Tết, một lời hẹn ước

“Tết bây giờ nhạt hơn ngày xưa…”. Tôi bước xuống tàu. Từng đợt gió rét căm căm, thứ gió tuyết ghê gớm của miền bắc Nhật Bản quất vào mặt.

Tết, một lời hẹn ước

Bất giác, tôi nhớ những lời ấy của chú xe ôm, trên đường về quê ngoại hôm nào. Không hiểu sao chú lại nói là “Tết nhạt”, cái Tết quê nhà dấu yêu. Còn tôi, ở bên này, tôi đã trải qua những ngày Tết hoàn toàn khác biệt.

Đó vẫn là một ngày như mọi ngày, bạn lên giảng đường vào buổi sáng, rồi lại cắm mặt ngồi lì trong phòng thí nghiệm. Chiều xuống, bạn đi làm thêm đến tận tối mịt. Đêm đó chính là đêm giao thừa ở đất Việt.

Hoặc, ta chuyển sang một khung cảnh khác. Hôm đó là một ngày nghỉ, và bạn vừa kết thúc một tuần làm việc thật hăng hái. Bạn thức dậy, tràn đầy năng lượng. Bạn chạy bộ ven một con sông thanh bình, nhảy lên tàu đi chơi, rồi kết thúc một ngày bằng việc tắm onsen (tắm suối nước nóng kiểu truyền thống Nhật Bản). Bạn được phép trốn khỏi tiệc tùng, bia rượu, chúc tụng… và cả những lời hỏi han “tế nhị”, kiểu “Có bạn trai/gái chưa? Bao giờ cho mọi người ăn kẹo?”. Bạn vẫn sẽ tận hưởng một trời xuân phơi phới, mà không phải lo toan sắm sửa, cũng không bị ai giục giã, hối thúc. Nhưng, liệu đó có phải là Tết?

Khi tôi hỏi chú xe ôm rằng sao chú lại nói “Tết nhạt”, chú mộc mạc trả lời: “Ông bà già không còn, bạn nhậu ngày càng ít, con cái lại đi làm ăn xa, nên chú cũng chẳng buồn sắm sửa gì”. Và lúc này, câu nói đó của chú gợi lên cho tôi bao nhiêu nỗi niềm.

Tôi nhớ cái không khí ngày Tết rạng rỡ của Hội Sinh viên Việt Nam ở Nijgata (VYSAN), tại Trường đại học Kỹ thuật Nagaoka, nơi tôi đã trải qua thời sinh viên mấy năm trước. Tề tựu cả những người cách xa đến hàng trăm cây số, cả những người quanh năm “tối mặt tối mũi” không tham gia nổi với ai một cuộc vui. Đến giây phút ấy, gặp nhau nói nói cười cười, trò chuyện, hỏi thăm, chúc lành…, tôi chợt nhận ra rằng Tết, bản thân nó, cũng chính là một lời hẹn ước.

Ông bà biết, Tết này sẽ được gặp đông đủ các con các cháu.

Ba mẹ gọi: “Tết rồi, về nhà đi con”.

Bạn bè bảo: “Tết này, nhớ qua nhà tao nhé!”.

Tết, một lời hẹn ước ảnh 1

Mâm cơm tất niên trên đất khách.

Thời gian không đợi người, nhưng người thì vẫn luôn đợi người. Và Tết vẫn luôn ở đó, trong những khoảnh khắc cùng cha dọn nhà, giúp mẹ làm mứt, rủ bạn bè đi “ngắm hoa chọn kiểng”… Tết là người người rộn ràng xuống phố, là nụ cười của người yêu lúc xin lộc cửa chùa, là biểu cảm khỏe mạnh, bình an, hạnh phúc rạng lên trong từng khóe mắt.

Có lẽ, hơn ai hết, những người con xa xứ như tôi cảm nhận được rõ nhất sự thiêng liêng của những mối kết nối vô hình nhưng lại không gì cắt đứt được, trong khoảng thời gian chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Bận lắm, rối rít tít mù lắm, mệt mỏi lắm, nhưng ra ra vào vào rồi vẫn cứ phải cố gắng dọn dẹp nhà cửa mỗi ngày một chút, trong những ngày giáp Tết. Cho dù, ở đây - Nhật Bản, đó chỉ còn là những ngày bình thường (bởi Nhật Bản đã không còn tổ chức đón Tết Âm lịch nữa). Cho dù, Nagaoka nơi tôi sống, tiết xuân (nếu không bị tác động bởi biến đổi khí hậu) cũng vẫn lạnh lẽo tái tê.

Cầm điện thoại lên tay, tôi bấm số. Đầu dây bên kia, như đã đợi sẵn, những người bạn xa xứ nhanh chóng đáp lời. Tôi hiểu, chung một nỗi niềm, họ cũng đang đợi chờ những lời hẹn. Một bữa tất niên quây quần nho nhỏ. Hoặc tuyệt vời hơn, một ngày hội Tân niên chung vui của cả cộng đồng người Việt trong khu vực, với cả bánh chưng xanh lẫn câu đối đỏ. Ai chẳng muốn được trở về gần lại với ký ức, với quê hương, với Tết Việt, dù chỉ là trong những phút giây... Trên xứ người, “hồn Tết Việt” vẫn luôn hiện hữu rõ ràng và ấm áp, trong từng tâm tưởng.
Sẽ mãi mãi còn là như thế, khi mỗi người con xa xứ vẫn còn mang theo một hành trang đặc biệt: Nỗi nhớ nhà.

Và ngày Tết, như tôi nghĩ, cũng vẫn sẽ mãi là lời hẹn ước của hàng triệu trái tim Việt Nam trên khắp thế giới: Dù đi thật xa, xa đến đâu, chúng con cũng sẽ trở về.

Bởi vì, có Tết nào bằng được cái Tết đích thực, trong nắng ấm quê hương?