bền bỉ, vượt lên chính mình. Ðuôi và thân vẫn là cá chép, nhưng phần đầu đã chuyển thành đầu rồng. Phần đầu rồng thể hiện sự khéo léo của người nghệ nhân, với những chi tiết tỉ mỉ, đòi hỏi kỹ thuật cao. Mỗi chiếc đèn đều có những tích riêng, là những ước nguyện, câu chuyện nhân văn, mang tính giáo dục, đó chính là cái hay trong triết lý của người Việt. Ðấy là lý do mà nhà nghiên cứu Trịnh Bách cũng như nhiều người khác một lòng muốn đem Trung thu xưa trở lại.

Thành công trong tìm lại nét đẹp xưa. Và bây giờ, khát vọng của ông là để nét đẹp ấy, để "đẳng cấp" văn hóa Việt ấy được lan tỏa rộng trong cộng đồng.