Không chỉ chuyện về những lá phiếu

Một thủ tướng mới. Một chính phủ mới. Một kế hoạch hành động mới. Song, không như cách nhiều người hình dung, những ngọn gió đổi thay đã thổi tới những điểm ở rất xa nơi bão tố bắt đầu, tại Cư-rơ-gư-xtan (Kyrgyzstan).

Ngày 10-10, ông S.Gia-pa-rốp (Sadyr Zhaparov) được Quốc hội Cư-rơ-gư-xtan bỏ phiếu phê chuẩn để trở thành thủ tướng, chấm dứt khoảng trống quyền lực đã kéo dài kể từ ngày 4-10 - diễn biến từng đe dọa đẩy quốc gia Trung Á đó vào một vòng xoáy bất ổn và hỗn loạn.

Cơn giông bão ấy bắt đầu sau khi kết quả bầu cử Quốc hội Cư-rơ-gư-xtan được công bố. Theo đó, chỉ có bốn trong tổng số 16 đảng tham gia tranh cử giành hơn 7% số phiếu ủng hộ, để có đại diện của mình trong Quốc hội.

Và người dân Cư-rơ-gư-xtan xuống đường. Họ cho rằng đã có nhiều vi phạm và gian lận trong buộc bầu cử này. Họ xung đột với lực lượng cảnh sát - an ninh. Họ áp sát và thậm chí còn phóng hỏa tòa nhà Quốc hội, chiếm lĩnh nhiều công sở khác. Họ khiến một vị thủ tướng - tiền nhiệm của ông Gia-pa-rốp cùng một vị chủ tịch quốc hội phải tháo chạy khỏi phòng họp ngay sau khi vừa nhậm chức. Họ khiến Ủy ban Bầu cử trung ương Cư-rơ-gư-xtan phải tuyên bố hủy bỏ kết quả, và Thủ tướng K.Bô-rô-nốp (Kubatbek Boronov) phải từ chức. Họ làm cho Tổng thống Cư-rơ-gư-xtan S.Gin-bê-cốp (Sooronbai Jeenbekov) phải ban bố tình trạng khẩn cấp ở Thủ đô Bi-skếch (Bishkek), đồng thời chỉ đạo quân đội sẵn sàng triển khai vào ngày 9-10, dù trước đó ông đã khẳng định sẽ không cho phép sử dụng các biện pháp cứng rắn chống lại những người biểu tình.

Thoạt nhìn, có vẻ như tất cả những động thái này đều mang màu sắc mâu thuẫn chính trường, nhất là với việc những người ủng hộ hai nhóm chính trị đối lập xô xát với nhau (thay vì với các lực lượng an ninh như những ngày đầu) ngay trên những đường phố thủ đô, ngày 9-10.

Tuy nhiên, những nhà phân tích am hiểu tình hình Cư-rơ-gư-xtan chỉ ra: Câu chuyện về những lá phiếu có thể chỉ là cái cớ bộc lộ tâm trạng của xã hội về nhiều vấn đề, mà đặc biệt quan trọng là những vấn đề liên quan đến lợi ích sát sườn của từng cá nhân. Nói ngắn gọn, đó là sự bột phát của nhu cầu đổi thay nhằm cải thiện tình hình kinh tế Cư-rơ-gư-xtan - điều vốn đã trở nên trì trệ và thiếu khởi sắc trong những khoảng thời gian dài vừa qua.

Không phải ngẫu nhiên, trong diễn văn nhậm chức, tân Thủ tướng S.Gia-pa-rốp nhấn mạnh đến “10 vấn đề ưu tiên đòi hỏi các giải pháp cấp bách” trong chương trình hành động của chính phủ mới. Trong đó, ổn định tình hình trong nước, bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bảo đảm an ninh lương thực và “trừng phạt tất cả các quan chức liên quan tới tham nhũng” là những vấn đề nổi bật nhất.

Tham chiếu từ các nội dung này, bất cứ ai cũng có thể thấy được căn nguyên những nỗi bất bình tích tụ trong tâm trạng xã hội Cư-rơ-gư-xtan. Việc cải thiện đời sống người dân mới chính là thách thức hàng đầu đối với các nhân vật trên thượng tầng chính trị, chứ không chỉ là câu chuyện về sự minh bạch của những lá phiếu.

Cư-rơ-gư-xtan có một nền kinh tế với tỷ trọng rất lớn phụ thuộc vào nông nghiệp. Bông, thuốc lá, len và thịt là những sản phẩm mũi nhọn, nhưng chỉ có thuốc lá và bông là được xuất khẩu với số lượng lớn. Năm 2018, GDP của quốc gia ấy đạt trị giá 8,45 tỷ USD. Nhưng ngay sau đó, đại dịch Covid-19 đã nhấn chìm tất cả, với 49.230 ca nhiễm và 1.085 người chết (tính đến ngày 11-10) tại Cư-rơ-gư-xtan. Cuộc sống trở nên khó khăn, và xã hội lại càng dễ bị kích động hơn, trước những vấn đề của thực tại.

Tân Thủ tướng S.Gia-pa-rốp hẳn là hiểu rất rõ điều đó. Chương trình hành động của ông có thể nói là khá thiết thực. Tuy vậy, chỉ thời gian có thể trả lời, rằng chương trình ấy có cơ hội thành công hay không? Và thành công đến mức độ nào?