Dưới bóng đức tin

Nước Pháp kêu gọi cả Liên hiệp châu Âu (EU) sát cánh với mình. Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục dẫn đầu làn sóng phản ứng từ phía cộng đồng các quốc gia Hồi giáo toàn cầu. Song, để sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa Pa-ri (Paris) và An-ca-ra (Ankara) lên tới mức độ này, mâu thuẫn về tín ngưỡng và tôn giáo có lẽ cũng chỉ là những nguyên nhân trên bề mặt, những lớp vỏ hình thức che khuất điểm cốt lõi: Lợi ích. 

Điểm khởi đầu là vụ sát hại dã man một thầy giáo lịch sử - X.Pa-ti (Samuel Paty), được thực hiện bởi một nhóm nghi phạm cuồng tín (ngày 16-10, ở vùng ngoại ô cách trung tâm Pa-ri chỉ 30 km), với lý do là người giáo viên ấy đã cho học sinh xem các bức biếm họa về nhà tiên tri Hồi giáo Mô-ha-mét (Mohammed). 

Những phản ứng dây chuyền tiếp nối đã biến đốm lửa nhỏ thành một đám cháy lớn. Chính phủ Pháp đánh giá vụ sát hại đó là một hành động “tiến công khủng bố”, trong khi một làn sóng phẫn nộ dấy lên ở các luồng dư luận phương Tây. Pa-ri từ chối hủy bỏ những bức tranh biếm họa nhà tiên tri Mô-ha-mét, và khẳng định: “Quyết tâm của chúng tôi là tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố, trấn áp các phần tử Hồi giáo cực đoan vì một cộng đồng tự do”.

Cùng lúc, những lời kêu gọi tẩy chay hàng hóa Pháp cũng xuất hiện từ cộng đồng Hồi giáo toàn cầu. Và An-ca-ra lên tiếng hối thúc EU dừng chương trình nghị sự mà Thổ Nhĩ Kỳ cho là “bài Hồi giáo”, đồng thời công kích cá nhân đương kim Tổng thống Pháp E.Ma-crông (Emmanuel Macron).

Không thể im lặng được nữa, ngày 27-10, nước Mỹ cũng đã phải lần đầu lên tiếng “can ngăn” hai đồng minh quan trọng trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), rằng “những cuộc tranh cãi nội bộ không cần thiết trong khối chỉ có lợi cho các đối thủ của chúng ta”. Thế nhưng, Oa-sinh-tơn (Washington) tạm thời cũng chưa thêm bình luận hay đưa ra được hướng giải quyết nào. 

Bởi vì, thật ra, sự vụ này cũng chỉ là một kiểu “giọt nước tràn ly”, trong mối quan hệ vốn đã chất chứa nhiều “uẩn khúc” giữa Pháp (một trong hai “đầu tàu” của EU) và Thổ Nhĩ Kỳ nói riêng, cũng như quan hệ phương Tây và các nước Hồi giáo nói chung.

Một cách ngắn gọn, ta có thể điểm nhanh những “ẩn ức” ấy: EU vẫn chưa chấp nhận để Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một thành viên của mình suốt bao năm qua; EU vẫn đang “nhấc lên đặt xuống” các điều kiện với An-ca-ra, dù vẫn đang cần Thổ Nhĩ Kỳ như một “phòng chờ khổng lồ” ngăn bớt làn sóng người nhập cư trái phép; hiềm khích về tôn giáo (nằm trong tổng thể sự khác biệt giữa các giá trị truyền thống) vẫn âm ỉ giữa Pa-ri cùng phương Tây với Hồi giáo, kể từ sự vụ tờ báo Charlie Hebdo châm biếm nhà tiên tri Mô-ha-mét năm 2015 - điều mà cộng đồng Hồi giáo xem là “báng bổ”, nhưng lại được coi là “quyền tự do” ở các nước  phương Tây… 

Nhưng hơn thế, trong vòng vài tháng qua, Địa Trung Hải còn dậy sóng bởi tranh chấp về khai thác dầu khí trên đại dương giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp - một nước thành viên EU. Và Pa-ri, từ khi ấy, cũng đã tỏ ra vô cùng cứng rắn với An-ca-ra. 

Trong vòng vài năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ càng lúc càng nhận thức rõ hơn về vị thế của mình. Họ liên tục nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng trong thế giới Hồi giáo, bằng cả những phương tiện sắt đá như việc đưa xe bọc thép tiến qua biên giới vào lãnh thổ Xy-ri (Syria), hậu thuẫn cho quân đội A-déc-bai-gian (Azerbaijan) trong cuộc xung đột với Ác-mê-ni-a (Armenia), và bằng cả những lời kêu gọi tẩy chay hàng hóa Pháp lần này. Họ không ngại đối đầu, khi “NATO cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ tuy đôi khi bướng bỉnh, thỉnh thoảng gây vấn đề, nhưng lại có tầm quan trọng chiến lược” - theo đánh giá của nhà phân tích quốc tế Đ.Bi-li-ông (Didier Billion, Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược, trả lời Euronews). 

Đòi hỏi của Chính phủ Pháp ngày 25-10, rằng trong vòng hai tháng Thổ Nhĩ Kỳ phải có câu trả lời thỏa đáng cho những cuộc phiêu lưu nguy hiểm trên Địa Trung Hải cũng như tại khu vực, dù làm mọi chuyện căng thẳng thêm, có lẽ đã lột tả đúng bản chất của vấn đề. Dưới cái bóng của đức tin, những mâu thuẫn lợi ích mới là điều cần được giải quyết triệt để.