Vai trò kép nâng tầm vị thế Việt Nam

Năm 2020 đánh dấu mốc lịch sử với đối ngoại Việt Nam, nhất là ngoại giao đa phương, khi lần đầu Việt Nam đồng thời đảm nhiệm hai trọng trách là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ). Trong vai trò kép, Việt Nam có cơ hội tiếp tục chủ động, tích cực đóng góp cho an ninh, ổn định và thịnh vượng chung; khẳng định vị thế mới của một quốc gia yêu hòa bình, năng động, đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ.Ảnh: Tân hoa xã
Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ.Ảnh: Tân hoa xã

Việt Nam đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên ASEAN lần này đúng thời điểm Hiệp hội rốt ráo hoàn tất các mục tiêu trong Tầm nhìn ASEAN năm 2020, cũng là dịp kỷ niệm tròn 25 năm Việt Nam gia nhập “mái nhà chung” của các quốc gia Đông - Nam Á. Tham gia ASEAN ngày 28-7-1995, Việt Nam đã hai lần đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN vào các năm 1998 và 2010, đóng góp đáng kể vào thành tựu chung của Hiệp hội, nhất là thúc đẩy các nội dung ưu tiên hợp tác khu vực, như thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các thành viên, thúc đẩy các cơ chế mới và thu hút sự quan tâm của các cường quốc trên thế giới với ASEAN.

Bối cảnh năm 2020 khác nhiều so 10 năm trước, môi trường khu vực và thế giới có nhiều chuyển biến phức tạp và mau lẹ, nhiều căng thẳng và thách thức mới. Việt Nam cũng có nhiều bước tiến lớn cả về kinh tế và đối ngoại, có tiếng nói ngày càng quan trọng tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Đáp ứng kỳ vọng về thúc đẩy gắn kết, hội nhập khu vực và tăng cường vai trò của ASEAN, trong lần thứ ba đảm nhiệm trọng trách, Việt Nam đã chọn chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020. Trọng tâm là phát huy sức mạnh nội lực của Hiệp hội thông qua đoàn kết nội khối, gắn kết kinh tế, xây dựng cộng đồng lấy người dân làm trung tâm; đồng thời thúc đẩy chủ động thích ứng, linh hoạt điều chỉnh trước các diễn biến của thời cuộc, với thách thức đan xen cơ hội, cạnh tranh chiến lược gia tăng, cũng như nhiều thách thức phi truyền thống nổi lên, như biến đổi khí hậu, an ninh mạng và cả sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ...

Giành số phiếu ủng hộ cao kỷ lục (192/193 phiếu), các nước thành viên LHQ một lần nữa tín nhiệm bầu Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021, gửi gắm mong muốn Việt Nam tiếp tục đóng góp hiệu quả vào công việc chung của thế giới. Sau kết quả Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ 2008 - 2009, lần thứ hai cộng đồng quốc tế giao trọng trách cho Việt Nam, không chỉ thể hiện sự đánh giá cao truyền thống yêu hòa bình, chính sách đối ngoại độc lập và thúc đẩy hợp tác quốc tế, mà còn ghi nhận những thành quả của Việt Nam trong hội nhập, ủng hộ và đóng góp vào những nỗ lực chung của thế giới vì những mục tiêu của LHQ, duy trì hòa bình và an ninh quốc tế toàn cầu.

Chủ đề “Việt Nam: Đối tác tin cậy vì hòa bình bền vững” phản ánh rõ mục tiêu và cam kết của Việt Nam trong lần thứ hai làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, đó là thúc đẩy hợp tác đa phương, tăng cường hiệu quả phương thức giải quyết các vấn đề toàn cầu. Tham gia cơ quan quyền lực nhất LHQ, Việt Nam trực tiếp đóng góp vào các tiến trình thảo luận và ra các nghị quyết, quyết định về nhiều vấn đề quan trọng của thế giới và được cộng đồng quốc tế kỳ vọng đi đầu thúc đẩy quan hệ đối tác và đồng thuận trong Hội đồng Bảo an trong việc tìm kiếm các giải pháp lâu dài cho các vấn đề toàn cầu. Đặt mục tiêu đóng góp phát huy vai trò hàng đầu của Hội đồng Bảo an là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, Việt Nam ưu tiên thúc đẩy các nỗ lực ngăn ngừa xung đột, giải quyết khủng hoảng, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng và thúc đẩy kết nối và hợp tác giữa tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh là LHQ với các tổ chức khu vực và quốc tế.

Giữ vai trò kép đồng nghĩa gánh trách nhiệm kép. Song, đây là cơ hội hết sức quan trọng để Việt Nam thể hiện năng lực và chủ động, tích cực cùng bạn bè quốc tế khơi dậy tinh thần đa phương và hợp tác quốc tế, nhất là giữa LHQ với ASEAN. Hai trọng trách đa phương gắn kết góp phần thúc đẩy lợi ích chung giữa Việt Nam với cộng đồng khu vực và quốc tế, đồng thời làm nổi bật vai trò của Việt Nam là cầu nối quan trọng giữa LHQ và ASEAN, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.