Trở lại điểm khởi đầu

"Chúng tôi hoan nghênh những tuyên bố tích cực của Tổng thống đắc cử G.Bai-đơn (Joe Biden) về Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) và mong muốn có thể sớm làm việc với chính quyền mới của nước Mỹ (để khôi phục thỏa thuận này)". Ngày 11-1, Cao ủy phụ trách đối ngoại của Liên hiệp châu Âu (EU) G.Bô-re-lơ (Joseph Borrell) khẳng định như vậy, để một lần nữa nhấn mạnh tính cấp bách của các diễn biến mới nhất mới xảy ra chung quanh JCPOA.

Tổng thống Mỹ đắc cử G.Bai-đơn, ngay sau kết quả kiểm phiếu sơ bộ hồi đầu tháng 11, đã hé lộ rằng ông sẵn sàng đưa nước Mỹ trở lại với JCPOA - thỏa thuận lịch sử về vấn đề hạt nhân của I-ran mà nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Ðức) ký với nước cộng hòa Hồi giáo ấy năm 2015, nhưng đã bị Tổng thống Mỹ Ðô-nan Trăm (Donald Trump) phủ định hồi năm 2018. Ông đưa nước Mỹ rút khỏi JCPOA, và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt lên I-ran, mỗi lúc một khắc nghiệt.

Ðó là một chuỗi hành động mà không chỉ I-ran, cả EU cũng liên tục bày tỏ thái độ không đồng tình. Từ việc "ngọt nhạt" với Nhà trắng rằng "một thỏa thuận không hoàn hảo còn hơn là không có thỏa thuận nào" - như lời Thủ tướng Ðức A.Méc-ken (Angela Merkel) năm 2018 - đến việc kiên quyết không đáp ứng các yêu cầu trừng phạt I-ran cùng với Mỹ, EU cho thấy luôn muốn duy trì và bảo vệ JCPOA.

Ðiều này đầu tiên xuất phát từ nhu cầu bảo vệ uy tín của chính các cường quốc EU. Sau đó, cũng phải nói đến những lợi ích thiết thực về mặt kinh tế mà Pháp hay Ðức nhận được, qua các bản hợp đồng trên tiến trình tái thiết I-ran sau cấm vận. Và cuối cùng, dĩ nhiên, chúng ta có thể nói đến các mục tiêu cao cả, như hòa bình và ổn định cho toàn thế giới.

Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, nói về việc khôi phục JCPOA thì rất dễ, mà tái khởi động tiến trình này lại khó khăn gấp nhiều lần. Những diễn biến mới nhất xoay quanh các mối quan hệ phức tạp của thỏa thuận ấy đang đẩy mức độ căng thẳng lên một tầm cao mới, và do đó, chuyện "xuống thang" hay "hạ nhiệt" lại cũng sẽ phụ thuộc vào rất nhiều điều kiện, đặc biệt là sự chân thành của mỗi bên.

Ngay trong những ngày đầu năm mới 2021, I-ran đã thông báo, rồi chính thức khởi động quy trình làm giàu urani, với độ tinh khiết lên tới 20%, vượt xa mức 3,67% được quy định trong JCPOA. Tê-hê-ran (Tehran) thậm chí còn "dọa" rằng họ đủ năng lực nâng độ tinh khiết lên tới 90% - mức đủ để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Quan điểm của I-ran vừa được nhà lãnh đạo tinh thần tối cao - Ðại giáo chủ A.Kha-mê-nê-i (Ali Khamenei) - tái khẳng định ngày 8-1: "Ðòi hỏi chính đáng của chúng tôi là Mỹ phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Những lệnh trừng phạt này phải được dỡ bỏ ngay lập tức. Nếu các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, sự trở lại của Mỹ mới có ý nghĩa". Nghĩa là, bởi vì Mỹ đã không tuân thủ các cam kết trong JCPOA trước, I-ran có quyền hạ thấp những trách nhiệm phần mình.

Và đến ngày 10-11, Bộ Ngoại giao I-ran gay gắt chỉ trích, rằng Anh, Pháp và Ðức "không những không hoàn thành nghĩa vụ của mình, mà còn trở thành đối tác trong việc Mỹ vi phạm JCPOA".

Châu Âu lâm vào thế khó, khi đứng giữa hai lập trường đều cực kỳ cứng rắn của nước Mỹ dưới thời Tổng thống Ðô-nan Trăm (vẫn còn đang tại vị, cho đến ngày 20-1) và Tê-hê-ran (đang tưởng nhớ một năm ngày vị tướng của họ thiệt mạng dưới bom Mỹ, với tinh thần chống Mỹ sôi sục trên các đường phố). Một mặt, EU cần bảo đảm được vị thế độc lập thông qua sự kiên định cần thiết của mình. Mặt khác, họ cũng thật sự muốn vãn hồi được JCPOA, với việc thúc đẩy Mỹ trở lại.

Tuy nhiên, khi đẩy cao mức điều chế urani lên 20%, có thể nói là I-ran đã chấp nhận "xóa bàn cờ đánh lại". Và tất nhiên, ai cũng hiểu, Tê-hê-ran muốn chiếm ưu thế càng nhiều càng tốt, trước một chính quyền mới có vẻ "mềm mỏng" hơn của nước Mỹ, với những cam kết tranh cử còn nóng hổi.

Bối cảnh ấy, thực tế, cũng khá tương đồng với sự "ngổn ngang" năm 2015…