Bóng ma chết chóc ở Quan Độ

Vụ nổ kho phế liệu khiến hai cháu bé thiệt mạng và chín người khác bị thương tại thôn Quan Độ (xã Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh) có lẽ chính là câu trả lời đau xót cho sự bất chấp “phát triển” bằng mọi giá! Một nỗi đau lớn đã đi qua nhưng liệu Quan Độ sẽ thay đổi?

Những xe đạn phế liệu như thế này sẽ còn mãi ám ảnh người dân Quan Độ.
Những xe đạn phế liệu như thế này sẽ còn mãi ám ảnh người dân Quan Độ.

“Nghĩa địa” của nền công nghiệp

Thôn Quan Độ trước đây khá nghèo, người dân hầu như chỉ làm nông nghiệp và có một nghề phụ không kém nổi tiếng nữa là làm men rượu. Thứ men rượu từ làng Quan Độ vốn nổi tiếng cả một vùng Kinh Bắc trước đây và mang lại thu nhập kha khá cho người dân. Nhưng kinh tế của làng bắt đầu thật sự khởi sắc khi người dân nơi đây “bén duyên” với nghề thu mua phế liệu. Cũng không ai biết “ông tổ” của nghề này ở đây là ai nhưng đây là một nghề đem lại lợi nhuận “khủng” cho người dân nơi đây. Bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ trước, nhiều người dân trong làng đã gây dựng những mối hàng đầu tiên. Ban đầu một vài hộ thu mua máy móc thanh lý về mổ, xẻ, phân loại để cung cấp nguyên liệu cho các làng nghề tái chế nhôm, đồng... Rồi cứ người nọ theo người kia buôn bán đủ các loại phế liệu đưa về làng. Thì ra, trong rác vẫn có vàng, người dân vẫn còn tìm thấy trong những đống phế liệu bỏ đi ấy những thứ có thể mang lại tiền bạc cho mình. Nhiều nhất lúc ấy phải kể đến là những thiết bị điện không còn sử dụng được như dây điện, biến áp, mô-tơ, dây cáp... tất thảy được mang về đây, được người dân biến thành những sản phẩm có thể bán được. Những nhà có “nguồn cung” lớn thì thành lập doanh nghiệp, thuê 5 - 7 người làm, nhặt nhạnh, phân loại và tìm mối mua, được giá là bán. Nhà không có điều kiện thì mua một vài loại máy móc thô sơ về tách từng thành phần trong phế phẩm như nhựa, đồng, chì... để bán cho các đơn vị tái chế. Cũng chẳng phải đâu xa, thôn Mẫn Xá ở ngay bên cạnh chính là nơi thu mua hầu hết những sản phẩm từ Quan Độ. “Buôn có bạn, bán có phường” nhìn nhận ở xã Văn Môn là “chuẩn chỉ” nhất.

Ra ngõ gặp... giám đốc

Theo ước tính của Phó Chủ tịch UBND xã Văn Môn Nguyễn Hoàng Gia, đến nay, toàn thôn Quan Độ có khoảng hơn 100 hộ làm đầu mối thu mua phế liệu và khoảng 30 - 40 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Có thể nói không ngoa rằng, ở thôn Quan Độ cứ ra ngõ là gặp... giám đốc. Tuy nhiên, số “giám đốc” này cũng biến động thất thường và bản thân ông Phó Chủ tịch xã cũng không thể nắm hết được số lượng cụ thể. Nhiều trường hợp làm giám đốc theo vụ việc, tức là khi có nhu cầu để mua hàng, làm các thủ tục thanh toán hợp pháp thì thành lập doanh nghiệp, còn khi không còn cần thiết nữa thì tự động giải thể. Cũng vì thế, những “giám đốc” thậm chí chưa học hết cấp I ở đây khá nhiều.

Nghề buôn bán phế liệu cũng làm đổi sắc thôn Quan Độ trong những năm gần đây. Số người nắm trong tay tiền tỷ ở thôn khá nhiều. Một lao động bình quân ở thôn Quan Độ có thể có thu nhập khoảng 6 - 7 triệu đồng/tháng là chuyện bình thường. Không những thế, Quan Độ còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động ở các vùng chung quanh nữa. Nhưng sự phát triển nóng của thôn đang khiến khá nhiều người lo ngại. Khi vụ nổ đạn dược ở thôn Quan Độ xảy ra, không ít người dân nơi đây cho rằng vận đen đang “ám ảnh” vùng đất này bởi trước đó chưa đầy một tháng, Trường tiểu học Văn Môn ở gần đó bị sập lan can khiến cho 16 học sinh phải nhập viện. Cũng trong vòng khoảng hơn một tháng gần đây liên tiếp xảy ra hai vụ cháy lớn trên địa bàn thôn Quan Độ gây thiệt hại lớn về tài sản. Và vụ nổ kho đạn đã cướp đi hai sinh linh nhỏ bé đồng thời gây thương tích nặng cho chín người khác. Xa hơn chút nữa, cách đây hơn 10 năm, chính một người em “đồng hao” của ông Nguyễn Văn Tiến (chủ kho phế liệu phát nổ ngày 3-1 vừa qua) khi dùng đèn xì để cắt một quả bom ở tại kho phế liệu của ông, tưởng đã rút hết thuốc nổ nhưng đã bị quả bom phát nổ khiến cho một phần cơ thể bay biến và chết ngay trên đường đưa đến bệnh viện...

Bí mật trong nghề

Kinh doanh trong nghề phế liệu lâu năm, người dân Quan Độ rút ra được nhiều bài học. Một trong những bài học đó là luôn phải tìm cho mình một mối hàng độc, không phải cạnh tranh với ai. Phế liệu tưởng chỉ là những thứ bỏ đi nhưng cũng có sự tổ chức, phân phối một cách khá chặt chẽ. Nhất là đối với phế liệu từ các đơn vị, các ngành thì luôn phải biết “nuôi” quan hệ cho tốt. Với những mối hàng liên quan đến phế liệu trong lĩnh vực quân sự quốc phòng là cực lớn nhưng không phải ai cũng có “mối”. Tính ra cả thôn Quan Độ chỉ có hai người là ông Nguyễn Văn Tiến và một người nữa. Mặt hàng cực kỳ đa dạng như những máy móc lâu ngày đã hỏng, những vỏ bom, mìn đã được xử lý, những đầu máy, ô-tô hỏng cũ không thể sử dụng được, cho đến cả một lượng lớn bom, mìn, đạn... đào lên từ lòng đất đã được xử lý bằng cách rút hết thuốc nổ rồi bán ra bên ngoài.

Trưởng thôn Nguyễn Văn Lý cũng là một trong những người đầu tiên cùng với Nguyễn Văn Tiến tham gia vào “đường dây” thu mua phế liệu quốc phòng. Ông Lý còn nhớ rất rõ, đó là vào những năm 90 của thế kỷ trước, ông và Nguyễn Văn Tiến khi đó đều là những người “tay trắng” nhưng nhờ “quan hệ tốt” đã mua được một lô hàng chục chiếc xe xích cũ, hỏng của một đơn vị quân đội. “Phi vụ” đó thành công nhưng ông Lý không có tiền và có “gan” để tiếp tục cuộc chơi.

Bóng ma chết chóc ở Quan Độ ảnh 1

Hiện trường sau vụ nổ.

Sau này, khá nhiều người trong thôn biết tiếng gia đình ông Nguyễn Văn Tiến là đầu mối thu mua được khá nhiều những phế liệu “khủng” trong lĩnh vực quân sự quốc phòng. Nhiều năm trước, người ta còn thấy cả những đầu, cánh máy bay, tên lửa, xe tăng... cũ nát được kéo về kho hàng nhà ông. Theo nhiều người dân nơi đây, ông Tiến là một trong những người giàu có nhất ở thôn Quan Độ, hiện đang sở hữu ngôi nhà gần chục tầng ở thị xã Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) và một số mảnh đất khác.

Khó quản

Mặc dù ở sát khu vực xảy ra vụ nổ ngày 3-1, nhưng bà Nguyễn Thị Thoa không hề biết rằng bà đang sống bên cạnh một kho vũ khí khổng lồ với khoảng bảy tấn đạn dược được để lộ thiên giữa sân. “Tôi không hề biết là bên nhà ông Tiến chuyển về khi nào. Có lẽ ông ấy chuyển vào thời điểm buổi tối, bằng các loại xe tải nhỏ, đậy kín nên cũng chẳng ai biết. Với lại, ở đây ai có việc người đó, không ai quan tâm lắm đến việc ai mua, bán cái gì. Chỉ nghĩ đơn giản nó là phế liệu thì ai để ý”, bà Thoa cho biết. Không chỉ bà Thoa, kể cả đại diện chính quyền xã Văn Môn cũng “lắc đầu” khi phóng viên hỏi về việc quản lý các cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn. Ông Nguyễn Hoàng Gia, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Môn cho biết: Đây không phải là việc của xã. Việc đó hầu như vượt tầm của cấp xã quản lý. Và người ta mang về tối thì mình cũng không biết được. Chúng tôi cũng không được phép để kiểm tra các mặt hàng về địa phương là hàng gì, có ô nhiễm hay không, có nguy hại đến con người hay không. Nghi ngờ thì phải có các lực lượng chức năng khác kiểm tra mới được”, ông Gia nói.

Quan Độ sau vụ nổ, không khí nặng nề vẫn bao trùm cả thôn vốn trước đây luôn rất nhộn nhịp. Bà Nguyễn Thị Thoa cho biết, do lo ngại cho việc có thể phát nổ nữa, bà đã phải cho cháu nội của bà đi “sơ tán” ở nơi khác. Nhiều người trong thôn Quan Độ cũng ở trong tình trạng “lo ngay ngáy” vì những nguy cơ cháy, nổ xảy ra ở nơi đây.

Còn Trưởng thôn Quan Độ Nguyễn Văn Lý không khỏi bùi ngùi khi nhắc đến những cái giá mà Quan Độ đang phải trả cho sự phát triển “nóng” nhưng thiếu đi sự quản lý chặt chẽ từ phía chính quyền địa phương. Đặc biệt, với ý thức của người dân vẫn còn chủ quan, chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt mà quên đi cái hại lâu dài thì Quan Độ còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ chết người. “Hiện nay, lượng dầu mỡ từ phế thải từ hàng chục năm nay đã ngấm vào nguồn nước của Quan Độ trong khi người dân ở đây chủ yếu dùng nước giếng chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân mà số người chết vì ung thư ngày càng tăng là một thí dụ điển hình. Tôi thống kê trong số hơn 10 người chết trong năm nay của thôn Quan Độ thì có đến tám người chết do ung thư. Việc quản lý các đồ phế thải cũng rất lỏng lẻo khiến cho liên tiếp xảy ra các vụ hỏa hoạn lớn đến mức xe chữa cháy hết sạch cả nước vẫn không dập tắt được. Đặc biệt vụ nổ vừa qua cho thấy các cấp chưa quản lý các phế liệu chứa vật liệu nổ ra, vào trong thôn mới để xảy ra tình trạng đau xót như vừa qua. Hy vọng là qua vụ nổ vừa rồi, các cấp, các ngành chức năng quan tâm, quản lý chặt hơn lĩnh vực mua bán phế liệu để người dân chúng tôi yên tâm sinh sống”, ông Lý nói.