Dấu ấn “vai trò kép” và " chính sách ngoại giao quyến rũ"

Lịch sử được lưu lại bởi những dấu mốc đặc biệt. Với ngoại giao Việt Nam, năm 2020 là một trong những dấu mốc đáng ghi nhớ. Cùng một lúc, Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò vừa là Chủ tịch ASEAN 2020, vừa là Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chứng kiến Lễ ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).Ảnh | ĐỨC ANH
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chứng kiến Lễ ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).Ảnh | ĐỨC ANH

Thể hiện tầm lãnh đạo mạnh mẽ trong khu vực
 
 Đây là lần đầu tiên Việt Nam đảm nhiệm “vai trò kép” như vậy. Sự trùng hợp này khá đặc biệt nhưng không phải là điều bất ngờ bởi đó là hệ quả tất yếu từ những nỗ lực không mệt mỏi của Việt Nam trong hàng thập kỷ qua, là kết quả của chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế mà Đảng ta khởi xướng và thực hiện thắng lợi. Nó cho thấy sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với vai trò và đóng góp thiết thực của Việt Nam vào công việc quốc tế và khu vực; thể hiện vị thế, uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế.
 
 Tuy nhiên, ngay cả trong cơ hội, lịch sử cũng luôn thử thách bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam. Thời điểm Việt Nam chính thức đảm nhiệm “vai trò kép” cũng là lúc thế giới và khu vực Đông - Nam Á phải đối mặt với thách thức chưa từng có là sự bùng nổ của đại dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19). Nhịp sống toàn cầu bị đảo lộn, kinh tế thế giới đình đốn, giao thông quốc tế tê liệt, nhiều vấn đề an ninh thế giới và khu vực phải tạm gác lại để nhường chỗ cho mối lo chặn dịch.
 
 Trong bối cảnh bất ngờ đó, với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã nhanh chóng chuyển chương trình cũng như trọng tâm nghị sự của ASEAN sang phòng, chống dịch bệnh. Covid-19 đặt ra thách thức chưa từng có thì việc đối phó cũng cần phải có những biện pháp chưa từng có tiền lệ. Dưới sự dẫn dắt của Việt Nam, rất nhiều cái “đầu tiên” đã được sáng tạo để khu vực thích ứng với biến động thời cuộc: Đó là Hội nghị Cấp cao ASEAN lần đầu tiên đã họp ba lần trong năm thay vì hai lần theo thông lệ; là nhiều hội nghị cấp cao, hội nghị cấp Bộ trưởng lần đầu được tổ chức trực tuyến; và đặc biệt, nhiều văn kiện quan trọng của ASEAN cũng được ký kết trực tuyến lần đầu tiên trong lịch sử.
 
 Không chỉ kiểm soát dịch bệnh một cách hiệu quả, Việt Nam còn chủ động, tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế để cùng nhau vượt qua đại dịch. Minh chứng cho vai trò chủ động và đầy trách nhiệm của Chủ tịch ASEAN 2020 là sáng kiến của Việt Nam triệu tập Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch Covid-19 vào tháng 4-2020. Chính từ đây, một loạt các biện pháp cụ thể ngăn dịch đã ra đời như: lập Quỹ ứng phó Covid-19, kho y tế dự phòng, xây dựng quy trình chuẩn về ứng phó dịch bệnh, kế hoạch phục hồi toàn diện sau dịch bệnh, chẳng những giúp khu vực đối phó hiệu quả hơn với Covid-19, mà còn đưa tinh thần của khẩu hiệu “Gắn kết và chủ động thích ứng” trở thành một thương hiệu của ASEAN thời đại dịch.
 
 Bằng ý chí kiên cường, hành động mạnh mẽ của cả cộng đồng ASEAN, sự hợp tác hiệu quả của các đối tác và tay lái vững vàng của “thuyền trưởng” Việt Nam, ASEAN đã vượt qua giông bão. Đến nay nhìn lại, có thể khẳng định năm Chủ tịch ASEAN 2020 đã thành công toàn diện, vang dội, trọn vẹn và thực chất. Giờ đây, Việt Nam không đơn thuần chỉ là thành viên nghiêm túc thực thi các thỏa thuận đã cam kết, mà trở thành chỗ dựa vững chắc, tin cậy của khu vực, nhất là trong thời khắc ASEAN phải đối mặt với thách thức như đại dịch Covid-19.
 
 Nhìn nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi đánh giá: “Việt Nam đã thể hiện tầm lãnh đạo mạnh mẽ trong việc dẫn dắt một phản ứng tập thể của khu vực trước đại dịch Covid-19”. Tờ tạp chí Diplomat số ra tháng 11-2020 thì dành riêng một bài viết về năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam. Với đầu đề “Chính sách ngoại giao quyến rũ”, bài viết ca ngợi: “Với sự sáng tạo đáng ngạc nhiên để biến điều không thể thành có thể, Việt Nam đã khéo léo đạt được sự đồng thuận trong khu vực cũng như với các đối tác, dựa trên nền tảng đối thoại trực tuyến chưa từng xảy ra trước đây”.
 
 
 Từ “tham gia tích cực” sang “chủ động góp phần định hình luật chơi”
 
 
 Tháng 1-2020, Việt Nam trở lại phòng họp Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) trong vai trò Ủy viên không thường trực, đồng thời đảm nhiệm luôn chức Chủ tịch HĐBA luân phiên trong tháng. Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam tham gia HĐBA (Việt Nam từng là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008 - 2009), vai trò và nhiệm vụ của các Ủy viên không thường trực cũng không có gì thay đổi so với trước, thế nhưng tình hình thì đã khác xa.
 
 Sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn đã khiến mức độ đoàn kết, thống nhất trong nội bộ HĐBA không còn được như 10 năm trước. Trong nhiều vấn đề, các nước lớn xung đột về lợi ích nên rất khó thống nhất. Trong khi đó, căng thẳng ở Trung Đông, châu Phi, Mỹ la-tinh không hề “hạ nhiệt”; 68 hồ sơ về các cuộc xung đột và hàng loạt những việc tồn đọng trong suốt 75 năm kể từ khi LHQ thành lập vẫn nằm trên bàn nghị sự.
 
 Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã trở thành thách thức toàn cầu chưa từng có tiền lệ. Không những tác động đến mọi mặt của đời sống quốc tế, nó còn làm lộ rõ thêm tinh thần đa phương đã bị xói mòn thế nào. Đối mặt với những thách thức của chính trị cường quyền, chủ nghĩa dân túy, suy giảm cam kết chính trị, quan điểm thực dụng..., chủ nghĩa đa phương và xu hướng hợp tác quốc tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
 
 Làm sao để vừa đưa ra quan điểm và sáng kiến thiết thực nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu, lại vừa cân bằng lợi ích của các bên liên quan là nhiệm vụ không hề dễ dàng với Việt Nam, nhất là khi các quyết định của HĐBA luôn gắn với những vấn đề đặc biệt quan trọng và nhạy cảm như chiến tranh và hòa bình, chống khủng bố, trừng phạt hay không trừng phạt...
 
 Tuy nhiên, lợi thế của Việt Nam thì ít nước nào có được. Từng phải trải qua hai cuộc chiến tranh, hơn ai hết Việt Nam hiểu rõ giá trị của hòa bình nên luôn phấn đấu hết mình cho sự tiến bộ của nhân loại. Cũng hiếm có nước nào lại có thể gác lại quá khứ, hàn gắn quan hệ hữu nghị và hợp tác với các “cựu thù” như dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, tuy không phải là nước lớn hoặc giàu mạnh, nhưng Việt Nam lại có thể tham gia một cách đáng tin cậy tại HĐBA.
 
 Trên thực tế, cùng với các nước Ủy viên không thường trực khác, Việt Nam đã trở thành cầu nối giúp nhóm P-5 (các nước Ủy viên thường trực HĐBA) có thể hiểu nhau hơn, từ đó giảm thiểu những bế tắc, đình trệ, kém hiệu quả tại HĐBA do sự bất đồng giữa những nước này. Không những thế, sự tham gia, đóng góp trách nhiệm và tiếng nói “có lý, có tình” của Việt Nam đối với những vấn đề tưởng như rất xa xôi ở châu Phi, Mỹ la-tinh, Trung Đông... đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Có thể nói, lá phiếu của Việt Nam đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề hệ trọng mang tính toàn cầu, định hình cho sự phát triển của thế giới tương lai.
 
 Từ diễn đàn LHQ, thế giới ngày càng thấy rõ hơn hình ảnh một Việt Nam đang vững bước đi lên với một tư thế mới, tư thế của người làm chủ và biết làm chủ vận mệnh của mình; với một vị thế mới, vị thế của một đất nước độc lập, tự chủ, hòa bình, ổn định đang trên đà phát triển; với một tầm ảnh hưởng mới, ảnh hưởng của một đối tác đang chuyển mạnh từ “tham gia tích cực” lên “chủ động đóng góp xây dựng, định hình các cấu trúc mới, luật chơi mới”, một đối tác luôn có trách nhiệm trong các “sân chơi” khu vực và toàn cầu.
 
 “Vai trò kép” đã đem lại một năm thành công với đối ngoại đa phương Việt Nam. Mở ra cơ hội tuyệt vời để chúng ta tiếp tục phát huy kinh nghiệm quý báu “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại” nhằm nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần thúc đẩy công cuộc phát triển đất nước, đưa Việt Nam vượt lên trong cuộc đua toàn cầu.