Xu hướng

Thách thức sống bền vững thời đại dịch

Rác thải nhựa tăng đột biến

Trong hơn một tháng phong tỏa, những con phố nhộn nhịp ở Kalamata, một thành phố Hy Lạp nổi tiếng vì trái oliu trở nên vắng lặng. Cư dân chỉ được phép ra ngoài trong những hoàn cảnh đặc biệt nhưng găng tay, khẩu trang, chai khử khuẩn... vương vãi khắp công viên, vỉa hè và đường phố khi người dân cố bảo vệ mình khỏi nguy cơ lây nhiễm.

Covid-19 khiến lượng nhựa sử dụng một lần tăng cao, từ đồ bảo hộ tới bao bì nhựa.
Covid-19 khiến lượng nhựa sử dụng một lần tăng cao, từ đồ bảo hộ tới bao bì nhựa.

Đây không phải vấn đề của riêng thành phố nhỏ này ở Hy Lạp. Rác thải tương tự trở thành vấn đề ở các đô thị lớn như New York, London và nhiều nơi khác. Ông John Hocevar, Giám đốc Chiến dịch đại dương thuộc tổ chức Green Peace Mỹ nói: Ngay bên ngoài nhà tôi có găng tay và khẩu trang vương vãi khắp chung quanh. Trời mưa khiến chúng nhanh chóng trôi xuống cống, đổ ra sông Anacotia, rồi vịnh Cheasapeake và kết thúc ở Đại Tây Dương.

Thách thức sống bền vững thời đại dịch -0
 

Vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi ở một nơi vắng người như Quần đảo Soko, cách Hồng Công vài dặm, nhà hoạt động môi trường Gary Stokes, người đồng sáng lập nhóm bảo tồn OceansAsia đã tìm thấy khoảng 100 khẩu trang dạt vào bờ giữa hàng đống rác thải nhựa trong ba chuyến tới thăm bãi biển này. “Trước đây, tôi chưa bao giờ thấy nhiều khẩu trang như vậy ở nơi xa xôi này”, ông nói.

Đại dịch Covid-19 đã khiến việc sử dụng các sản phẩm nhựa tăng đột biến, đây là các thành tố chính trong khẩu trang, găng tay, chai sát khuẩn tay, bộ đồ bảo vệ, bộ xét nghiệm, hộp đựng thức ăn, bao gói hàng hóa và những vật dụng thường ngày khác trong cách sống mới của chúng ta.

Thái Lan vốn đã lên kế hoạch cắt giảm rác thải nhựa vào năm 2020, giờ dự đoán lượng rác thải nhựa sẽ tăng khoảng 30%. Theo Viện môi trường Thái Lan, chỉ riêng Băng Cốc tháng tư này đã tiêu thụ lượng nhựa nhiều hơn tới 62% cùng kỳ năm ngoài. Trong suốt tám tuần phong tỏa (nới lỏng vào ngày 1-6), 5,7 triệu dân của Singapore đã tạo ra thêm 1.470 tấn rác thải nhựa từ vỏ bao bì và hộp đựng đồ ăn theo một khảo sát.

Ở các nền kinh tế tăng trưởng nhanh ở châu Á, hệ thống thu thập và tái chế rác thải không đáp ứng nổi khối lượng rác ngày càng gia tăng, các sản phẩm nhựa đã qua sử dụng thường bị vứt gần đường nước chảy hoặc đốt cháy làm nhiễm độc không khí, đất và nước. Hồng Công, một trong những thành phố giàu có nhất trên thế giới cũng vứt tới 70% rác thải ra bãi rác.

Khi lệnh cấm tạm thời mất hiệu lực

Mối lo ngại sâu sắc hơn là Covid-19 sẽ làm đảo lộn động lực của cuộc chiến toàn cầu trong nhiều năm qua nhằm giảm lượng nhựa sử dụng một lần. “Đây quả thật là một bước lùi lớn trong việc bảo vệ môi trường”, chuyên gia Stokes nói. Đặc biệt là khi một số lệnh cấm hoặc hạn chế việc dùng nhựa sử dụng một lần đã bị tạm thời hủy bỏ khi giới chức ở các quốc gia cố gắng vượt qua cuộc khủng hoảng này. Ở Anh, một loại phí đánh trên túi nhựa đã tạm thời bị hủy bỏ. Lệnh cấm những vật dụng này cũng đã bị trì hoãn ở nhiều bang ở Mỹ như Maine. California cũng đã dỡ bỏ lệnh cấm các túi rau sử dụng một lần vì lo ngại virus có thể lan truyền qua các túi tái sử dụng. Một số nhà bán lẻ, như Starbucks cấm khách hàng mang theo các cốc, đồ đựng hay túi tái sử dụng vì lý do tương tự.

Điều này làm dấy lên lo ngại từ nhiều tổ chức như Ngân hàng Thế giới. Theo ông Grzegorz Peszko, chuyên gia kinh tế trưởng về kinh tế xanh và tài nguyên thiên nhiên, môi trường của tổ chức này: “Những biện pháp này đã được tuyên bố là có thời hạn nhưng chúng sẽ kéo dài bao lâu khi vẫn được bồi thêm bởi lo ngại về sức khỏe”.

Mặt khác, có những người tận dụng cơ hội này xúc tiến nhựa sử dụng một lần như lựa chọn an toàn. Vào tháng 3, Hiệp hội ngành nhựa gửi cho Bộ Y tế Mỹ đề nghị “tuyên bố chính thức về lợi ích an toàn và sức khỏe được nhận thấy ở nhựa dùng một lần”. Đại dịch “buộc nhiều người Mỹ, doanh nghiệp và quan chức chính phủ nhận ra rằng nhựa dùng một lần thường là lựa chọn an toàn nhất”, nhóm này nói.

Ngân hàng Thế giới cảnh báo rằng Covid-19 dường như đã dấy lên làn sóng sử dụng nhựa một lần. “Giãn cách xã hội vẫn là chuyện sẽ diễn ra trong vài tháng tới, chúng ta sẽ thấy lượng rác thải nhựa dùng một lần tiếp tục tăng lên về tổng thể”, ông Hai Lin Pek, Giám đốc điều hành của nhóm hoạt động môi trường Không rác thải Singapore nhấn mạnh.

Các thành phố cũng rất khó khăn trong việc kiểm soát việc tăng rác thải là trung gian lây nhiễm từ các bệnh viện và cơ sở y tế chữa trị cho bệnh nhân của virus SARS-CoV-2. Ngân hàng Phát triển châu Á dự đoán rằng Manila, thành phố với 14 triệu dân đang thải ra thêm 309 tấn rác y tế mỗi ngày, thêm vào đó là các áo bảo hộ, khẩu trang và găng tay phẫu thuật sử dụng một lần.

Các nhà môi trường cảnh báo những hậu quả tiêu cực cho đời sống hoang dã một khi các thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) bị vứt bỏ không đúng chỗ. Rùa biển có thể nhầm túi ni-lông với thức ăn của nó hay quai đeo khẩu trang có thể gây nguy hiểm cho sinh vật biển khi bị mắc vào - ông Stokes cho biết. Qua thời gian những sản phẩm này phân rã ra thành vô số hạt vi nhựa trên biển, trong không khí và thức ăn, phát tán vi khuẩn và hóa chất độc hại mà chúng mang theo.

Lựa chọn lối sống bền vững

Để ngăn ngừa Covid-19, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo rằng thường xuyên rửa tay an toàn hơn mang găng tay cao-su ở nơi công cộng. Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ cho biết khẩu trang có thể giặt được là đủ để bảo vệ con người trước nguy cơ nhiễm bệnh. Các chuyên gia y tế cũng tin rằng các vật liệu tái sử dụng không gây nguy hiểm chừng nào chúng được vệ sinh thường xuyên và đúng cách.

Trong lúc PPE được sử dụng ở các cơ sở y tế phần lớn không được tái chế hay tái sử dụng, những sáng kiến bền vững mới đang xuất hiện. Ở Mỹ, nhà sản xuất xe hơi Ford đang sản xuất loại áo bảo hộ từ vật liệu của túi khí có thể giặt được 50 lần. Đại học Nebraska đang thử nghiệm ánh sáng tia cực tím khử khuẩn và kéo dài thời gian sử dụng của khẩu trang y tế, nhờ đó làm giảm rác thải.

Khi virus SARS-CoV-2 tiếp tục lan tràn khắp châu Á, một số người nhìn thấy cơ hội đầu tư vào các nguyên liệu có thể tái sử dụng. Muuse, một công ty startup ở Singapore đang tiên phong trong dịch vụ giao thức ăn đã sử dụng các cốc thép không gỉ và các hộp đựng bằng tre. Khi các khách hàng trả lại vật dụng này, chúng sẽ được rửa và khử trùng sạch sẽ cho lần dùng tới.

Khi các chính phủ triển khai các gói kích thích nhằm giúp doanh nghiệp đối phó với đại dịch, những người phản đối sử dụng nhựa một lần thấy cơ hội để xây dựng các công ty có năng lực tái chế rác thải nhựa thành các mặt hàng mới. Trên thế giới, nghiên cứu chỉ ra rằng hiện chỉ có dưới 10% nhựa sản xuất ra được tái chế. Ông Rob Kaplan, người đứng đầu quỹ đầu tư Circulate Capital ở Singapore gần đây cho biết đã đầu tư sáu triệu USD xây dựng hai nhà máy tái chế nhựa quy mô nhỏ ở Ấn Độ và Indonesia nói: “Với ô nhiễm nhựa, các cuộc đối thoại không nên chỉ tập trung vào vấn đề môi trường mà còn hướng tới phát triển kinh tế và tái xây dựng cơ hội. Rác thải và tái chế rác đã không được đầu tư đúng mức trong vòng 20 năm qua. Giờ là cơ hội để bắt đầu”.