Khi đại dịch Covid-19 cũng trở nên “bé nhỏ”

Hơn 270 triệu người - nghĩa là nhiều hơn dân số của cả khu vực Tây Âu - đang đứng chênh vênh trên bờ vực chết đói. Bối cảnh ấy được người đứng đầu của Chương trình Lương thực Thế giới (World Food Program - WFP) David Beasley (trong ảnh) nhấn mạnh, khi ông kêu gọi những hành động cấp thiết nhằm ngăn chặn “đại dịch đói”. Vào thời điểm gióng lên những hồi chuông thống thiết làm cử tọa cay mắt ấy, ông đang thay mặt tổ chức này nhận giải Nobel Hòa bình, vào ngày 10-12.

Khi đại dịch Covid-19 cũng trở nên “bé nhỏ”

Lương thực là con đường dẫn đến hòa bình

“Nạn đói đang ở ngưỡng cửa, đe dọa phá hủy sự sống cũng như toàn bộ những gì chúng ta trân quý. Những cuộc chiến tranh, tình trạng biến đổi khí hậu, cùng với việc lạm dụng nạn đói như một vũ khí chính trị và quân sự, và mới nhất là cả các hệ lụy của đại dịch toàn cầu Covid-19 đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn theo cấp số nhân, và 270 triệu người đang bên vực thẳm của nạn đói”, ông Beasley phát biểu, tại trụ sở chính của Chương trình Lương thực Thế giới ở Rome. 

“Nếu chúng ta thất bại trong việc xử lý tình huống này, một Đại dịch đói sẽ xuất hiện, mà tác động của nó đủ sức khiến cho những mất mát do Covid trở nên nhỏ bé. Nếu bạn chưa đủ lo sợ thì con số biết nói sau sẽ khiến bạn rùng mình: 30 triệu người phải phụ thuộc hoàn toàn vào chúng tôi để có cái ăn hằng ngày”. 

WFP được tặng thưởng giải Nobel Hòa bình vào tháng 10, nhờ nỗ lực của họ nhằm hỗ trợ cung cấp lương thực cứu nạn trên toàn thế giới, đặc biệt là ở những khu vực nguy hiểm. Năm ngoái, họ đã giúp đỡ gần 100 triệu người.
 
Như ông Beasley nhấn mạnh, “lương thực là con đường dẫn đến hòa bình”. Với WFP, “lương thực là điều thiêng liêng” và công việc của họ là “một hành động xuất phát từ tình yêu thương đồng loại” - ông phát biểu trong buổi lễ trực tuyến, dẫn lời người từng được trao tặng giải Nobel Hòa bình năm 1964 - Tiến sĩ Martin Luther King Jr. 

Lựa chọn đau đớn

“Chúng ta đang ở một cột mốc đáng nhớ trong lịch sử hiện đại. Sau một thế kỷ với những bước tiến dài trong nỗ lực xóa bỏ hoàn toàn cái nghèo, hôm nay 270 triệu đồng loại của chúng ta đang ở bên bờ vực của cái đói. Con số này lớn hơn cả dân số của toàn khu vực Tây Âu cộng lại”, David Beasley giải thích. 

“Đang có hơn 400 nghìn tỷ USD của cải trên thế giới hôm nay. Thậm chí, ở đỉnh của đại dịch Covid-19, trong vòng chỉ 90 ngày, một lượng của cải trị giá hơn 2,7 nghìn tỷ USD cũng đã được tạo ra. Và tôi muốn nhấn mạnh: Chúng ta chỉ cần có 5 tỷ USD, để cứu 30 triệu mạng người khỏi cái đói đang rình rập”. 

David Beasley cũng chia sẻ: Nhiều người bạn của ông, cũng như những nhà lãnh đạo trên thế giới, thường nhận xét rằng ông đang cùng WFP làm công việc vĩ đại nhất trên hành tinh này: Công việc cứu sống hàng triệu con người. Tuy nhiên, thực tế, ông mong muốn họ nghĩ theo một cách khác. 

Và đây là những gì ông nói với họ: “Trước khi ngủ, tôi không nghĩ về những đứa trẻ mà chúng tôi đã cứu, mà luôn gạt nước mắt nhớ về những đứa trẻ mà mình không thể cứu. Khi chúng tôi không đủ nguồn lực tài chính hay không thể được tiếp cận với những gì chúng tôi cần, chúng tôi phải lựa chọn những đứa trẻ nào được ăn và đứa trẻ nào không được ăn, những ai sẽ sống và những ai sẽ chết. Làm sao mà chúng tôi có thể thích một công việc như vậy được?”.

Và cuối cùng, David Beasley van cầu, một lời van cầu đủ sức khiến bất cứ trái tim người nào cũng phải thắt lại một chút: “Nếu có thể, xin làm ơn đừng yêu cầu chúng tôi lựa chọn cứu ai, và bỏ ai nữa!”. 

Vấn đề là, đến bao giờ điều ước ấy của người đứng đầu WFP có thể trở thành hiện thực? Đến bao giờ ông và WFP được tiếp cận những nguồn lực đủ lớn để cứu đói tất cả những ai cần được cứu, trên hành tinh mỗi lúc một khắc nghiệt này?