Cơ hội bất ngờ

Theo hãng tin AFP, mới đây, Cao ủy Thương mại liên hiệp châu Âu (EU) P.Hô-gân (Phil Hogan) đã gửi thư cho Ðại diện thương mại Mỹ R.Lai-gơ-thi-giơ (Robert Lighthizer). Trong bức thư đó, ông Hô-gân bày tỏ niềm tin tưởng rằng cuộc khủng hoảng kinh tế do những hậu quả của đại dịch Covid-19 hiện tại lại chính là cơ hội mang tính chính trị để tháo gỡ những vấn đề tồn đọng giữa hai bên.

Động thái này của ông Hô-gân được đưa ra ngay trước lúc Ủy ban Thương mại châu Âu chuẩn bị chuyển văn bản về chiến lược mới dành cho mối quan hệ thương mại với Mỹ tới 27 nước thành viên (ngày 15-5) - một khía cạnh cũng bộc lộ khá nhiều "thành ý".

Ba năm trước, bất đồng giữa EU và Mỹ nảy sinh khi Tổng thống Mỹ Ð.Trăm (Donald Trump) áp thuế đối với các sản phẩm nhôm, thép nhập khẩu từ EU. Ðáp trả, EU dựng rào chắn đối với một số sản phẩm mang tính biểu tượng của nước Mỹ, như xe máy phân khối lớn hoặc quần áo bò (jeans). Câu chuyện tiếp diễn với những mặt hàng khác, trong khi Mỹ và EU cũng vẫn còn đang lún sâu vào cuộc tranh chấp kéo dài hai thập niên, về vấn đề quản lý hai nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới là Airbus và Boeing.

Bao quanh mối quan hệ phức tạp này, những vận động của thế giới làm trầm trọng thêm vấn đề. Những lệnh cấm vận cùng những biện pháp trừng phạt mà nước Mỹ áp đặt với I-ran (Iran), với Nga hay đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc khiến nền kinh tế châu Âu cũng phải chịu những thiệt hại không nhỏ.

Chẳng ai được lợi lộc gì, và rồi Covid-19 ập tới. Viễn cảnh suy thoái bao trùm lên cả bầu trời Bru-xen (Bruxelles) lẫn Oa-sinh-tơn (Washington).

Căng thẳng thương mại có thể sẽ khiến cả Mỹ lẫn EU mất mát thêm quá nhiều, trong khi các hệ lụy của dịch bệnh đang đẩy toàn thế giới vào cảnh chẳng còn gì nhiều để mà mất. Bên cạnh đó, còn một vấn đề thiết yếu liên quan đến cả Mỹ lẫn EU: Brexit.

Nước Anh không có ý định gia hạn thời hạn chuyển tiếp đến sau ngày 31-12-2020. Vấn đề là, hiện tại, giữa Luân Ðôn và Bru-xen vẫn tồn tại không ít bất đồng về các điều khoản. Không chỉ vậy, từ năm ngoái, Oa-sinh-tơn đã lên tiếng rằng họ sẽ xem xét lại các thỏa thuận thương mại với nước Anh, nếu những cam kết của Anh với EU ảnh hưởng tới lợi ích kinh tế của họ.

Hiện tại, Anh đang đặt kỳ vọng thiết lập một thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ - điều được kỳ vọng trở thành cơ hội kinh tế quan trọng nhất của Anh sau Brexit. Tuy nhiên, nếu không giải quyết được dứt điểm các vấn đề tồn đọng với châu Âu lục địa, mối quan hệ thương mại Anh - Mỹ vẫn sẽ phải tuân thủ một số quy định như với thành viên EU, tại các cảng trung chuyển.

Muốn "kiếm tiền", nhất thiết phải gỡ được mớ bòng bong ấy. Muốn gỡ được mớ bòng bong ấy, nhất thiết quan hệ Mỹ - EU phải "tan băng"…