Kế hoãn binh

Khó có thể nói rằng chuyến công du năm ngày tới một số nước A-rập Hồi giáo ở Trung Đông của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pom-peo (Mike Pompeo) là thành công. Tuy nhiên, cũng sẽ là phiến diện khi đánh giá chuyến thăm ấy là thất bại.

Ngày 31-8, Cơ quan điều phối các hoạt động của Chính phủ I-xra-en (Israel) chính thức thông báo: I-xra-en sẽ chấm dứt các biện pháp hạn chế đã áp đặt đối với dải Ga-da (Gaza).
 
 Theo thông báo, cửa khẩu vận chuyển hàng hóa chủ yếu của Ga-da là Ke-rem Sa-lom (Kerem Shalom) sẽ được mở lại ngay ngày 1-9. Ngoài ra, khu vực ngoài khơi Ga-da được phép đánh cá sẽ khôi phục lại là 15 hải lý (khoảng 27,8 km) và việc vận chuyển nhiên liệu sẽ được cho phép.
 
 Tất nhiên, phía I-xra-en vẫn gắn liền việc gỡ bỏ các biện pháp hạn chế ấy với điều kiện không thể tách rời dành cho lực lượng kiểm soát dải Ga-da - Phong trào Ha-mát (Hamas) là “bảo đảm ổn định và an ninh”. Nhưng dù sao, với những diễn biến mới nhất này, tình trạng sinh hoạt của người dân ở đây cũng sẽ được cải thiện đáng kể. Họ sẽ không còn quá thiếu thốn khí đốt hay nhu yếu phẩm, họ sẽ không còn phải chịu cảnh chỉ được cấp điện 4 giờ/ngày (kể cả với các bệnh viện và trường học), và hệ thống xử lý nước thải đã tê liệt kể từ lúc các biện pháp hạn chế được áp đặt (sau những cuộc giao tranh giữa binh sĩ I-xra-en và thành viên Ha-mát hai tuần trước) cũng sẽ được kích hoạt, để tránh nguy cơ ô nhiễm.
 
 Và có rất nhiều lý do để giới quan sát tin rằng tình trạng “thông thoáng” bất ngờ này có liên hệ mật thiết đến chuyến công du của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pom-peo.
 
 Không còn nghi ngờ gì, ông M.Pom-peo đến Trung Đông năm ngày với mục tiêu lớn nhất là thúc đẩy nhiều quốc gia A-rập Hồi giáo nữa theo bước Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) ký thỏa thuận lịch sử “bình thường hóa quan hệ với I-xra-en”, nghĩa là đồng thuận với “kế hoạch hòa bình mới cho Trung Đông” mà Nhà trắng vạch ra (trong đó chú trọng vào việc bình thường hóa quan hệ giữa I-xra-en với thế giới A-rập Hồi giáo).
 
 Từ điểm dừng chân đầu tiên là I-xra-en, Bộ trưởng M.Pom-peo đến Xu-đăng (Sudan), và đề nghị lãnh đạo quốc gia ấy “bày tỏ sự ủng hộ đối với việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ Xu-đăng - I-xra-en”. Sau đó, ông tới Ba-ranh (Bahrain), UAE và Ô-man (Oman), nhằm tạo nên những lực đẩy tiếp nối. Song, Chính phủ Xu-đăng tuyên bố thẳng thừng: Họ không có nhiệm vụ thực hiện một bước đi như vậy. Còn phía Ba-ranh cũng kiên quyết khẳng định: Việc bình thường hóa quan hệ với I-xra-en sẽ không thể trở thành hiện thực, nếu không có một Nhà nước Pa-le-xtin (Palestine) độc lập.
 
 Như vậy, những cố gắng thuyết phục của Nhà trắng dành cho thế giới A-rập Hồi giáo thông qua chuyến công du mới nhất này, xem như “giậm chân tại chỗ”. Không có thành tựu nào tiếp nối, sau “đột phá khẩu” mang tên UAE.
 
 Mặc dù vậy, phía Pa-le-xtin và thế giới A-rập chỉ rõ rằng những động thái ngoại giao mới nhất của nước Mỹ chỉ là các công cụ xoa dịu, và rằng I-xra-en cũng chỉ mới tuyên bố “hoãn” chứ chưa phải “hủy bỏ” kế hoạch sáp nhập các phần lãnh thổ trái với luật pháp quốc tế - nghĩa là một thứ “kế hoãn binh”, cũng không thể phủ nhận: đã có những thông điệp được phát đi, để gợi lên các ý niệm.
 
 Điểm nhấn trong những thông điệp đó là: “Những cam kết của Mỹ về hòa bình, an ninh và ổn định với I-xra-en, Xu-đăng và các nước vùng Vịnh chưa bao giờ mạnh mẽ hơn dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Đ.Trăm (Donald Trump)”; và một sự gợi ý đáng lưu tâm đối với nhiều nước: Cùng nhau kiềm chế tầm ảnh hưởng đang gia tăng của I-ran (Iran) tại khu vực Trung Đông.
 
 Bên cạnh đó, thực tế, để “làm thân” với UAE, Mỹ và I-xra-en cũng đã phải “phanh gấp” để tạm dừng một guồng máy tưởng chừng đã sẵn sàng khởi động.
 
 Và hơn thế, cảnh yên bình cũng đã tạm thời được vãn hồi trên dải Ga-da, nhờ những hiệu ứng ban đầu của “kế hoãn binh”.