Bản sắc

Tứ Xuyên - Thiên đường gấu trúc

Ở Trung Quốc, một điểm đến luôn tạo nhiều niềm vui cùng sự phấn khích rất đỗi trẻ thơ cho du khách quốc tế - bất kể gái trai già trẻ, bất kể quốc tịch mầu da: “thiên đường gấu trúc” Tứ Xuyên (Trung Quốc). Với hình ảnh chú gấu trúc khổng lồ thân thiện đón chào mọi lúc mọi nơi, loài động vật hoang dã hiền lành và đáng yêu này đã trở thành thương hiệu độc đáo giúp du lịch Tứ Xuyên cất cánh. Tứ Xuyên không chỉ có “quốc bảo Trung Hoa” (như slogan “Sichuan, more than pandas”), nhưng chắc chắn miền đất giàu di sản này sẽ mất phần lớn sức hấp dẫn, nếu thiếu đi gấu trúc.

Panda - Biểu tượng của du lịch Tứ Xuyên.
Panda - Biểu tượng của du lịch Tứ Xuyên.

“Thỏi nam châm” hai mầu đen trắng

Hầu hết mọi người đều khá quen thuộc với hình ảnh gấu trúc. Khi con vật béo múp luôn đứng trước nguy cơ tuyệt chủng này được chọn làm biểu tượng của Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên WWF từ năm 1961. Khi nó trở thành linh vật vô cùng dễ thương của hai sự kiện thể thao lớn: Pan Pan của Thế vận hội châu Á lần thứ 11 và Jing Jing của Olympic Bắc Kinh 2008. Khi chú gấu Po ục ịch, hậu đậu ôm mộng trở thành cao thủ võ lâm được DreamWorks Animation khắc họa sống động, với tạo hình cực kỳ đáng yêu trong Kungfu Panda - bộ ba phim hoạt hình bom tấn từng lập kỷ lục doanh thu phòng vé toàn cầu trong các năm 2008, 2011 và 2016. Và gấu trúc cũng đã xuất hiện tại khá nhiều vườn thú lớn trên thế giới, thông qua nhiều hình thức cầu nối như quà tặng của chính phủ, cho thuê, hợp tác nuôi dưỡng và bảo tồn... Gấu trúc từng được gọi là sứ giả ngoại giao, là cầu nối gắn kết tình đoàn kết hữu nghị giữa Trung Quốc và nhiều quốc gia. Và tất nhiên cũng mang lại nguồn thu thương mại không nhỏ.

Tứ Xuyên được mệnh danh là quê hương của loài gấu trúc khổng lồ. Hơn 80% gấu trúc trên thế giới sinh sống tại đây, trong những dãy núi cao hiểm trở thuộc các vườn quốc gia, các khu bảo tồn được phân bố rải rác khắp tỉnh. Số lượng cá thể gấu được thống kê chính xác tới hàng đơn vị, bởi cứ sau một thập niên, chính phủ Trung Quốc phải tổng kiểm kê “quốc bảo” một lần. Năm 2013 Trung Quốc có 1.864 con gấu trúc trong tự nhiên, trong đó 75% sống ở Tứ Xuyên, phần còn lại ở Thiểm Tây và Cam Túc. Đến tháng 11 năm ngoái, lượng gấu trúc nuôi trên toàn thế giới là 548 con, trong đó Trung Quốc chiếm tới 482 con. Vì thế, muốn được ngắm những tạo vật đen trắng đáng yêu này, trong môi trường thiên nhiên nơi chúng sinh ra và lớn lên thì chắc chắn phải tới Tứ Xuyên. Không ở đâu, người ta có thể ngắm nhìn cùng lúc cả một nhà trẻ đầy gấu con lũn cũn chạy nhảy lăn lộn. Không ở đâu người ta có thể nhìn chúng lười nhác nằm ngửa tước vỏ nhai thân trúc rau ráu rồi thoăn thoắt trèo leo, rồi ngã lên ngã xuống lịch bịch, nặng nề như ném bao gạo. Đây cũng là loài động vật hoang dã hiếm hoi mang lại xúc cảm yêu thương, trìu mến cho khách tham quan cho dù thức hay ngủ, dù hoạt động hay lười nhác, dù cần mẫn ăn hay... liên tục đi vệ sinh!

Tứ Xuyên - Thiên đường gấu trúc ảnh 1

Đồ lưu niệm tạo hình gấu trúc tràn ngập Tứ Xuyên.

Gấu trúc trở thành thỏi nam châm tỏa ra sức hút với mọi du khách đến Tứ Xuyên. Và miền đất này đã triển khai một chiến lược định vị và phát triển thương hiệu du lịch vô cùng bài bản và khoa học, dựa trên hình ảnh gấu trúc cũng là điều dễ hiểu.

Trên mỗi chặng hành trình, ở mỗi điểm nghỉ chân, du khách đều có gấu trúc đồng hành. Vẻ ngộ nghĩnh của chúng xuất hiện từ trên cây kẹo mút tới cái bánh bao, từ tấm vé vào cửa tới tờ rơi giới thiệu, từ các cửa hàng kinh doanh đồ lưu niệm đến shop thời trang, từ những chú gấu khổng lồ đủ mọi vật liệu và kích cỡ tới những vật dụng trang trí nội ngoại thất... Và hình ảnh chú gấu trúc lí lắc, nghịch ngợm cười với du khách từ chiếc taxi chạy trên đường, đến những chiếc xe bus hay xe du lịch đông nghịt khách. Sự hiện diện của những “thỏi nam châm” hai mầu này khiến du khách có cảm giác như đang lạc vào thế giới tuổi thơ.

Tứ Xuyên - Thiên đường gấu trúc ảnh 2

Hành khách sẽ được đồng hành cùng gấu trúc trên đường bay Panda Route.

Trên đường băng sân bay Thành Đô không thiếu những chiếc máy bay A350 khổng lồ rực rỡ biểu tượng ba chú gấu trúc của Hãng hàng không Sichuan Airlines đang chờ lăn bánh. Đường bay mang tên Panda Route nhiều năm nối Bắc Kinh tới Thành Đô và ngược lại. Đúng như cái tên của nó, hành khách cảm thấy rất thú vị khi được đồng hành cùng gấu trúc suốt chặng hành trình. Trang phục cùng bờm đeo trên tóc tiếp viên; thú bông cùng gối ôm trên ghế máy bay; bánh quy cùng bánh bao, cơm cùng bánh ngọt trong suất ăn, tất cả đều được tạo hình gấu trúc. Nghe nói Panda Route cũng sắp nối Thành Đô với Boston (Mỹ). Không chỉ có thế, một tuyến tàu điện ngầm và một tuyến tàu hỏa trên cao hoạt động tại Thành Đô cũng được hành khách trẻ em đặc biệt thích thú khi được thiết kế và truyền cảm hứng từ gấu trúc.

nguồn thu lớn từ gấu trúc

Không chỉ mời gọi bè bạn quốc tế đến với Tứ Xuyên, gấu trúc chính là “mỏ vàng” mang lại doanh thu thương mại khổng lồ cho địa phương nói riêng, cho cả quốc gia nói chung, nhờ sự nổi tiếng, nhờ vẻ ngoài cùng biểu cảm đáng yêu. Chưa kể còn bởi số lượng cá thể gấu trúc trong tự nhiên của chúng ngày một giảm sút.

Đến với Tứ Xuyên, du khách sẽ có cơ hội tham gia vào những tour sinh thái tìm hiểu tập quán sinh sống của gấu trúc. Không chỉ biến những khu bảo tồn cùng những vườn quốc gia (vốn là môi trường sống của gấu trúc trong tự nhiên) thành điểm tham quan, Tứ Xuyên còn xây dựng khá nhiều trung tâm hiện đại nhằm nghiên cứu, gây giống, nuôi dưỡng và bảo tồn giống vật đáng yêu này. Có thể kể tới Cơ sở nghiên cứu và gây giống gấu trúc Thành Đô, Công viên gấu trúc Thành Đô, Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Ngọa Long, Cơ sở nghiên cứu Bích Phong (thuộc Nhã An), Thành cổ Gấu trúc (thuộc làng Fengtong, Baoxing), Khu bảo tồn thiên nhiên Đô Giang Yển... Và tất cả đều thu phí vào cửa với giá vé không rẻ.

Thí dụ như để thăm thú và đi xe điện vòng quanh Công viên gấu trúc Thành Đô, du khách phải bỏ ra 68 CNY (hơn 200 nghìn đồng). Mỗi năm công viên này đón khoảng ba triệu lượt khách, tính sơ sơ tiền vé thu được hàng năm lên tới 670 tỷ đồng. Còn muốn có được tấm hình cùng những chú gấu lũn cũn bên trong hàng rào phải nộp khoản phí lên tới 200 CNY (xấp xỉ 700 nghìn đồng), vậy mà khách đăng ký nườm nượp.

Tại những cơ sở nghiên cứu như Trung tâm gấu trúc Dujiangyan, “một ngày chăm sóc panda” là một dịch vụ đặc biệt thu hút khách nước ngoài. Để có cơ hội mặc đồng phục và tự tay dọn dẹp vệ sinh chuồng trại, làm bánh và chuẩn bị bữa ăn theo giờ, hướng dẫn vận động và làm bạn chơi với gấu trúc chỉ trong một ngày, các tình nguyện viên phải bỏ số tiền rất lớn, xấp xỉ bảy triệu đồng. Sau những trải nghiệm thú vị nhưng không kém phần vất vả, người tham gia được mang về một tấm bằng chứng nhận cùng kỷ niệm đáng nhớ về những cục bông đen trắng.

Nhiều năm gần đây, nuôi dưỡng và nhân giống gấu trúc là một lĩnh vực hái ra tiền. Bởi số tiền cho thuê gấu trúc không thôi đã mang lại cho Trung Quốc khoản tiền rất lớn mỗi năm. Chính vì khả năng sinh lời khổng lồ ấy, tại Tứ Xuyên xuất hiện một nghề nghiệp đặc thù với mức lương rất cao - chăm sóc gấu trúc. Hằng năm, chỉ có 500 ứng cử viên được chọn, trong con số một vạn hồ sơ xét tuyển. Bằng cử nhân - thạc sĩ cùng hiểu biết kiến thức chuyên sâu về sinh học là một điểm cộng, nhẫn nại và yêu thương động vật là yêu cầu bắt buộc. Dành cả năm chăm sóc, chia sẻ buồn vui cùng gấu trúc, nhân viên ở đây được nhận 32 nghìn USD, được sử dụng một chiếc ô-tô SUV, được miễn phí ăn ở và sau khi kết thúc hợp đồng có thể làm việc ở mọi cơ sở chăm sóc panda trên khắp thế giới.

Nhờ những nỗ lực bài bản không ngừng nghỉ, Tứ Xuyên thực sự trở thành thiên đường của gấu trúc. Ở chiều ngược lại, gấu trúc cũng đã biến miền đất rộng lớn này thành thiên đường du lịch, với những người biết trân quý tự nhiên và đam mê khám phá.