Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37

Ghi đậm dấu ấn Việt Nam năng động, sáng tạo

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan đã kết thúc tốt đẹp với hơn 20 phiên họp cấp cao, hơn 80 văn kiện được thông qua - khối lượng sự kiện và văn kiện lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử các kỳ hoạt động của ASEAN. Đây là chuỗi hoạt động cuối cùng của năm Chủ tịch ASEAN 2020 và là một trong những hoạt động quan trọng nhất của nhiệm kỳ Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020. Hội nghị ghi đậm dấu ấn nước chủ nhà Việt Nam năng động, sáng tạo, thúc đẩy tinh thần đoàn kết, nhằm xây dựng một cộng đồng ASEAN vững mạnh, giúp định vị chỗ đứng phù hợp cho ASEAN trong thế giới thời kỳ hậu Covid-19.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao chiếc búa gỗ tượng trưng chức Chủ tịch ASEAN cho Đại sứ Brunei tại Việt Nam. Ảnh: ĐỨC ANH
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao chiếc búa gỗ tượng trưng chức Chủ tịch ASEAN cho Đại sứ Brunei tại Việt Nam. Ảnh: ĐỨC ANH

Có thể nói, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đe dọa toàn thế giới như hiện nay, không có một chủ đề nào có thể phù hợp hơn với ASEAN như chủ đề Việt Nam lựa chọn cho năm 2020: “Gắn kết và chủ động thích ứng”. Giờ đây, ASEAN đã đoàn kết, gắn bó chặt chẽ hơn để chủ động ứng phó Covid-19, một đại dịch chưa có tiền lệ, tác động tiêu cực tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội trên toàn cầu. Tại Hội nghị lần này, nhiều sáng kiến của ASEAN về hợp tác ứng phó Covid-19 và các nguy cơ dịch bệnh được công bố và đưa vào triển khai như: Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19 với 10 triệu USD đóng góp của các nước; kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực (trong đó Việt Nam đóng góp 5 triệu USD); quy trình ứng phó chuẩn của ASEAN đối với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp, thành lập Trung tâm y tế ASEAN ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh. 

Nhằm thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch, vừa thúc đẩy phục hồi, các lãnh đạo đã thông qua Khung phục hồi tổng thể của ASEAN, Tuyên bố ASEAN về Khung thỏa thuận hành lang đi lại ASEAN cùng kế hoạch triển khai đồng bộ trên cả ba trụ cột Cộng đồng nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sớm khắc phục hậu quả dịch bệnh, ổn định đời sống kinh tế - xã hội ở các quốc gia. Các nước tin tưởng rằng, những biện pháp này sẽ giúp người dân lấy lại niềm tin, tăng cường tính cạnh tranh, khôi phục chuỗi cung ứng và dịch vụ bị gián đoạn và từng bước phục hồi bền vững trong trung hạn và dài hạn. 

Không ngừng tăng cường quan hệ với các đối tác, tại Hội nghị lần này, ASEAN nhất trí mở rộng Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông - Nam Á (TAC) để Cu-ba (Cuba), Cô-lôm-bi-a (Colombia) và Nam Phi tham gia, nâng tổng số lên 43 nước. Các nước thành viên ASEAN đã nhất trí về nhiều nội dung quan trọng tạo động lực mới cho quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, khẳng định cam kết mạnh mẽ với hợp tác đa phương cũng như liên kết kinh tế và tự do hóa thương mại. Khẳng định ASEAN là ưu tiên cao trong chính sách đối ngoại, lãnh đạo các bên đối tác đã đưa ra những cam kết, ủng hộ Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á phát triển, hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng với ba trụ cột.

Chia sẻ quan điểm về các vấn đề của khu vực và quốc tế đang nổi lên, các nước thành viên ASEAN nhất trí rằng, vai trò trung tâm của ASEAN cần tiếp tục được phát huy nhằm thúc đẩy đối thoại, hợp tác, ngăn ngừa xung đột, xây dựng lòng tin, kiến tạo cấu trúc khu vực rộng mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ. Lãnh đạo các nước một lần nữa khẳng định, hòa bình, ổn định cần được duy trì, củng cố trên mọi miền ASEAN; quyết tâm cùng nhau xây dựng khu vực Biển Đông hữu nghị, hợp tác, nơi tự do hàng hải và hàng không phải được bảo đảm, mọi hoạt động trên biển đều dựa trên khuôn khổ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Các nước dự Hội nghị kêu gọi các bên liên quan thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), ASEAN và Trung Quốc sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.

Một thành tựu nổi bật của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 lần này là việc ASEAN và các đối tác chính thức ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sau tám năm đàm phán cam go, gửi tới toàn thế giới thông điệp tích cực về ủng hộ thương mại đa phương của 15 quốc gia thành viên. Phát biểu tại lễ ký, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Hiệp định RCEP sẽ mở ra một giai đoạn hợp tác kinh tế thương mại mới đầy hứa hẹn, góp phần đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng rằng, Hiệp định RCEP sẽ sớm được các nước phê chuẩn, tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, giúp hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế sau dịch, đem lại thịnh vượng chung cho người dân, cho doanh nghiệp của tất cả các nước thành viên. 

Khép lại nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 thật ấn tượng với thành công của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan, Việt Nam được các nước thành viên hiệp hội và các đối tác đánh giá cao sự năng động, sáng tạo với các sáng kiến và vai trò kết nối của nước chủ nhà. 

Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleusay Kommasith nhận định: Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 đã vượt qua khó khăn của dịch Covid-19, hoàn thành tất cả các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra trong năm, góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định và sự phát triển của ASEAN, giúp ASEAN đoàn kết và tiếp tục giữ được vai trò trung tâm của khối. Truyền thông nước ngoài cũng đánh giá Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cương vị Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, với sự chuẩn bị chu đáo, lựa chọn mục tiêu và ưu tiên, để lại nhiều dấu ấn quan trọng. 

Tại Lễ tiếp nhận chức Chủ tịch luân phiên ASEAN từ Việt Nam, Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah khẳng định, Việt Nam đã dẫn dắt ASEAN hoàn thành được các lời hứa của mình, trở thành một cộng đồng gắn kết và chủ động thích ứng. Brunei sẽ tiếp nối những thành công đó của Việt Nam để cùng đẩy mạnh quá trình xây dựng cộng đồng.