Đi & thấy

Có một nơi gọi là quê mẹ

Cứ đến những ngày này, ngôi làng nhỏ ở miền tây nam nước Pháp lại rộn ràng nhộn nhịp, người từ khắp nơi đổ về, nói cười hớn hở, chan hòa nước mắt.

Cảnh trong vở kịch Saigon Saigon của đạo diễn Caroline Nguyễn.
Cảnh trong vở kịch Saigon Saigon của đạo diễn Caroline Nguyễn.

Tôi có dịp ở cùng họ nhiều lần, nhiều ngày, có dịp được tham dự ngày lễ 15-8 cùng cả làng. Với tôi, họ là những người thân quen, dành nhiều tình cảm. Có một số người, tôi là kẻ giữ hộ những bí mật mà họ muốn kể ra cho nhẹ lòng. Kể với người xa lạ, chỉ gặp vài lần trong đời, có thể sẽ không bao giờ gặp lại nữa chắc cho họ cảm giác an toàn hơn.

Tôi gọi họ là anh là chị là bác là chú là vous là toi, nhiều danh xưng lắm, nhưng với tôi họ là hình ảnh của những người đồng hương xa quê, đau đáu về một nơi mà đôi khi họ không hề biết. Có người cả đời chưa đặt chân đến Việt Nam, tuy thế họ vẫn gọi là Quê hương tôi, quê mẹ tôi.

Họ là những người thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba của cộng đồng những người Việt được người Pháp gọi là “Người Pháp hồi hương từ Đông Dương”. Pháp ở đây là Pháp trên quốc tịch, Pháp trong quan hệ. Năm 1954, Pháp thua trận tại Đông Dương, năm 1956 những người có mối quan hệ với Pháp và làm việc cho nước Pháp được xuống tàu theo chân đội quân viễn chinh về nước. Các bà góa cùng con lai, binh lính cũ, công chức đã đi làm cho Pháp cũng được theo về. Nhiều người trong số họ chưa bao giờ biết nói một từ tiếng Pháp. Nhiều bà góa thậm chí không biết chồng mình, sau khi đến Việt Nam thì bị chuyển đi đâu, đánh trận tiếp tại châu Phi hay về nước. Quê chồng chỉ là một khái niệm xa vời.

Tôi đến ngôi làng này vào năm 2003, để tìm hiểu và chuẩn bị cho một bộ phim tài liệu sau này phát sóng trên truyền hình Pháp. Đi cùng với tôi là một bạn nhà báo Pháp đồng tác giả. Tôi không bao giờ có thể quên hình ảnh ngôi làng im lìm trong bóng đêm, không một ngọn đèn đường, không một bóng người, chỉ thấy văng vẳng tiếng TV Pháp phát ra từ những ngôi nhà, tiếng cải lương phát ra ở một góc làng. Cô liêu.

Trong câu chuyện mà những người phụ nữ góa bụa đến Pháp vào năm 1956 ấy, luôn là những nỗi nhớ thương quê hương, dằn vặt cắn rứt. Họ biết không thể ở lại với một đàn con lai không cha, họ quyết đi về nơi mà họ nghĩ an toàn hơn cho con mình, bất chấp những rủi ro hay cô đơn có thể xảy đến. Gặp tôi, họ chia sẻ nhiều nỗi niềm, kể về những tháng ngày lạnh lẽo cô đơn trong mùa đông nước Pháp. Tôi ngồi nghe họ kể, xem họ cuốn nem để gửi đi cho con, kho cá đóng gói để gửi bưu điện cho cháu. Trong rất nhiều câu chuyện tôi hầu như không thấy sự hiện hữu của nước Pháp, chỉ là con, quê nhà, con và quê nhà.

Sau lần làm phim ấy, tôi trở thành người quen của ngôi làng. Tôi có thể đến và đi lang thang ở đây, nói chuyện với nhà này, ngồi ăn cơm với nhà khác. Nhiều người thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba, nghĩa là sinh ra ở Việt Nam và lớn lên ở Pháp hoặc sinh ra và lớn lên ở Pháp đã coi tôi là bạn. Người bạn mang hình ảnh về một nơi mà họ ít được biết nhưng là một phần máu thịt mà họ luôn mong muốn được biết.

“Tôi vĩnh viễn là thằng Coóc”, một ông già mắt xanh lơ, mặt không một nét Việt Nam đã nói đi nói lại với tôi như thế khi tôi gọi ông là Marxell. Ông bảo Marxell là cái tên mà một viên chức hành chính Pháp đã đặt cho ông năm ông 18 tuổi để đi lính, trước đấy mẹ ông gọi ông là Coóc, bà ngoại ông gọi ông là Coóc. Corse là tên quê hương bố của ông - một người mà ông không bao giờ biết mặt, đã tạt qua cuộc đời mẹ ông trong những ngày chinh chiến. Marxell đã cho ông một công việc, một chỗ nương thân, nhưng Coóc mới chính là mối dây khiến ông cảm thấy mình có một thân phận, một gốc gác cuộc đời.

Trong nhiều lần tiếp xúc với cộng đồng những người Pháp hồi hương ở ngôi làng Cafi này, tôi luôn cố để tránh những cảm xúc bi lụy có thể làm mất đi sự tỉnh táo nghề nghiệp, để có thể lắng nghe và phân tích điều gì đã mang đến tâm trạng thương nhớ quê hương - một quê hương với nhiều người chỉ là cái tên.

Cho thế hệ đầu tiên, thế hệ của những bà góa và binh lính hay công chức Pháp, chuyện này thật dễ hiểu. Rời quê hương Việt Nam, thường là những thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, đến Pháp và được đưa vào một ngôi làng - gọi thế là theo cách của những người sống ở đây chứ kỳ thực là một trại lính cũ, có hàng rào thép gai chung quanh, và bị nước Pháp bỏ quên ở đấy nhiều năm. Vật lộn để sống và nuôi con, không đi đâu xa hơn 5 km - thì nhớ thương hẳn là tài sản - tài sản này chỉ lớn sau con cái và như một neo thuyền để tựa vào, có chỗ bám víu để tâm hồn đỡ lênh đênh.

Cho thế hệ thứ hai và ba, việc yêu thương một nơi mà họ không biết, là điều khiến tôi luôn muốn tìm hiểu. Có những khu vườn trồng toàn rau Việt Nam ở ngoại ô Paris chỉ để giống khu vườn của mẹ. Có những người đàn ông cả đời đi học xa, hòa nhập vào xã hội Pháp để rồi cuối đời lại mua một mảnh vườn ngay gần ngôi làng, ngày ngày vào ăn tô phở và nói tiếng nửa Pháp nửa Việt. Có những bạn trẻ, đã qua đến mấy thế hệ, pha trộn thêm dòng máu Đức, Anh, vào huyết quản, vậy mà 15-8 - ngày được gọi là hội làng vẫn theo cha mẹ, hoặc một mình tìm về Cafi để thấy được một phần gốc rễ của mình trong hình ảnh những bữa ăn, giai điệu âm nhạc - thì gốc rễ quả thật là điều gì đó thật kỳ bí.

Năm 2018, nhiều người Pháp nô nức đi xem vở kịch Saigon Saigon, rồi Saigon Saigon lại đi lưu diễn ở nhiều nước khác trên thế giới, cả ở Việt Nam. Ít ai biết Caroline Nguyễn - biên kịch và đạo diễn của vở kịch này là thế hệ thứ ba của những người đã xuống thuyền vào năm 1956 ấy. Cô lớn lên bằng những câu chuyện của bà, của mẹ, nước mắt nhiều hơn niềm vui và Saigon Saigon là cách mà cô muốn mọi người biết đến câu chuyện của gia đình cô, thế hệ của bà của mẹ cô, như một cách mà cô trả ơn họ cho phần giàu có trong mình. Nguyễn là họ mà cô lấy từ mẹ, giữ lại để nó không biến mất.

Tuy vậy, không phải lúc nào gốc rễ cũng được nói đến một cách dịu dàng. Nhiều lần tôi chứng kiến những cuộc tranh luận của những người hay về Việt Nam với những người chưa về Việt Nam. Cũng có lần tôi là đối tượng để tranh luận. Rằng tại sao chúng tôi không phải người Việt Nam, rằng tại sao không ai biết đến chúng tôi. Cũng có lần giữa Saigon tôi gặp người Cafi về sinh sống. Giữa Đà Nẵng cũng có người Cafi về sinh sống, như vậy rằng dù có dỗi có buồn thì nỗi nhớ thương vẫn thắng. Những đau đáu vẫn hiện hữu.

Đôi khi tôi nghĩ quê hương thật may mắn, được yêu vô điều kiện như thế thật may mắn. Ngay cả khi không phải lúc nào cũng là nỗi nhớ thương, mà cả day dứt lẫn giận hờn thì vẫn là một điều may mắn. Người ta phải thấy quý giá lắm, gắn bó căn cốt lắm thì mới đau đáu về một nơi mà họ chưa bao giờ hiện diện, trong ghi chép lịch sử cũng như trong câu chuyện đời sống.

Quê hương may mắn, liệu có một khái niệm thế không?