Kiềm chế

Nóng hơn bao giờ hết!

Về lý thuyết, cuộc tấn công của các thiết bị bay không người lái vào những cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia trung tuần tháng 9-2019 có thể làm bùng nổ một cuộc chiến tranh trên diện rộng ở khu vực Trung Đông nóng bỏng, nơi các thế lực luôn đụng chạm nhau về lợi ích địa chính trị cũng như kinh tế. Tuy thế, sau gần ba tháng, tình hình ở khu vực được ví như cái nồi áp suất lúc nào cũng chực chờ bùng nổ này mới dừng lại ở mức độ được mô tả là “nóng hơn bao giờ hết”.

Khói bốc nghi ngút từ cơ sở lọc dầu trọng yếu của Saudi Arabia sau khi bị tấn công.
Khói bốc nghi ngút từ cơ sở lọc dầu trọng yếu của Saudi Arabia sau khi bị tấn công.

Bất luận là cuộc tấn công do các phiến quân Houthi ở Yemen thực hiện (như họ tự nhận) để nhằm chống lại cuộc chiến do Saudi Arabia cầm đầu tiến hành tại đất nước này, hay là do Iran đứng ở phía đằng sau (như lời Mỹ cáo buộc) nhằm làm suy yếu các biện pháp trừng phạt của Mỹ, kết quả của nó là rất nghiêm trọng. Sản lượng dầu mỏ của Saudi Arabia giảm tới một nửa, phải mất một thời gian mới hồi phục lại được và trong thời gian đó, thị trường dầu mỏ toàn cầu lao đao.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong một tuyên bố của mình, cho biết rằng ông đã ra lệnh ngừng thực hiện một đòn trả đũa nhằm vào Iran, quốc gia mà nhiều quan chức Mỹ tuyên bố là đứng đằng sau giật dây vụ tấn công vào các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia. Lý do được ông Trump đưa ra là do lo ngại đòn trả đũa có thể gây nên thương vong lớn cho dân thường Iran.

Thay vào đó, ông Trump cho tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran như là một phản ứng đối với vụ tấn công. Đòn “trả đũa” mạnh mẽ nhất mà Tổng thống Mỹ thực hiện là lên kế hoạch điều quân (có nguồn tin nói lên đến 3.000 binh sĩ) cùng các phi đội máy bay chiến đấu, hệ thống tên lửa phòng không và hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đến giúp Saudi Arabia tăng cường năng lực phòng thủ.

Còn Saudi Arabia, nạn nhân trực tiếp của vụ tấn công thì sao?

Sau những cáo buộc và trưng bằng chứng rằng Iran là “thủ phạm” vụ tấn công các cơ sở lọc dầu của mình, trước việc Mỹ từ chối thực hiện đòn tấn công quân sự trực diện nhằm vào Iran, thông qua lãnh đạo Iraq và Pakistan, Riyadh bắn đi tín hiệu rằng hai nước Saudi Arabia và Iran cần có các giải pháp nhằm giảm bớt căng thẳng, tránh để xảy ra chiến tranh.

Ngoài việc kịch liệt bác bỏ các cáo buộc của Mỹ và Saudi Arabia, Iran tuyên bố sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với Saudi Arabia. Tehran cũng kêu gọi Riyadh “đóng băng” hàng tỷ USD trong các thương vụ vũ khí với Mỹ, ngừng can thiệp ở Yemen, chấm dứt phân biệt đối xử đối với cộng đồng thiểu số người Hồi giáo Shiite ở chính vương quốc này.

Có vẻ như các bên ở điểm nóng Trung Đông đều đang gắng hết sức kiềm chế, không để cho khủng hoảng lan rộng biến thành một cuộc chiến tổng lực có khả năng thiêu rụi nhiều quốc gia trong khu vực.

Cách tiếp cận mới của Tổng thống Trump

Không ai quên rằng quốc gia nước ngoài đầu tiên ông Trump đến thăm trên cương vị Tổng thống Mỹ là Saudi Arabia. Ông Trump là tổng thống đương nhiệm duy nhất của Mỹ chọn quốc gia Vùng Vịnh là điểm đến đầu tiên sau khi nhậm chức.

Điều này cho thấy cách tiếp cận hầu như hoàn toàn khác biệt của ông Trump so với những người tiền nhiệm về vấn đề Trung Đông. Bất chấp sự phản đối kịch liệt của người Palestine, ông Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển sứ quán Mỹ về đó. Cũng tương tự, trước sự phản đối mạnh mẽ của châu Âu, ông Trump thẳng tay xé bỏ thỏa thuận hạt nhân mà năm cường quốc thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (trong đó có Mỹ) cùng Đức ký với Iran. Trong chuyến công du đầu tiên của ông Trump tới Saudi Arabia, hai bên đã ký các thỏa thuận trị giá 380 tỷ USD, trong đó gần 1/3 liên quan đến các trang thiết bị quân sự...

Nếu nhớ lại rằng chính quyền Tổng thống Mỹ B.Obama từng ủng hộ giải pháp hai nhà nước trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, ngừng bán vũ khí cho Saudi Arabia bởi lo ngại cuộc xung đột do liên minh mà Riyadh dẫn đầu có thể gây nên nhiều thương vong tại Yemen hay coi thỏa ước hạt nhân giữa các nước P5+1 ký với Iran là một trong những thành tựu đối ngoại nổi bật, thì có thể dễ dàng thấy rằng cách tiếp cận chủ đạo của ông Trump ở Trung Đông là xóa bỏ hầu hết những di sản đối ngoại của người tiền nhiệm.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng ông Trump dễ dàng đi tới những hành động thiếu kiềm chế ở lò lửa Trung Đông. Quyết định dừng hành động quân sự trả đũa nhằm vào Iran ở phút cuối cùng, ông Trump đã ngăn chặn khả năng xảy ra một phản ứng tương tự từ phía Iran mà không nghi ngờ gì nữa, có thể dẫn tới một cuộc xung đột quân sự khó bề kiểm soát.

Trong bối cảnh IS hầu như đã bị đánh tơi tả trên mọi mặt trận, bị quét gần như hoàn toàn khỏi Syria, còn lực lượng đối lập ở đất nước này như thực tế cho thấy chẳng làm ăn gì nổi trước các lực lượng của chính phủ Tổng thống Bashar al Assad, ông Trump cũng quyết định rút toàn bộ 1.000 quân đặc nhiệm Mỹ khỏi Syria. Dù cho hành động này có mở đường cho quân Thổ Nhĩ Kỳ tràn vào Syria để tấn công lực lượng người Kurd, vốn là đồng minh chí cốt của Mỹ chống IS, thì cũng mặc. Ông Trump không muốn nước Mỹ tiếp tục sa chân vào những cuộc chiến vô nghĩa ở Trung Đông, như đã từng xảy ra ở Iraq. Nước Mỹ trên hết!

Căn nguyên sâu xa

Tuy nhiên, ai cũng hiểu rằng căn nguyên sâu xa khiến cho tình hình Trung Đông hiện tại “nóng hơn bao giờ hết” xuất phát từ mâu thuẫn thâm căn cố đế giữa Mỹ và Iran. Không chỉ “gây sốc” với Mỹ bằng cuộc cách mạng Hồi giáo cách đây mấy chục năm, trong thời gian gần đây, Iran vẫn luôn được coi là mối đe dọa lớn nhất đối với các lợi ích của Mỹ ở Trung Đông, đồng thời là kẻ thù không đội trời chung đối với các đồng minh khu vực chí cốt của Mỹ như Israel, Saudi Arabia. Iran bị Mỹ quy cho là đứng đằng sau các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực như phiến quân Houthi ở Yemen, Hezbollah ở Lebanon, thậm chí ở cấp quốc gia như quân đội của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al Assad.

Để đối phó với Iran, lựa chọn của Tổng thống Trump là xóa bỏ Kế hoạch hành động chung toàn diện JCPOA, đã được người tiền nhiệm tham gia cùng các nước thường trực Hội đồng Bảo an khác và Đức ký với Iran năm 2015. Theo lập luận của Mỹ, thỏa thuận này có “điều khoản hoàng hôn”, nghĩa là chỉ giới hạn năng lực phát triển vũ khí hạt nhân Tehran trong một thời hạn nhất định, không hạn chế khả năng phát triển tên lửa đạn đạo và cũng chẳng có điều khoản nào chế tài Iran ủng hộ các lực lượng ủy nhiệm của mình trong khu vực.

Tuy nhiên, Mỹ hiểu rằng một cuộc chiến tranh trực tiếp với Tehran là quá rủi ro. Thay vào đó, những biện pháp trừng phạt nghiệt ngã được Mỹ thực thi, tăng dần cấp độ nhằm bóp nghẹt nền kinh tế Iran. Ông Trump hy vọng rằng những biện pháp này sẽ dần khiến Tehran “ngấm đòn” và buộc phải ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ về một thỏa ước thay thế cho JCPOA, dĩ nhiên là với những điều khoản mới có lợi cho Mỹ.

Về phần Iran thì cũng không hề muốn có chiến tranh trực tiếp với Mỹ, một cuộc chiến nước này không thể thắng. Tuy vậy, trước những hành vi “bắt nạt” hay thậm chí là “khủng bố kinh tế” mà Tehran cáo buộc Washington nhằm vào mình, Iran không thể không tự vệ. Đó chính là những hành động phản ứng “dưới ngưỡng”, đủ để gây căng thẳng mà không dẫn tới chiến tranh. Một trong số đó chính là việc Iran khôi phục lại từng bước các hoạt động hạt nhân vốn bị cấm theo thỏa ước JCPOA: dự trữ hơn 300 kg uranihexafluorid, bắt đầu tiến hành làm giàu urani vượt mức cho phép... Vậy là diễn ra một cái vòng luẩn quẩn xung quanh thỏa ước JCPOA “cũ”: Mỹ đã rút khỏi thỏa ước này nhưng lại vẫn cứ yêu cầu Iran phải tuân thủ nó; Iran tuyên bố vẫn tham gia và yêu cầu các bên tôn trọng các cam kết, nhưng chính thức thừa nhận không còn tuân thủ nữa.

Ý tưởng gây sức ép tối đa hay hành động “dưới ngưỡng” để đạt mục đích trên bàn thương lượng là sai lầm và nguy hiểm bởi nó khóa chặt Mỹ và Iran trong một cuộc đối đầu không bên nào chịu thua. Nhiệm vụ tiếp tục duy trì một nền “hòa bình nóng” ở Trung Đông ngày càng trở nên khó khăn hơn, tuy không phải là không có khả năng do thái độ kiềm chế của các bên trong thời gian qua. Mấu chốt của tiến trình này là lập trường của hai bên phải được cân nhắc một cách hợp lý và thực tế. Chỉ có như thế, chiếc van của cái nồi hơi Trung Đông mới được tháo một cách từ từ và có kiểm soát.