Đừng đốt lửa quanh những giếng dầu

Không phải Vùng Vịnh. Song, nếu không được xử lý khéo léo với thiện chí đến từ cả hai phía, cuộc tranh chấp quyền khai thác khí đốt ở vùng biển Đông Địa Trung Hải giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp hoàn toàn có nguy cơ bùng lên thành một điểm nóng xung đột, thậm chí là một điểm nóng xung đột bị quốc tế hóa, như rất nhiều cuộc xung đột ở Trung Đông.

Ngày 8-9, dù cùng là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cuộc đàm phán giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp về cách thức tránh leo thang quân sự ở Đông Địa Trung Hải dự kiến tổ chức ngay tại trụ sở NATO  đã phải tuyên bố hoãn hai ngày, theo đề xuất của Ủy ban quân sự NATO. 

Năm ngày trước đó, 3-9, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức tập trận hải quân rầm rộ, thì Hy Lạp bác bỏ mọi thông tin cho rằng A-ten (Athens) đã đồng ý đàm phán với An-ca-ra (Ankara), thông qua sự trung gian của NATO. 

Một ngày sau, một cuộc đối thoại (được gọi cách khác là “đàm phán kỹ thuật”) bắt đầu giữa hai nước, nhưng không phải để tìm kiếm một giải pháp dài hạn, mà chỉ để cố gắng tránh những sự cố đáng tiếc. Đến cả cuộc trao đổi thuần túy về khía cạnh quân sự đó, theo Tổng Thư ký NATO G.Xtôn-ten-béc (Jens Stoltelberg), cũng chẳng đạt được điều gì. 

Đông Địa Trung Hải đã đột nhiên trở thành một nguồn lợi ích quá lớn, quá hấp dẫn, và đó là nguyên nhân chủ chốt dẫn đến sự tranh chấp này. Trong những năm gần đây, căng thẳng dần dần gia tăng khi một mỏ khí đốt với trữ lượng khổng lồ được phát hiện tại vùng biển ấy. Cả hai phía cáo buộc nhau rằng đã hoạt động khoan thăm dò - khảo sát tài nguyên (dầu mỏ và khí đốt) bất hợp pháp trên các vùng lãnh hải - đặc quyền kinh tế - thềm lục địa của mình, nghĩa là xâm phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của mình. Dễ hiểu, vì sao quân đội hai bên cũng được huy động vào cuộc.

Nhưng không chỉ có họ. Cả CH Síp (Cyprus), Ai Cập và I-xra-en (Israel) cũng đã có những động thái cho thấy họ sẵn sàng tham dự cuộc chơi. Điều đáng chú ý là cả ba nước ấy đều đã và đang có “hiềm khích” hoặc khúc mắc với Thổ Nhĩ Kỳ. Bởi vậy, câu chuyện lại càng trở nên rối rắm, và phương hướng giải quyết lại càng trở nên phức tạp, đặc biệt là khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R.T.Éc-đô-gan (Recep Tayyip Erdogan) đẩy căng thẳng cao đến độ đề nghị Liên hiệp châu Âu (EU) thể hiện quan điểm với vấn đề Đông Địa Trung Hải, như một “phép thử độ chân thành” đối với luật pháp quốc tế và hòa bình khu vực. 

Dĩ nhiên, một cách kín đáo, đó cũng là “phép thử độ chân thành” cho mối quan hệ EU - Thổ Nhĩ Kỳ, với một bên mong muốn trở thành thành viên EU từ lâu, một bên vẫn cần Thổ Nhĩ Kỳ duy trì như “con đê quai” chắn những làn sóng người nhập cư bất hợp pháp.  

Tuy nhiên, xét đến cùng, bởi vì lợi ích là vấn đề quyết định đến mọi mối quan hệ quốc tế, nên cũng chính lợi ích sẽ trở thành chìa khóa để mở những cánh cửa đang đóng chặt. 

Một cục diện căng thẳng và bất ổn, chứ chưa nói đến nguy cơ đối đầu quân sự, cũng sẽ hủy hoại các cơ hội khai thác tài nguyên, phát triển và hợp tác phát triển kinh tế. Không phải ngẫu nhiên mà từ cuối tháng 8, cả hai bên đã lần lượt lên tiếng đề nghị phía kia giảm leo thang căng thẳng, để đối thoại và giải quyết bất đồng dựa trên khuôn khổ luật pháp quốc tế cũng như các công ước về Luật Biển. Vấn đề chỉ là chưa bên nào nói ra một cách rõ ràng, rằng họ sẵn sàng nhân nhượng đến đâu và thỏa hiệp ở đâu, tiến mấy bước và sẽ lùi mấy bước. 

Có điều, câu chuyện này càng kéo dài, các thế lực chính trị quốc tế càng có thời gian để hoạch định những sự can dự nhằm thâu tóm lợi ích và tăng cường ảnh hưởng của mình, ở một vùng biển vốn xưa nay không mấy khi dậy sóng. Khi ấy, những giếng dầu hay những mỏ khí sẽ thật sự cháy bùng…