Tranh con giáp của một bậc thầy

Báo Tết đã có truyền thống 95 năm nếu tính từ tờ Nam Phong số Tết (được coi là đầu tiên) năm 1918 của Phạm Quỳnh (1893-1945). Truyền thống báo Tết này độc nhất trên thế giới. Trang bìa thường là một bức “tranh xuân” phổ biến là thiếu nữ tân thời với hoa đào, mai và các loài hoa xuân khác... Hình ảnh cô gái hiện đại thành biểu trưng cho “cái đẹp” lý tưởng của thanh niên trí thức mới nhập từ châu Âu vào. Tranh xuân gái và hoa thậm chí trở thành một phần quan trọng nhất của sự nghiệp hội họa Nguyễn Gia Trí nói riêng và tranh sơn mài Việt Nam nói chung. Trên báo Tết cũng thường có tranh vẽ thú vật. Tất nhiên năm nào vẽ con đó. Truyền thống

Bột mầu trên giấy. Tranh : NGUYỄN TƯ NGHIÊM
Bột mầu trên giấy. Tranh : NGUYỄN TƯ NGHIÊM

Tranh Tết có truyền thống 500 năm với các dòng tranh dân gian khá nổi tiếng như Đông Hồ, Hàng Trống... Đó là các tranh in với các chủ đề chúc tụng, trừ tà cố định với các hình mẫu, ván in được lưu truyền nhiều đời ít thay đổi. Tranh Tết bán ở chợ giá rẻ như mớ rau, bìa đậu mà thôi. Mua về dán lên tường, cột, cánh cửa, cánh cổng vài ngày Tết rồi bỏ hoặc tự chúng cũng phai màu, mục nát đi..., sang năm lại mua vài tờ mới. Đó là thứ nghệ thuật bị coi là thấp kém, bình dân, quê kệch chỉ nhà nghèo mới chơi. Ngay tranh Hàng Trống quý phái hơn cũng chỉ là của dân thành thị thu nhập thấp. Nhà giàu và trí thức Nho học ở ta rất kém hiểu biết mỹ thuật, hầu như không chơi tranh cũng như thư pháp. Ngược lại trí thức mới ở thành thị thuộc địa vừa hướng về nghệ thuật bình dân, vừa sùng bái vẻ đẹp tạo hình. Lý do là khi lãng mạn đưa cái đẹp lên ban thờ (thay cho giáo điều đạo đức, đạo lý) thì hình vẽ cụ thể hơn, có sức mạnh biểu tượng hơn bài thơ hay bản nhạc.

Tuy nhiên ở các dòng tranh dân gian không có tranh con giáp. Con hổ ở Hàng Trống, con gà, con chuột ở Đông Hồ, con lợn ở Kim Hoàng... mang nội dung cầu chúc, thờ cúng không phải “con giáp”. Nhìn tranh làng Sình (Huế) hay tranh vàng mã của người Hoa (quận Năm Sài Gòn)..., ta chỉ thấy một tờ vẽ gộp 12 con giáp khá sơ sài. Các tranh này người ta mua về rồi hóa cả cuộn cùng vàng mã. Không ai mở ra xem, cũng không treo, dán trong nhà!

Vì vậy có thể nói tranh con giáp là một “phát minh” độc đáo của các họa sĩ Việt Nam. Truyền thống mới này bắt đầu phát triển từ những năm 1960 ở Hà Nội. Rất nhiều họa sĩ khai bút đầu năm bằng một con giáp, giấy khổ nhỏ, chất liệu “rẻ tiền mau hỏng” như chì, bút sắt, mầu nước, bột mầu,... gửi minh họa báo hoặc thay thiếp mừng năm mới tặng bạn bè. Có đôi lần ngày Tết tới thăm cụ Phái, cụ Nghiêm tôi cũng được các cụ cho tranh con giáp có dòng chữ Chúc mừng năm mới, về cài lên mâm ngũ quả trên nóc tủ cho “vui nhà”. Dần dần nhiều họa sĩ đầu tư, đi sâu vẽ tranh con giáp nghiêm trang và nhiệt huyết hơn với sơn mài, lụa hay sơn dầu khổ lớn và không chỉ vẽ vào dịp Tết. Thí dụ từ năm 2003, các họa sĩ Huế thường niên có Phòng tranh xuân vẽ con giáp của năm mới. Năm 2009, Vietart Centre bày riêng một triển lãm tranh con giáp của Phan Cẩm Thượng. Chào mừng năm 2014 này, Lê Trí Dũng in cả một cuốn sách tranh 70 con ngựa, v.v.

Quan niệm thông thường trong dân gian là người sinh năm con nào thì cũng có số phận hay tính cách tương tự như con mình “cầm tinh”. Và đại đa số các họa sĩ vẽ con giáp theo cảm hứng và nhận thức giản dị ấy. Nhà tử vi thì phán chi ly hơn với 12 cung trên lá số, mỗi cung một con giáp, an đủ 120 vì tinh tú. Nghĩa là 12 con thú/giống/giáp này là cả một đời người mà cũng là cả vũ trụ xoay vần. Nhà phong thủy khuyến cáo treo tranh theo tuổi nhưng thường không phải tranh vẽ con giống trùng với tuổi của thân chủ. Như vậy hội họa con giáp không minh họa tử vi, phong thủy hay tín ngưỡng nào mà đã là một thứ hội họa độc lập. Và nó cũng không phải là thứ hội họa mô tả các con vật yêu thích như ở châu Âu hay Trung Hoa.

Một doanh nhân Ấn Độ ở Sài Gòn cho tôi một bức gò đồng hình vuông, để thờ như là một cái Mandala - Mặt Phật - Mô hình vũ trụ có vòng tròn lớn với hình các quẻ dịch (vạch liền và đứt đôi), 12 con giáp chia theo các cung. Phía trên có ba Phật tam thế ngồi tòa sen hay ba vị thần Đạo Hindus (?),
chung quanh, phía dưới còn có các hình thần thánh hộ pháp, vũ nữ, hoa sen, bùa,... rất phức tạp, như một thứ gộp nhập các quan niệm triết lý vũ trụ cổ xưa. Có lần họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm giảng cho tôi rằng: Trước thì cứ vẽ tùy hứng nhưng nghiên cứu sâu thì mới biết là có quy định cả. Con nào, khi nào, ở đâu... đều có mầu tương ứng, thích hợp. Đó là những năm sau này khi họa sĩ hay vẽ cả một vòng Mandala 12 con với con chủ của năm mới ngay chính giữa. Tôi không hiểu lắm nhưng có cảm giác càng về già, họa sĩ càng vẽ có tín niệm triết lý hơn, trong khi hành vi sáng tác (vẽ nét, tô mầu, vò giấy...) lại trẻ thơ, ngẫu nhiên hơn. Phải chăng có cái gì đó gần với thú nhận của nhà phân tâm học lừng danh C.G. Jung khi ông cùng các bệnh nhân của mình sáng sáng vẽ hoàn toàn vô thức, tự phát các vòng tròn, hình tròn... mà ông gọi là mandala. Nhà bác học cho rằng, vẽ - tạo ra các vòng xoay, các mandala giúp cân bằng, giao cảm và tái sắp xếp đời sống nội giới!

Bên cạnh các bậc thầy Mỹ thuật Đông Dương Nguyễn Tư Nghiêm có bảng mầu phong phú và độc đáo nhất. Các gam mầu của ông vừa vẽ xong đã nhuốm màu thời gian, cổ kính như cổ thư, cổ tự, cổ tích... Hệ thống nét vào loại tinh tế, lập thể và đồng hiện nhất. Bố cục tranh cũng thuộc loại đa chiều phức hợp nhất. Những phẩm chất “tót vời” ấy lại thể hiện rõ nhất ở sự nghiệp tranh con giáp. (Trong cuốn sách nxb Mỹ thuật in năm 2009 giới thiệu Sưu tập Thu Giang có tới 2/3 số tác phẩm là tranh con giống). Ở đây ta thấy rõ nguồn gốc tạo hình từ Đông Sơn, gốm Lý Trần, tới nghệ thuật ở làng thời trung đại chung sống hòa hợp với ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại trong một cảm thức triết - mỹ sâu sắc hiếm có. Tranh Nguyễn Tư Nghiêm là hiện hình của chân trời dân tộc- hiện đại mà các nghệ sĩ ước ao vươn tới.

Với tôi, “dòng tranh con giống” của bậc thầy này như ân cần nối dài mạch văn minh sông Hồng, không hiểu tại sao.