Thước đo cái đẹp

Tập tục xăm mặt từng được coi là chuẩn mực thẩm mỹ đối với những cô gái người dân tộc Chin (Myanmar). Thậm chí, những người không có vết xăm nào trên mặt còn bị coi là xấu xí và khó lấy chồng.

Thước đo cái đẹp

VICTORIA là đỉnh núi cao nhất bang Chin, nằm ở phía tây Myanmar. Ðây cũng là quê hương của tộc người Chin, vốn chỉ chiếm khoảng 2% dân số “xứ chùa Vàng”. Ðến với vùng đất hoang sơ kỳ vĩ này, du khách sẽ phải trầm trồ bởi vẻ đẹp của những người phụ nữ Chin với những chiếc áo choàng sặc sỡ sắc mầu, được làm thủ công và thêu dệt hoa văn rất cầu kỳ. Ðặc biệt hơn cả, phải kể đến những vết xăm độc đáo trên khuôn mặt của họ.

Từ thế kỷ 11, vẻ đẹp yêu kiều của những người con gái Chin đã khiến các vị vua chúa và quý tộc phải xiêu lòng. Ðể không bị bắt về làm tỳ nữ, những cô gái bản địa đã xăm lên mặt. Trải qua hàng trăm năm, tập tục này đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa của dân tộc Chin.

Thậm chí, nếu không có bất kỳ vết xăm nào trên mặt sẽ bị coi là xấu xí và khó có thể lấy chồng. Sở hữu càng nhiều “hoa văn” trên mặt với độ phức tạp càng cao được coi là chuẩn mực thẩm mỹ lúc bấy giờ. Ðó cũng là biểu tượng của vẻ đẹp và phụ nữ Chin luôn tự hào phô diễn trước phái mạnh.

Không những vậy, xăm được coi như dấu mốc của sự trưởng thành và chỉ những thiếu nữ từ 12 -14 tuổi mới có thể sở hữu cho riêng mình những vết xăm đầu tiên. Thế rồi, những nét vẽ ấy sẽ ôm trọn lấy khuôn mặt họ, giúp họ đạt tới được khuôn mẫu của vẻ đẹp truyền thống, được thần linh cũng như gia tiên bảo vệ, chứ không phải hành động tự làm xấu bản thân mình.

Sự tách biệt với thế giới hiện đại giúp người Chin gìn giữ được khá nguyên vẹn bản sắc văn hóa của họ. Dẫu vậy, Chính phủ Myanmar đã nghiêm cấm tập tục xăm mặt trong nỗ lực xóa bỏ hủ tục và hiện đại hóa đất nước.

Ngày nay, cùng với sự thay đổi về quan niệm thẩm mỹ, những thiếu nữ Chin không còn xăm mặt nữa. Những hình xăm chỉ xuất hiện trên gương mặt của những người lớn tuổi. Các bà lão vác gùi đi chợ, vẫn luôn vui vẻ và tự hào khi chứng kiến du khách thập phương trầm trồ trước nét đẹp độc đáo của mình. Cùng với đó, “ngón nghề” thổi sáo bằng mũi  cũng là món quà nghệ thuật đặc sắc chào đón khách du lịch đến tìm hiểu văn hóa của người dân nơi đây.