Mumbai:

Sống trong nỗi lo nhà sụp

Cư dân trong những tòa nhà đổ nát ở Mumbai (Ấn Độ) sợ bị đuổi khỏi nhà, trở thành vô gia cư và tệ hơn, mất mạng.

Nhiều ngôi nhà hàng chục năm tuổi cũ nát ở Mumbai có nguy cơ sập bất cứ lúc nào.
Nhiều ngôi nhà hàng chục năm tuổi cũ nát ở Mumbai có nguy cơ sập bất cứ lúc nào.

Tại lối vào Hyderi Manzil, một tòa nhà bốn tầng ở vùng phụ cận phía nam Mumbai đông nghịt có một bảng cảnh báo sơn mầu trắng: “Nếu tòa nhà bị đổ, quỹ ủy thác không có trách nhiệm với việc mất đi mạng sống”. Cô Arshi Syed, 34 tuổi chỉ vào bức tường hành lang lỗ chỗ bên ngoài căn nhà một phòng của mình: “Nhà quá yếu, chuột đã ăn vào nó. Gia đình tôi và tôi lắm khi thức suốt cả đêm, đặc biệt trong thời kỳ gió mùa phòng trường hợp nhà bị sập”. Nhưng bất chấp nguy hiểm, gia đình Syed cùng với 21 gia đình khác vẫn tiếp tục sống trong tòa nhà này, nơi chủ yếu là người Hồi sinh sống.

Trong vòng 5 năm qua, 234 người đã mất mạng và 840 người bị thương do các tòa nhà đổ sụp ở nơi được xem là trung tâm tài chính của Ấn Độ, Mumbai. Một báo cáo gần đây do IndiaSpend - một tổ chức phi lợi nhuận theo dõi dữ liệu trên toàn Ấn Độ cho biết, trong thành phố này có tới hơn 14 nghìn tòa nhà có nguy cơ bị đổ sụp, trong đó 1.277 tòa cần được xây dựng lại nhanh chóng. Khoảng 500 nhà đang trong tình trạng nguy hiểm. Cũng như Hyderi Manzil, phần lớn trong số đó đã hàng chục năm tuổi, cá biệt có những tòa nhà đã tồn tại hơn trăm năm và có thể sập xuống bất cứ lúc nào bởi đã quá cũ nát do tuổi tác và không được bảo trì. Nhìn rộng hơn, tiêu chuẩn an toàn kém và việc thiếu kế hoạch dài hạn cũng như áp lực nhà ở bởi dân số quá đông là nguyên do chính. Tháng 7 vừa qua, một tòa nhà bốn tầng ở Dongri bị sập khiến 14 người chết và hàng chục người bị thương. Những thảm họa này nhấn mạnh tình trạng nguy hiểm của những kiến trúc cao tuổi mà thành phố 20 triệu dân này có khá nhiều.

Sống trong nỗi lo nhà sụp ảnh 1

Hiện trường vụ sập nhà ở Mumbai tháng 7 vừa qua.

Hằng năm thành phố này phải chứng kiến một hoặc hai tòa nhà bị sập trong những tháng gió mùa nhưng thường bị lãng quên nhanh chóng. Khi đi kèm với rủi ro lớn như vậy, chính quyền thành phố và bang đã ngay lập tức ra lệnh điều tra và đình chỉ các quan chức cấp thấp. Chính phủ cũng nói rằng đang lập kế hoạch một số biện pháp nhằm xử lý các vấn đề để xây dựng lại các tòa nhà cũ nát. Nhưng điều này không hề dễ dàng”. Mumbai đang phải đối mặt với những thách thức vô cùng lớn. Những vụ cháy và sập nhà đã tăng lên không ngừng trong vòng vài năm qua, cần có sự nỗ lực phối hợp từ nhiều bên nhằm giải quyết những vấn đề của thành phố”, ông Devidas Kshirsagar, Trợ lý ủy viên Hội đồng thành phố cho hay.

Mumbai có tốc độ phát triển vượt bậc trong vòng vài thập kỷ qua với số lượng các tòa nhà cao tầng và nhà chọc trời xuất hiện khắp thành phố phục vụ nhu cầu của dân số tăng nhanh. Thành phố đang muốn trở thành một trung tâm tài chính toàn cầu nhưng vẫn đang vật lộn đối phó với những trận mưa gió mùa hằng năm bởi việc xây dựng tràn lan, những cống thoát nước nghẹt vì rác thải khiến mọi thứ càng hỗn loạn. Trong lúc đó các biện pháp an toàn được áp dụng chưa tương xứng và việc lập kế hoạch kém khiến những tòa nhà cũ kỹ này thêm đổ nát, các chuyên gia cho biết. Ông Manas Jain, nhà phát triển bất động sản cho rằng, trong một thành phố đói khoảng không như Mumbai, việc phát triển theo chiều thẳng đứng là cách duy nhất. Điều này giúp giảm bớt khó khăn về nhà ở và hỗ trợ việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng, nhưng vấn đề này phải được lập kế hoạch rõ ràng. Tuy vậy các cơ quan chức năng của thành phố cho rằng việc phát triển theo chiều thẳng đứng mang lại vấn đề lớn cho Mumbai về việc quản lý nước, nước thải và giao thông.

Ông Vaishali Gadpale, người phát ngôn của Tổ chức phát triển vùng và nhà ở Maharashtra, cơ quan quản lý việc bảo trì và xây dựng lại các tòa nhà cũ hỏng (MHADA) nói: “Dân chẳng muốn đi. Họ lo rằng nếu bị đuổi ra khỏi nhà thì còn lâu hoặc không bao có thể trở lại nhà cũ được nữa”. MHADA cung cấp các “trại tạm” hay nơi ở thay thế cho cư dân sống trong các tòa nhà đổ nát trong lúc chờ đợi. Trong lúc tổ chức này thu thuế từ chủ nhà để bảo trì các tòa nhà, có ý kiến cho rằng người dân chẳng được hưởng lợi gì. Ông Damani, 70 tuổi ở Kesarbai 25 C, Dongri - tòa nhà đã bị tuyên bố là nguy hiểm từ năm 2017 vẫn chờ để được đến nhà tạm: “Tôi đã gửi đăng ký tới 14 chi nhánh của MHADA để họ có thể cung cấp những lựa chọn về nhà ở, nhưng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời”. Ông mô tả sự thờ ơ tương tự ở các cơ quan chức năng khi hầu hết người thuê nhà trong tòa nhà của ông đã thấy những người không được phép chiếm nhà tạm của họ. Mệt mỏi sau nhiều nỗ lực không có kết quả, người có điều kiện đã đi thuê nhà nơi khác, có người tới sống với họ hàng. Cũng nhiều người thậm chí không đăng ký ở trại tạm bởi họ thấy cảnh chờ đợi mỏi mòn của những người khác trước đó. Trong lúc đó không có dấu hiệu nào là tòa nhà của ông Damani sẽ được sửa chữa. Các cửa đều bị khóa, tòa nhà ngày càng cũ nát và trở thành nơi trú ngụ của chó, mèo.

Cô Syed e rằng nhà mình cũng ở trong tình trạng tương tự: “Dân ở tòa nhà của chúng tôi rời đi với hy vọng nhà sẽ được xây dựng lại kịp thời. Nhưng hơn 10 năm trôi qua mà chẳng có gì thay đổi. Những người trở lại lãng phí tiền thuê nhà ở nơi khác - cũng những chỗ tồi tàn như vậy. Vậy tôi đi làm gì?”.

Để tránh việc bị trở thành người vô gia cư trong một thành phố có giá bất động sản cao ngất ngưởng, người sống trong những tòa nhà như vậy thường từ tầng lớp có thu nhập thấp, mua một giấy chứng nhận (NOC) từ MHADA, theo đó cư dân đồng ý thực hiện xây dựng lại tòa nhà của họ. Nhưng việc thiếu tiền khiến xây dựng một ngôi nhà an toàn thêm khó khăn. Dưới đạo luật kiểm soát tiền thuê nhà hạn chế của thành phố, mức thuê hằng tháng ở những tòa nhà như vậy vô cùng thấp, chỉ từ 100 đến 300 rupee/tháng (1,4 - 4,2 USD). Chủ nhà miễn cưỡng bỏ tiền trang trải chi phí kiểm tra cho các tòa nhà.

“Chúng tôi không đòi hỏi xây dựng lại miễn phí. Gia đình tôi và những người khác sẵn sàng chịu 40 - 50% chi phí nhưng phần còn lại cần được chính phủ tài trợ hoặc những người điều hành quỹ ủy thác xây dựng. Chúng tôi không thể chi trả hết được” - cô Syed nói. Mặt khác, cũng có những tòa nhà đổ nát hoàn toàn bị bỏ quên. Ông Shakeel Ahmed Sheikh một nhà hoạt động vì môi trường nói rằng có hàng trăm tòa nhà có nguy cơ bị sụp ở quanh Dongri, nhưng vẫn có tình trạng xây dựng trái phép trên sân thượng của một số tòa nhà cũ. Ông tin rằng chính phủ nên tập trung vào việc “phát triển theo cụm”, một chương trình cho phép MHADA tái thiết lại toàn bộ những tòa nhà đổ nát ở vùng phụ cận cùng nhau. Điều này sẽ thu hút những nhà đầu tư đáng tin cậy để họ nhìn thấy lợi nhuận, bởi nhiều người hiện đang dè dặt do sự phức tạp của việc xây lại các tòa nhà thấp tầng cũ chỉ rộng hơn ba trăm mét vuông. Mặt khác chính phủ cũng cần có cơ chế cho những người đang sống tại những tòa nhà như vậy có được chỗ ở tốt hơn tại đó một khi nó được xây lại.

Trở lại câu chuyện của Syed, cô giãi bày: Chúng tôi sẽ rời nhà ngay khi ai đó lĩnh trách nhiệm xây dựng lại tòa nhà. Chúng tôi chờ đợi sự bảo đảm này.