Những “bông hồng” đội mũ nồi xanh

1 Bên trong căn lều ở cổng Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 (BVDC 2.1) ở Bentiu, Nam Sudan, thiếu tá Bùi Thị Xoa, kỹ thuật viên nha khoa của bệnh viện đang thực hiện ca gác lúc 4 giờ chiều. Tầm đó là 8 giờ tối ở Việt Nam vì múi giờ trong nước chênh với Nam Sudan bốn tiếng.

10 nữ quân nhân của Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1.
10 nữ quân nhân của Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1.

Nếu ở Việt Nam, chắc chị Xoa đang quây quần bên gia đình trong căn phòng ấm cúng ngồi xem ti-vi. Còn ở đây, chị cùng các đồng đội vừa bắt đầu nhiệm vụ mới ở Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Sudan - nhiệm vụ của những người bác sĩ quân y đội mũ nồi xanh.

Công việc bộn bề vì bệnh viện mới triển khai, 10 cô gái ở BVDC hầu như chẳng có thời gian để nhớ nhà. Trong công việc, họ không hề tỏ ra kém cạnh các đồng nghiệp nam. Gác doanh trại là công việc đầu tiên của các nữ quân nhân cũng như tập thể BVDC 2.1 khi mới “chân ướt, chân ráo” tới địa bàn Bentiu. Mấy ngày đầu, 10 cô gái được ưu tiên chưa phải gác. Nhưng ngay sau đó, họ chủ động đề nghị được tham gia nhiệm vụ. “Vì cắt quân số gác của 10 người tụi em, các anh sẽ phải gánh vác nhiều công việc hơn nên chúng em đã nhất trí cũng tham gia gác giống như các anh”, cô gái xinh xắn Huỳnh Cẩm Thư chia sẻ.

Những “bông hồng” đội mũ nồi xanh ảnh 1

Thiếu úy Sa Minh Ngọc cùng các trẻ em trong trại tị nạn ở Bentiu.


Nhiệm vụ gác là ghi chép, hỏi han khách ra vào bệnh viện và hướng dẫn họ. Có điều chiếc bộ đàm Tetra không được rời vì phải luôn sẵn sàng tiếp nhận và xử lý các thông tin cần thiết bất cứ lúc nào. Gác đêm ngại nhất là bị muỗi đốt, vì ở Bentiu, sốt rét là một trong những nỗi ám ảnh lớn nhất. Đến mức, ở khu doanh trại do lực lượng công binh Anh xây dựng thấy xuất hiện khá nhiều những tờ cảnh báo bằng tiếng Anh đề phòng căn bệnh đáng sợ này.

2 Có dịp cùng ăn, cùng ở với 10 cô gái trong đội hình BVDC 2.1 ở Nam Sudan, khi sang tác nghiệp ở địa bàn ngay từ những ngày đầu BVDC 2.1 mới triển khai, không khó để cảm nhận được nghị lực cùng ý chí quyết tâm của những nữ quân nhân Việt Nam nơi đây. Bentiu, nơi từng là địa bàn khốc liệt của chiến sự thời kỳ đỉnh cao cuộc nội chiến ở Nam Sudan, đang trải qua những ngày yên bình quý giá. Trong căn cứ Bentiu, nơi bệnh viện đóng quân, lại càng yên bình bởi luôn được sự bảo vệ và canh phòng nghiêm ngặt của lực lượng gìn giữ hòa bình các nước. Nhưng tình hình an ninh ở Bentiu nói riêng và ở Nam Sudan nói chung khó có thể lường trước được sẽ thay đổi lúc nào.

Khi đoàn vừa tới sân bay Juba, thiếu úy trẻ Sa Minh Ngọc trong đội hình xuất quân đợt một tới Nam Sudan đã bị nữ phóng viên Beatrice Mategwa của Phái bộ đặt ngay câu hỏi phỏng vấn, rằng “tới Nam Sudan có sợ không?”. Trước ống kính máy quay, Sa Minh Ngọc tự tin trả lời lưu loát bằng tiếng Anh: “Chúng tôi đã có bốn năm chuẩn bị kỹ lưỡng và mong muốn nhanh chóng được thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ. Là những người lính, chúng tôi háo hức được thực hiện nhiệm vụ Tổ quốc giao phó...”.

Sau khoảng gần một tháng kể từ khi tới địa bàn, BVDC 2.1 chính thức đi vào hoạt động. Bệnh viện đã tiếp nhận một số lượng bệnh nhân tương đối đông so với BVDC cấp 2 của Anh trước khi chuyển giao cho Việt Nam. Chỉ trong hai tuần đầu tiên, BVDC 2.1 đã tiếp nhận 56 lượt bệnh nhân tới điều trị với nhiều bệnh khác nhau, từ đơn giản như các bệnh tiêu hóa đến các ca bệnh phức tạp hơn phải phẫu thuật... Sự tận tụy của nữ bác sĩ Thu Ngân, nụ cười tươi dễ mến của y tá

Những “bông hồng” đội mũ nồi xanh ảnh 2

Nữ bác sĩ Thu Ngân và y tá Kiều Trinh tại phòng khám của bệnh viện.


Tô Thị Kiều Trinh khi tiếp đón bệnh nhân ngay từ phòng khám đã góp phần tạo thiện cảm về những người lính quân y Việt Nam. Vốn tiếng Anh tốt giúp họ tự tin khi làm việc với các bệnh nhân LHQ từ các nước khác nhau. BVDC 2.1 đã trở thành địa chỉ tin cậy của các nhân viên Phái bộ làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở đây. Sự chuyên nghiệp, thái độ tận tình, đồng cảm và sẻ chia của những “lương y như từ mẫu” từ Việt Nam cũng chính là nguồn động viên tinh thần cần thiết đối với những người đang tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở địa bàn thử thách như Bentiu.

Những món quà lưu niệm nhỏ bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã giúp họ khỏe mạnh sau khi ra viện, khiến những người lính mũ nồi xanh mặc “áo trắng” từ Việt Nam hiểu hơn sứ mệnh của mình có ý nghĩa như thế nào, ở nơi không có lấy một bệnh viện đủ năng lực cứu chữa những ca bệnh phức tạp như Bentiu.

Đó cũng là lý do vì sao BVDC Việt Nam được Phái bộ và lực lượng các nước đóng tại căn cứ Bentiu rất hoan nghênh chào đón. Nhất là 10 cô gái của bệnh viện càng được trông đợi, bởi Liên hợp quốc luôn đánh giá cao vai trò của phụ nữ trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình. Tỷ lệ gần 17% là nữ của BVDC cao ngoài sự trông đợi của Liên hợp quốc, bởi ở các đơn vị khác, tỷ lệ nữ cao nhất cũng chỉ khoảng 10%. Hình ảnh các nữ quân nhân đội mũ nồi xanh thường gây được thiện cảm ở môi trường gìn giữ hòa bình vốn nhiều khắc nghiệt mà nhiều khi nam giới không thể sánh được.

3 Ý thức được vai trò và sứ mệnh của mình, các nữ quân nhân trong BVDC 2.1 luôn giữ gìn hình ảnh tốt đẹp về người nữ quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam, cao hơn nữa là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam. Tự tin sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn của mình ở BVDC, bác sĩ Thu Ngân bày tỏ niềm hạnh phúc được làm công việc mình yêu thích và mang lại sự an tâm cho các bệnh nhân ở đây: “Đối với tôi, niềm vui là được mang đến cho người bệnh sự hài lòng và những nụ cười...”.

Ngoài giờ làm việc, mỗi buổi chiều khi trời đã dịu nắng, các cô gái ở BVDC lại cùng nhau đi bộ hay chạy tập thể dục trong khuôn viên bên trong hoặc bên ngoài bệnh viện để rèn luyện sức khỏe. Ở đây, giữ sức khỏe là quan trọng hàng đầu vì cái nắng 50 độ C vào ban trưa và cái lạnh run người chỉ còn mười mấy độ ban đêm và về sáng rất dễ gây ốm. Nữ bác sĩ Thu Ngân tâm sự rằng, ở BVDC, ai cũng tâm niệm một điều, là người chăm sóc sức khỏe cho lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc thì mình cần khỏe mạnh trước tiên mới chăm sóc được sức khỏe cho người khác.

Không thể tin, các cô gái lại thích nghi khá nhanh với điều kiện thời tiết khắc nghiệt nơi đây đến vậy. Chỉ sau một tuần bệnh viện triển khai, làn da rám nắng càng khiến các nữ quân nhân thêm phần rắn rỏi, khỏe mạnh trong bộ quân phục rằn ri dưới cái nắng nóng khó tả ở châu Phi. Những thảm hoa mười giờ, những vườn rau dưới bàn tay chăm sóc, tưới bón của các cô gái và anh em, đã nở hoa rực rỡ và xanh mướt dưới cái nắng như đổ lửa và mưa như xé giời ở Bentiu.

Huỳnh Cẩm Thư vốn hay bị dị ứng với các loại côn trùng đốt giờ cũng đã quen, bởi bệnh viện đóng ở một địa bàn khá hoang vu nên không tránh được sự xuất hiện của những “vị khách không mời” nhỏ li ti này. Nước sạch sinh hoạt cũng phải dè sẻn vì nước là của hiếm ở nơi này. Chị em tự ý thức bảo nhau sử dụng sao cho tiết kiệm nhất như giặt chung quần áo, làm vòi tự chế. Bác sĩ Thu Ngân khó ăn là thế vậy mà cũng dần quen với đồ ăn đông lạnh và những bữa ăn thiếu rau xanh. Được cái, các loại hoa quả táo, cam, nho... được Liên hợp quốc cung cấp theo đăng ký ba tháng một lần và cấp hằng tuần nên khá tươi ngon và dễ ăn. Những lúc rảnh rỗi, chị em lại tranh thủ vào bếp đổ bánh xèo, làm bánh gối, cuốn nem... đổi món cho bữa ăn. Dù không đủ nguyên liệu nhưng các món vẫn ngon như thường, quan trọng là giúp anh chị em trong bệnh viện đỡ nhớ những món ăn quê nhà.

Xa gia đình tới làm nhiệm vụ ở một nơi không thể nói là dễ dàng, nhất là với phụ nữ, nên chị em càng yêu thương và đoàn kết, quan tâm giúp nhau vượt qua những khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Cứ đến sinh nhật chị em nào, 10 cô gái lại cùng nhau xúm vào tổ chức. Mỗi người một tay, người làm bánh, người làm thạch rau câu, người làm quà tặng tự chế... thế là có một sinh nhật ấm áp yêu thương, giúp chị em càng thêm gắn bó. Quà sinh nhật đơn giản thôi, có khi chỉ là chiếc khung ảnh tự chế từ miếng bìa thùng các-tông, hay chiếc khăn được mang từ Việt Nam sang, nhưng cũng đủ để mang lại niềm vui cho nhau ở nơi cách xa Tổ quốc đến nửa vòng trái đất.

10 cô gái ở BVDC hoàn toàn có thể tự hào vì họ chính là những phụ nữ Việt Nam đầu tiên tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, góp phần mang lại niềm tự hào cho đất nước.