Xu hướng

Châu Á: Nỗ lực ngăn chặn viễn cảnh "thế giới nước"

Nước biển dâng do biến đổi khí hậu gây nên cùng với sụt lún đất đang là vấn đề cấp bách trên toàn châu Á. Gần đây, chính phủ Indonesia thông báo sẽ chuyển thủ đô ra khỏi Jakarta, một trong những nguyên nhân chủ yếu đó là đô thị này có nguy cơ sẽ chìm nghỉm dưới nước chỉ trong vòng ba chục năm tới.

Dựng cột bê-tông ngoài vùng biển quận Bang Khunthian (Bangkok) chống xói mòn.
Dựng cột bê-tông ngoài vùng biển quận Bang Khunthian (Bangkok) chống xói mòn.

Nguy cơ cận kề

Các nhà khoa học dự báo rằng nước biển sẽ dâng từ 0,3 tới 2,5 mét vào năm 2100. Điều này khiến nhiều vùng ven biển gặp nguy hiểm gây thảm họa tiềm tàng cho các thành phố lớn. Trong 10 thành phố chính bị đe dọa nhiều nhất bởi nước biển dâng có tới bảy thành phố ở châu Á. Đứng đầu danh sách là Jakarta, nơi một số vùng đã thay đổi tới ba mét trong vòng ba thập niên qua (bao gồm nước biển dâng và tỉ lệ đất bị sụt lún). 40% vùng đô thị Jakarta với 30 triệu dân giờ nằm dưới mực nước biển. Bộ nghề cá và biển của Indonesia ước tính đất nước mất gần 1950 ha đất ven biển hằng năm. Giờ đây Jakarta bị ngập nước thường xuyên từ triều cường, đang chìm xuống 25 cm so với thập niên vừa qua. Đây là một trong những lý do khiến chính phủ quyết định dời thủ đô tới Đông Kalimantan ở Borneo vào năm 2024.

"Mối đe dọa nước biển dâng đang ngày càng tăng. Nhiều thành phố chìm xuống nhanh hơn khiến vấn đề trở nên cấp bách, Jarkarta là một thí dụ", ông John Englander, chủ tịch Viện mực nước biển quốc tế nói.

Mực nước biển trung bình dâng lên 23 cm từ năm 1880, trong đó 7,5 cm là trong vòng 25 năm qua, theo một bài báo trên National Geographic. Báo cáo gần đây của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu dự đoán mực nước biển sẽ tăng từ 30-80 cm từ giờ cho đến năm 2100.

Thành phố Bangkok, Thái Lan, một nghiên cứu do Hội đồng tái thiết quốc gia năm 2015 cho thấy thành phố có nguy cơ bị chìm xuống trong chưa đầy 15 năm tới nếu không có những hành động cần thiết. Ngân hàng thế giới dự đoán 40% Bangkok có thể bị nhấn chìm dưới những làn sóng vào năm 2030. Theo Anond Snidvongs của Hãng phát triển công nghệ vũ trụ và tin học địa lý, phần lớn Bangkok đã thấp hơn mực nước biển và thành phố vẫn chìm xuống một hoặc hai cm mỗi năm.

Manila thủ đô của Philippines cũng trong tình trạng tương tự, chìm xuống với tốc độ 10 cm hằng năm. Theo kịch bản tệ nhất Manila có thể phải đối mặt với hai mét triều dâng vào năm 2100 nếu hiệu ứng khí nhà kính vẫn chưa được kiểm soát và nhiệt độ toàn cầu tăng vọt lên 5oC ảnh hưởng đến 62% dân Philippines, những người cư ngụ ở vùng đất thấp ven biển. Nguyên nhân chủ yếu là do việc sử dụng nước ngầm thiếu kiếm soát, do những cánh đồng thâm canh lúa nước ở ngoại thành, các sân gôn và bể bơi. Chính phủ Philippines cũng đã thực hiện các dự án lấn biển quanh Manila nhưng các nhà khoa học và những người lập kế hoạch lo ngại rằng những dự án này sẽ chỉ làm tăng sự mở rộng tràn lan của đô thị, tạo thêm áp lực lên nguồn nước.

Việt Nam đứng thứ ba về phần trăm đất mất do xói mòn và thảm họa thiên tai từ năm 1961 (4,7%), theo một biểu đồ của Statista vào năm ngoái. Thành phố Hồ Chí Minh là nơi có nguy cơ cao. Ông Gilles Erkens từ Deltares, một viện nghiên cứu độc lập ở Hà Lan nói rằng thành phố đông dân nhất Việt Nam chìm xuống 50 cm trong vòng 25 năm qua. Phía nam thành phố đã ở dưới mực nước biển 160 cm trong lúc đó triều cao nhất đạt 172 cm.

Không như những hàng xóm Đông - Nam Á khác, Singapore không bị đe dọa trực tiếp bởi sự sụt lún do nước biển dâng. Trong kịch bản tệ nhất, nếu nhiệt độ toàn cầu tăng lên 4oC và nước biển dâng 9,5 m, 745.000 người Singapore trong số năm triệu người sẽ ở dưới mực nước biển. Tuy nhiên chính phủ Singapore đã đánh thuế carbon và sẽ yêu cầu những cơ sở hạ tầng then chốt trong tương tai như cổng sân bay và cảng mới được xây dựng trên vùng đất cao hơn. Đầu năm nay chính phủ nói rằng sẽ chi 400 triệu đô-la Singapore trong vòng hai năm tới nhằm nâng cấp và duy trì cống thoát nước và tăng cường khả năng phục hồi sau lũ. Singapore cũng lên kế hoạch lấn biển và cải tạo các đảo ngoài khơi, gia cố vùng duyên hải với đê biển và sườn đá, những túi cát được đặt tại các vị trí trọng yếu nhằm ngăn ngừa xói mòn đất.

Châu Á: Nỗ lực ngăn chặn viễn cảnh "thế giới nước" ảnh 1

Ngập lụt ở Jakarta (Indonesia).

Hệ lụy khổng lồ

Ước tính 54% người châu Á cư ngụ ở vùng đất thấp ven biển, nhiều chính phủ và các tổ chức môi trường đã hành động nhằm cứu những vùng đất sụt lún và có những biện pháp ngăn ngừa viễn cảnh các thành phố bị nhận chìm. Tuy nhiên cuộc chiến sẽ khó khăn và đắt đỏ. Xây dựng một thủ đô mới ở Indonesia sẽ tiêu tốn khoảng 32,7 tỷ USD, nhưng để giảm nhẹ vấn đề sụt lún và nước biển dâng cần 40 tỷ USD nữa. Mục đích nhằm xây dựng đảo nhân tạo như là bộ đệm cho đê biển. Ở Singapore, bảo vệ quốc gia chống tại nước biển dâng chi phí khoảng 72 tỷ USD hay hơn trong vòng 100 năm, Thủ tướng Lý Hiển Long nói trong tháng 8 vừa qua.

Một trong những thách thức xã hội lớn nhất là việc di dân do biến đổi khí hậu. Ngân hàng thế giới nói rằng nước biển dâng một mét sẽ khiến 37 triệu người phải thay đổi chỗ ở, còn ba mét sẽ làm thay đổi cuộc sống của 90 triệu người.

Điều này dẫn tới khủng hoảng di cư nếu các thành phố không có phương án đối phó hiệu quả, đặc biệt khi cơ sở hạ tầng, dịch vụ và các cơ hội việc làm ở những thành phố nhỏ hơn và vùng nông thôn không sẵn sàng đối mặt với dòng người đổ về.

Những tác động lớn khác là sự mất đất canh tác, Đông - Nam Á sản xuất tới 88% nguồn cung gạo thế giới với phần lớn trong số đó cho nhu cầu tiêu thụ trong nước. Điều này sẽ dẫn tới kết quả không chỉ đất nông nghiệp bị ngập lụt mà còn tăng độ nhiễm mặn sẽ làm cho nông nghiệp không phát triển được.

Mặt khác, theo Ngân hàng phát triển châu Á, thảm họa tự nhiên từ biến đổi khí hậu sẽ làm mất của Philippines, Thái Lan và Việt Nam 6,7% GDP mỗi năm trong thế kỷ tới. Cũng sẽ có khả năng phải mất 864 tỷ USD để xây dựng tài sản bị nước biển dâng cướp đi ở 23 thành phố châu Á.

Làm gì để ứng phó?

Có nhiều giải pháp nhằm giảm nhẹ những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra tùy theo điều kiện của mỗi vùng. Nhiều nước học theo kinh nghiệm của vùng đất thấp Hà Lan, nổi tiếng với những con đê, máy bơm và đụn cát được dựng dọc bờ biển để ngăn chặn nước biển dâng. Jakarta cũng bắt đầu xây dựng đê biển với sự giúp đỡ của kỹ sư Hà Lan. Đê biển tuy vậy cũng có khiếm khuyết bởi khi có vấn đề sẽ gây nên hậu quả khủng khiếp. Chúng cũng tạo nguy cơ cho đời sống sinh vật biển. Giải pháp khác là rừng ngập mặn mà rất nhiều trong đó đã bị phá bỏ để tạo đường đi cho những thành phố lớn ở châu Á ngày nay. Nghiên cứu của Đại học Southampson đã chỉ ra rừng ngập mặn giúp chống xói mòn và ngăn nước biển xâm nhập sâu vào đất liền.

Một ý kiến căn bản là xây những cấu trúc vừa ở trên cạn vừa dưới nước. Giáo sư Wong Poh Poh ở đại học Adelaide (Australia) chia sẻ với Straits Times rằng Singapore nên xây dựng căn nhà gắn với đất nhưng có thể nổi khi lũ tràn đến. Nếu tất cả thất bại thì một lựa chọn nữa là di dân. Indonesia sẽ chuyển thủ đô khỏi Jakarta với 1,5 triệu nhân viên chính phủ, gia đình của họ và những người liên quan tới nơi mới, đây sẽ là một công việc khổng lồ.

Mới đây một giải pháp đòi hỏi mức độ sáng kiến và tham gia của chính phủ cao hơn. Theo quan điểm của ông Englander, bằng việc tạo ra thay đổi trong việc xây dựng các mã và sự phân vùng để liệu trước sự ngập lụt trong tương lai. "Lụt lội sẽ tệ hơn do mưa to và bão mạnh trong vòng 30 năm tới, khi nước biển dâng tăng mạnh nó sẽ dẫn tới lụt lội khủng khiếp", ông nói.

Ông gợi ý những nhà xây dựng phải lên kế hoạch để các dự án của họ chịu được một hoặc hai mét ngập lụt. Các tòa nhà và cơ sở hạ tầng thiết yếu và đắt đỏ nên được lên kế hoạch một cách dè dặt hơn. "Thậm chí nếu không có hành động từ phía chính phủ, các cá nhân và doanh nghiệp vẫn có thể xây dựng nhằm dự liệu những cơn lụt lội trong tương lai", ông nói.