Trước khe cửa hẹp

Năm tuần trước ngày 31-12 - ngày chính thức kết thúc thời hạn chuyển tiếp của tiến trình nước Anh rời Liên hiệp châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, những cuộc đàm phán vẫn chưa thể khai thông được hết các bế tắc. Khi quỹ thời gian gần như đã cạn, một lần nữa, những phương án dự phòng không mong đợi lại được nhắc tới, để làm dài thêm những viễn cảnh không rõ ràng.

Một tia hy vọng đã đột ngột lóe lên vào ngày 28-11, khi tờ The Teleghraph (Anh) đưa tin rằng EU "sẵn sàng nhượng bộ về vấn đề quyền đánh bắt cá trong đàm phán Brexit". Tuy nhiên, niềm lạc quan đó đã nhanh chóng được thực tế chứng minh là không có cơ sở.

Hai ngày sau, 30-11, cả EU lẫn nước Anh đều lên tiếng cảnh báo về chuyện không còn nhiều thời gian để đạt được một thỏa thuận thương mại hậu Brexit, trong bối cảnh hai bên vẫn còn quá nhiều khác biệt quan điểm, về quyền đánh bắt cá và về vấn đề trợ cấp của nhà nước, giải quyết tranh chấp cũng như cạnh tranh kinh tế công bằng.

Nghĩa là, mọi chuyện gần như vẫn đang "giậm chân tại chỗ", đến mức độ Bộ trưởng Ngoại giao Ai-len (Ireland), ông S.Cô-vơ-nây (Simon Coveney) thậm chí phải nhắc nhở rằng "việc không thỏa thuận được vấn đề đánh bắt cá có thể phá hỏng toàn bộ thỏa thuận".

Tuy vậy, trong các diễn biến không có gì mới ấy, cũng đã hé lộ những phác thảo của cả hai phía cho tương lai gần. Dù tất nhiên, không phải như cách The Telegraph cho rằng EU sẽ chấp nhận đề xuất về một giai đoạn chuyển tiếp nữa xoay quanh vấn đề quyền đánh bắt cá, sau ngày 1-1-2021.

Cho dù phát đi những tín hiệu rằng họ vẫn đang nỗ lực thu hẹp những bất đồng, Luân Ðôn vẫn khẳng định rằng họ sẽ "không thay đổi lập trường đàm phán", và "sẵn sàng chấp nhận kịch bản không đạt được thỏa thuận nào", nếu đàm phán không đem lại kết quả. Theo đó, một Trung tâm vận hành biên giới đã được thiết lập. Cơ quan này sẽ sử dụng phần mềm để thu thập thông tin về lưu thông hàng hóa và hành khách nhằm giúp chính phủ và cảnh sát địa phương có thể nhanh chóng ra quyết định, giảm bất kỳ sự gián đoạn nào, nếu phải hoạt động trong bối cảnh phải xác định áp đặt loại thuế nào và xử lý các tình huống khác, khi không có những quy định cụ thể ở một thỏa thuận hậu Brexit cần thiết.

Ngược lại, EU cũng sẵn sàng triển khai các phương án và giải pháp đột xuất, áp dụng cho toàn bộ các văn phòng hải quan trên khắp EU. Theo Thủ tướng Ðức A.Méc-ken (Angela Merkel): Một số nước thành viên EU đang dần mất kiên nhẫn. Song, bà cũng nhấn mạnh: Không cần phải đạt được thỏa thuận bằng mọi giá, và thỏa thuận cuối cùng phải đem lại lợi ích cho tất cả các bên. Quan điểm từ phía nước Pháp cũng tương tự: EU đã đưa đề nghị rõ ràng và cân bằng về quan hệ đối tác tương lai với Anh, do đó, khối này sẽ không chấp nhận một thỏa thuận không đem lại lợi ích cho khu vực.

Vẫn chưa bên nào thật sự tỏ ra sẵn sàng nhượng bộ. Dường như, bên nào cũng vẫn muốn giữ nguyên sức ép nhằm buộc đối phương chấp nhận thỏa hiệp, cho dù thời gian đã cạn và tất cả đều hiểu rằng việc không đạt được thỏa thuận hậu Brexit nào sẽ chỉ đẩy cả hai vào thế "lưỡng bại câu thương", bởi sự chậm trễ trong đàm phán có thể gây khó khăn cho việc phê chuẩn bất kỳ thỏa thuận thương mại nào.

Tuy vậy, trên thực tế, bởi vì chưa có bất cứ cánh cửa nào hoàn toàn đóng lại, nên có lẽ cũng vẫn còn thời gian để cả nước Anh lẫn EU tiếp tục trò chơi cân não mà trong đó, quyết tâm chính trị cũng như những lựa chọn cân bằng sẽ còn là công cụ phục vụ nhiều mục đích hơn là chỉ vấn đề kinh tế đơn thuần.