Một thỏa thuận, một nỗi lo

Cuối cùng, gói ngân sách phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 đã được Liên hiệp châu Âu (EU) thông qua. Song, cách mà EU phải vật lộn với những bất đồng, chia rẽ và bế tắc để đạt được thỏa thuận ấy, một lần nữa, lại cho thấy: Tổ chức cộng đồng này thật sự cần những thay đổi mạnh mẽ trong cơ chế hoạt động của mình, để đáp ứng với tình hình ngày càng phức tạp của thời đại mới.


Nó đã được thông qua, gói các khoản hỗ trợ và các khoản vay nhằm thúc đẩy tiến trình phục hồi kinh tế EU sau đại dịch Covid-19 ấy, tại một hội nghị cấp cao EU căng thẳng hiếm có, vào ngày 21-7.

Theo chương trình nghị sự dự kiến lúc đầu, hội nghị sẽ chỉ diễn ra trong hai ngày 17 và 18-7. Tuy nhiên, bởi những xung đột sâu sắc về quan điểm, những cuộc bàn thảo và tranh luận nảy lửa đã kéo dài gấp đôi thời gian. Thậm chí, các nhà lãnh đạo EU còn phải họp với nhau đến tận buổi đêm, để cố gắng phác thảo những điểm thỏa hiệp hay nhượng bộ cần thiết.

Một thách thức lịch sử - hậu quả của đại dịch toàn cầu Covid-19 - lại càng thêm gian nan, khi EU phải vượt qua những vấn đề tồn tại từ lịch sử.

Một cách ngắn gọn, sự chia rẽ nội bộ EU về gói cứu trợ kinh tế này xoay quanh điểm cốt lõi: Sự tin tưởng của một số thành viên vào kỷ luật chi tiêu của một số thành viên khác.

Cụ thể, kế hoạch ban đầu mà Hội đồng châu Âu (European Council) đưa ra bị "nhóm Frugals" (bao gồm các nước Áo, Hà Lan, Thụy Ðiển, Ðan Mạch và Phần Lan) phản đối dữ dội, với lý do: Bản kế hoạch đó, với mức 500 tỷ euro dành cho các hoạt động hỗ trợ trên tổng trị giá 750 tỷ euro của cả gói, sẽ hướng đến lợi ích nhiều nhất cho các quốc gia bị thiệt hại nặng nề nhất bởi Covid-19, như Tây Ban Nha hay I-ta-li-a (Italy). Song, đó lại cũng chính là những đất nước có khả năng kiểm soát ngân sách lỏng lẻo nhất. Và bởi vậy, nhóm Frugals, đại diện cho những nước theo chủ trương "thắt lưng buộc bụng" (nhưng lại là những nước "khá giả"), sẽ chỉ chấp nhận mức hỗ trợ tối đa 350 tỷ euro, thậm chí là có những điều kiện đi kèm, như những công cụ kiểm soát.

Không còn cách nào khác, Hội đồng châu Âu và Ủy ban châu Âu (European Commission) buộc phải gấp rút vạch ra những thay đổi cốt lõi, như đề xuất mức hỗ trợ là 390 tỷ euro, song các nước Frugals sẽ được nhận lại một số khoản tiền nhỏ.

Và sau cùng, trời lại yên, biển lại lặng.

Tuy nhiên, bất chấp kết thúc tốt đẹp ấy, giới quan sát quốc tế cũng sẽ khó có thể quên được phát biểu của Chủ tịch Hội đồng châu Âu C.Mi-xen (Charles Michel), vào thời điểm tất cả còn đang mịt mù: "Liệu 27 lãnh đạo EU, chịu trách nhiệm vì người dân châu Âu, có đủ năng lực xây dựng sự đoàn kết và tin tưởng hay sẽ phơi bày một châu Âu yếu đuối, bị hủy hoại bởi sự mất lòng tin?".

Ðặt câu nói ấy cùng quá trình họp bàn "vượt thời lượng" của hội nghị cấp cao EU lần này cạnh những điều đã từng diễn ra trong quá khứ: Những đất nước bị áp đặt chi tiêu "kham khổ" nhằm bảo đảm an toàn tài chính sau đại suy thoái kinh tế toàn cầu 2008, như Hy Lạp; quá trình rời EU của nước Anh trong tâm trạng xã hội chung cho rằng mình phải gánh vác quá nhiều trách nhiệm; hay những tranh luận đồng dạng về các vấn đề tương tự, như phân bổ hạn ngạch đóng góp vào việc xử lý các dòng người nhập cư bất hợp pháp…, bất cứ ai cũng có thể nhận ra, dù lờ mờ, những vết rạn.

Gắn liền với lợi ích cốt lõi riêng của từng quốc gia, những phần trách nhiệm chung càng lúc càng dễ trở thành tiền đề của chia rẽ và phân ly, nếu không được tiên liệu và xử lý khéo léo bằng những hình thức mang tính thể chế.

Sau thỏa thuận này, EU dường như cũng vẫn còn phải đi tìm sự cân bằng nội tại…