Mờ mịt, những phận đời

Đại dịch Covid-19 không chỉ có nghĩa là tốc độ lây nhiễm chóng mặt, số lượng người tử vong khổng lồ, sự đình trệ của các hoạt động kinh tế - xã hội. Một trong những hệ quả khủng khiếp nhất của nó, cho đến giờ vẫn chưa được nhắc tới nhiều, là khả năng làm tồi tệ thêm những tình cảnh vốn đã vô cùng bi đát của những thân phận vô danh vốn đã bị cuốn theo dòng thời cuộc từ trước đó.

Ngày 16-4, Ủy ban Chữ Thập đỏ quốc tế (ICRC) cảnh báo: Các chính quyền trong khu vực Trung Đông, như Xy-ri (Syria), Li-băng (Lebanon), I-rắc (Iraq), Y-ê-men (Yemen), Gioóc-đa-ni (Jordan) và các chính quyền trên dải Ga-da (Gaza) cần phải chuẩn bị cho “những hậu quả mang tính tàn phá”, hoặc “một cuộc biến động kinh tế - xã hội”.

Hai ngày sau, đến lượt Ủy ban Liên hợp quốc (LHQ) về người tị nạn (UNHCR) lên tiếng, theo đó hàng triệu người dân thuộc 21 quốc gia Tây và Trung Phi đang đối mặt nguy cơ rơi vào thảm họa nhân đạo - hệ quả trực tiếp của xung đột vũ trang cộng hưởng với đại dịch Covid-19.

Một ngày trước đó, 17-4, tại Ni-giê-ri-a (Nigeria), có ít nhất năm phụ nữ và trẻ em thiệt mạng cùng khoảng bảy người bị thương bởi đám đông xô đẩy chen lấn, khi hàng nghìn người tập trung tại một trường tiểu học để được nhận những suất cứu trợ ít ỏi trị giá chỉ vài USD…

Chưa cần đến sự xuất hiện u ám của bóng ma dịch bệnh, ở những nơi thù hận chất chồng và xung đột triền miên, chất lượng sống của những người dân nghèo đã bị đẩy tụt xuống gần mức báo động.

Mới đây thôi, khi đại dịch Covid-19 mới bắt đầu trỗi dậy và chưa gây ra nhiều bi kịch, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) công bố một số thông tin thu hút khá nhiều sự chú ý. Theo đó, tại Y-ê-men - nơi được xem là thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất mà thế giới đang chứng kiến, trẻ em không có đủ nước sạch để thực hiện biện pháp phòng ngừa dịch bệnh đơn giản nhất: Rửa tay.

Y-ê-men, trong khói lửa giao tranh, có đến 260.000 trẻ em suy dinh dưỡng nghiêm trọng, hai triệu trẻ em suy dinh dưỡng, khoảng 80% dân số phải trông chờ vào những nguồn cứu trợ của cộng đồng quốc tế. Theo ước tính của ICRC, chỉ riêng các vùng chiến sự ở ba nước Xy-ri, I-rắc và Y-ê-men đã có tới khoảng 40 triệu người cần được hỗ trợ nhân đạo.

Trên những mảnh đất bị chiến tranh làm hư tổn nặng nề, chi phí sinh hoạt mỗi lúc một tăng cao, trong khi người dân (kể cả những người bỏ nhà bỏ cửa chạy trốn chiến tranh hay những người bị kẹt lại, hoặc những người đang cố gắng bắt đầu tham gia tiến trình tái thiết) chưa có cách nào để cải thiện tình hình ấy.

Và khi nỗi ám ảnh mang tên Covid-19 ập tới, những đường biên giới bị khép chặt. Hoạt động cứu trợ của cộng đồng quốc tế trở nên khó khăn gấp bội, những nhu cầu thiết yếu tối thiểu (lương thực, điện, nước sạch, chăm sóc y tế) càng trở nên xa xỉ, nói gì đến chuyện những phận đời bị cuốn đi theo gió kia được trang bị đầy đủ các biện pháp phòng, chống đại dịch?

Sự thiếu thốn về cơ sở hạ tầng kỹ thuật cùng nguồn lực tài chính eo hẹp trở thành rào cản gần như không thể vượt qua đối với các chính quyền đó, dù họ có nỗ lực bảo vệ tính mạng cho người dân. Rất nhiều niềm hy vọng sống sót được đặt trọn vào hành động của các tổ chức quốc tế, mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là một thí dụ điển hình. Song, WHO cũng đang đối diện nguy cơ thiếu hụt ngân sách hoạt động, khi nước Mỹ, vì nhiều lý do, chẳng còn mặn mà tài trợ.

Những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất, dường như, chẳng còn lựa chọn nào khác là tiếp tục chấp nhận. Còn xung đột và chiến tranh cũng vẫn tiếp diễn, bên cạnh những tham vọng và tính toán địa chính trị của các trung tâm quyền lực toàn cầu.