Hồi chuông trước bão

Đảng Bảo thủ sẽ “hoàn tất việc đưa nước Anh rời khỏi Liên hiệp châu Âu (EU)”, và sẽ “kiến tạo nên một nước Anh mới”, đó là những điểm nhấn trong cương lĩnh tranh cử đầy tinh thần lạc quan vừa được đương kim Thủ tướng Anh B.Giôn-xơn (Boris Johnson) đưa ra, chuẩn bị cho một cuộc đua đầy căng thẳng.

Nhưng, không chỉ vậy, đảng Bảo thủ còn hứa hẹn với cử tri đảo quốc sương mù rất nhiều những viễn cảnh tươi đẹp. Thí dụ, sẽ có khoảng 50.000 y tá dự kiến được bổ sung cho miền trung đảo Anh, kể từ nay đến năm 2025. Thí dụ, chính phủ Anh sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn nữa những dòng người nhập cư; và sẽ chưa tăng các mức thuế thu nhập, thuế tiền công lao động hay thuế giá trị gia tăng trong vòng 5 năm tới.

Bản cương lĩnh tranh cử dài 59 trang ấy cũng cam kết sẽ đạt được thỏa thuận thương mại mới với các đối tác Mỹ, Ô-xtrây-li-a (Australia), Niu Di-lân (New Zealand) và Nhật Bản trong vòng ba năm; tuyển thêm 20.000 cảnh sát; tăng chi tiêu công - nghĩa là chấm dứt gần 10 năm “thắt lưng buộc bụng”.

Và quan trọng hơn cả, đảng Bảo thủ hứa sẽ trình lại Dự luật Thỏa thuận rút khỏi EU (tiến trình thường được gọi là Brexit) lên Hạ viện Anh trước ngày 25-12. Đồng thời, đương kim Thủ tướng Anh mong muốn rằng Quốc hội Anh sẽ thông qua dự thảo này trước thời hạn quy định để nước Anh chính thức rời khỏi EU (mới bắt buộc phải gia hạn đến ngày 31-1-2020).

Chính điều đó, không gì khác, là điểm mấu chốt sẽ quyết định những lời hứa hẹn của đảng Bảo thủ liệu có thể trở thành hiện thực.

Chỉ đến khi câu chuyện Brexit thật sự ngã ngũ với các điều khoản chung được cả Anh lẫn EU chấp thuận, bạn bè hay đối tác (và ngay cả chính người dân Anh) cũng mới có thể biết được mình nên làm gì, đặt những mục tiêu nào, xây dựng những mối quan hệ hợp tác chặt chẽ đến đâu...

Dự kiến, thời hạn chuyển tiếp sẽ kéo dài đến ngày 31-12-2020. Cho đến thời điểm đó, Anh vẫn sẽ tuân thủ các quy định của EU, đồng thời hai bên cố gắng đạt được một thỏa thuận thương mại song phương dài hạn. Vậy nên, trước mốc thời gian ấy, nói gì dường như cũng là quá sớm.

Song, đảng Bảo thủ đang cam kết sẽ không kéo dài quãng thời gian chuyển tiếp sang năm 2021. Và họ cam kết như vậy đồng thời vẫn khẳng định: “Sẽ không có liên kết chính trị với EU” . Điều này, dường như có thể ngáng trở tiến độ dự định của điều kia.

Nghĩa là, chưa thể chắc chắn nếu thắng cử, đảng Bảo thủ của đương kim Thủ tướng B.Giôn-xơn sẽ hoàn tất được Brexit đúng thời hạn đã định (đặc biệt là khi nhìn lại hành trình trầy trật ấy ba năm qua). Tuy nhiên, ngay cả việc thắng cử cũng đã là một thách thức.

Cương lĩnh của đảng Bảo thủ chỉ nhắc đến vấn đề an sinh xã hội cho người cao tuổi - điểm yếu nhất trong cương lĩnh tranh cử của họ năm 2017 - một cách hạn chế, với việc hứa chi khoảng một tỷ bảng Anh. Bên cạnh đó, nếu dự toán tăng chi tiêu công mà đảng Bảo thủ đưa ra chỉ là ba tỷ bảng, thì kế hoạch của Công đảng là 83 tỷ bảng, và đảng Dân chủ Tự do đưa ra con số 50 tỷ bảng.

Cương lĩnh tranh cử của Công đảng (đối thủ lớn nhất trong cuộc bầu cử sắp tới của đảng Bảo thủ) nhấn mạnh đến nhu cầu thay đổi các vấn đề về bất bình đẳng xã hội (việc làm, y tế, giáo dục, các nhóm thiểu số, các cộng đồng tín ngưỡng…) - những khía cạnh mà đảng Bảo thủ không quá chú trọng. Về Brexit, các thủ lĩnh Công đảng thậm chí còn sẵn sàng tiến hành tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai, để người dân Anh quyết định lại chính quyết định của mình.

Lập trường đối nghịch như vậy, có gì để tin là các nghị sĩ thuộc Công đảng ở Hạ viện sẽ tạo điều kiện cho Dự luật Thỏa thuận Brexit của đảng Bảo thủ dễ dàng được thông qua, ngày 25-12 tới?