Cuộc chiến với bạo lực, cực đoan trên mạng xã hội

Chủ nghĩa cực đoan, bạo lực, khủng bố đang xâm nhập sâu vào các mạng xã hội (MXH), gây hậu quả nghiêm trọng đã khiến chính phủ nhiều nước phải có biện pháp mạnh để kiểm soát, thậm chí nhiều nước đã đóng cửa hoàn toàn các MXH lớn, như Facebook, Twitter, WhatsApp, YouTube và Snapchat.

Ô-xtrây-li-a tăng cường kiểm soát mạng xã hội sau vụ tiến công đẫm máu ở Niu Di-lân.
Ô-xtrây-li-a tăng cường kiểm soát mạng xã hội sau vụ tiến công đẫm máu ở Niu Di-lân.

Theo Global Voices, tổ chức cam kết sử dụng công cụ in-tơ-nét để cổ vũ sự hiểu biết vượt biên giới, bằng cách tự động khuếch tán mọi tin tức xuất hiện trên nền tảng của họ, các MXH khi không được sử dụng đúng cách đã trở thành một loại vũ khí nguy hiểm như súng đạn. Global Voices cảnh báo, sự “tự do” có thể tiếp tục trở thành cái cớ dẫn đến sự thất bại trong việc kiểm soát các MXH, như từng xảy ra cách đây 250 năm đối với hoạt động kiểm soát súng đạn.

Quyết định của Chính phủ Xri Lan-ca đóng cửa toàn bộ các MXH lớn sau hàng loạt vụ khủng bố trong ngày lễ Phục sinh vừa qua khiến ít nhất 360 người thiệt mạng, đã nối dài danh sách các nước muốn “đoạn tuyệt” với các nền tảng MXH này. Niu Di-lân và Pháp phối hợp tổ chức một hội nghị toàn cầu tại thủ đô Pa-ri của Pháp hồi tháng 5 nhằm tìm biện pháp ngăn chặn việc các trang MXH bị sử dụng để truyền bá khủng bố và bạo lực cực đoan. Thủ tướng Niu Di-lân G.A-đơn nêu rõ, vụ tiến công khủng bố đẫm máu tại hai đền thờ Hồi giáo ở thành phố Cri-xchớt khiến 50 người thiệt mạng hồi tháng 3 cho thấy, MXH đã bị sử dụng như một công cụ truyền bá cho khủng bố và thù hận. Hung thủ đã phát trực tiếp trên Facebook hành động nã súng vào các nạn nhân và sau đó các clip (đoạn phim) được chia sẻ trên các MXH.

Quốc hội Ô-xtrây-li-a thông qua dự luật mới phạt nặng các doanh nghiệp truyền thông xã hội nếu không gỡ bỏ kịp thời các nội dung khủng bố, giết người, tra tấn, hiếp dâm và bắt cóc... Thủ tướng Ô-xtrây-li-a X.Mo-ri-xơn cho rằng, các công ty truyền thông xã hội lớn phải có trách nhiệm bảo đảm công nghệ của họ không bị những tên khủng bố lợi dụng.

Tại Anh, chính phủ đã đề xuất một số quy định bảo đảm an ninh mạng, cho phép áp dụng các biện pháp trừng phạt với những công ty truyền thông xã hội và công nghệ, nếu không bảo vệ người dùng trước những nội dung thông tin gây hại. Vấn đề này đặc biệt gây chú ý tại Anh sau vụ nữ sinh 14 tuổi M.Rút-xen tự sát năm 2017, mà theo cha mẹ em, chính MXH đã gián tiếp gây ra cái chết này do cô bé tiếp xúc với nhiều thông tin tiêu cực về tự sát trên các phương tiện trực tuyến.

Béc-lin công khai tuyên chiến với MXH trong nhiều vấn đề có thể ảnh hưởng xấu tới người dùng, nhất là tin tức giả mạo, hoạt động của các tổ chức cực đoan, các nhóm khủng bố. Đầu năm 2018, Quốc hội Đức thông qua luật quy định những dịch vụ MXH tại Đức nếu để xảy ra tình trạng người dùng lăng mạ, gây thù oán hay phát tán các tin tức giả mạo, sẽ đối mặt án phạt nặng, có thể tới 50 triệu ơ-rô.

Tại Nga, các chuyên gia công nghệ thông tin đã nghiên cứu sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phát hiện khủng bố trên MXH. Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Nga V.Trê-khô-nhin cho biết, dự án mở ra triển vọng sử dụng các thuật toán hành vi để xây dựng hệ thống AI, có khả năng phát hiện các chủ thể tiềm tàng nguy hiểm cho xã hội qua các dấu hiệu tâm lý - hành vi trên MXH.

Nhằm quản lý tốt hơn các MXH, các chuyên gia tiên phong trong lĩnh vực công nghệ đồng loạt kêu gọi xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên MXH, cũng như bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp dành cho những nhà khoa học dữ liệu.