Tây Nguyên vượt “bão” Covid-19 (kỳ cuối)

NDO -

NDĐT - Trong những ngày cả nước chung tay chống dịch Covid-19, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã và đang lan tỏa những việc làm ấm áp tình người. Mùa dịch đầy hiểm nguy với những diễn biến và hậu quả khó lường, nhưng mọi người đang siết chặt tay nhau đi qua những ngày gian khó…

Bà Vũ Thị Tươi ở Bảo Lộc, Lâm Đồng, trao quà chia sẻ với người nghèo.
Bà Vũ Thị Tươi ở Bảo Lộc, Lâm Đồng, trao quà chia sẻ với người nghèo.

Kỳ 4: Mùa san sẻ yêu thương

Chúng tôi bắt đầu bằng câu chuyện cảm động về hai cháu học sinh tiểu học, một ở huyện M’Đrắk (Đắk Lắk) và một ở huyện Lạc Dương (Lâm Đồng). Cháu trai tên là Phạm Quốc Hùng, học sinh lớp 5A, Trường tiểu học Ngô Gia Tự ở xã vùng sâu Krông Á, đã tự tay đập con heo đất lấy tiền tiết kiệm của mình được 1,26 triệu đồng rồi nhờ bố trao tặng số tiền cho đại diện Ủy ban MTTQVN xã. Cháu Hùng hồn nhiên nói: “Thời gian gần đây, qua xem trên ti-vi và được bố mẹ kể về những khó khăn, vất vả của các cô chú bộ đội phải ngủ ở ngoài rừng, đường mòn, trong các lán tạm, nhường chỗ cho người dân cách ly rồi các cô chú bác sĩ, y tá vất vả chăm sóc bệnh nhân… nên cháu rất cảm động. Vì vậy, cháu đã dành toàn bộ số tiền tiết kiệm được từ tiền lì xì Tết và nhịn ăn quà vặt hằng ngày bố mẹ cho để ủng hộ với mong muốn góp chút sức nhỏ bé sớm chiến thắng dịch bệnh Covid-19”.

Còn cháu gái Phạm Nguyễn Bảo Trân mới 12 tuổi, ngụ tại thị trấn Lạc Dương, cũng đã xin bố mẹ đập heo đất tiết kiệm và cầm toàn bộ số tiền hơn 2,2 triệu đồng, nhờ mẹ chở đến trụ sở Công an thị trấn, ủng hộ các lực lượng chức năng chống dịch.

“Lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều” đang là những câu chuyện cảm động lan tỏa trên khắp miền rừng núi Tây Nguyên trong những ngày này. Chị Nguyễn Thị Thúy (26 Ngô Thì Nhậm, phường 4, TP Đà Lạt) có công việc thường ngày là làm bánh chưng, bánh tét đi bán dạo. Khi xảy ra dịch, chị cùng hai người em gái là chị Nguyễn Tưởng Ngân, Nguyễn Lệ Khuyên đã chung tay, nấu và phát miễn phí những chiếc bánh nghĩa tình, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, không có thu nhập trong mùa dịch. Cầm đòn bánh trên tay, ông Nguyễn Văn Long (60 tuổi, trú phường 4, TP Đà Lạt) cảm ơn tấm lòng thơm thảo của ba chị em chị Thúy. Ông cho biết, vì dịch bệnh nên ông tạm ngừng chạy xe ôm, kế sinh nhai bị gián đoạn thì những đòn bánh như thế này thật đáng quý.

“Ban đầu, chị em tôi không biết làm cách nào để những chiếc bánh của mình đến với những hoàn cảnh khó khăn, sau đó tôi viết tấm bảng “Bánh tét miễn phí mùa dịch Covid-19” gắn vào xe đạp, rong ruổi chở bánh đi để ai cần thì lấy”, chị Thúy nói.

Tây Nguyên vượt “bão” Covid-19 (kỳ cuối) ảnh 1

Đoàn viên, thanh niên các tỉnh Tây Nguyên tuyên truyền chống dịch

Anh Nguyễn Tiến Đạt là chủ cơ sở kinh doanh khách sạn Dâu Tây tại đường Ngô Quyền (phường 4, TP Đà Lạt), ngoài kinh doanh khách sạn, anh Đạt có chín phòng trọ cho thuê. Cám cảnh sự vất vả mưu sinh của người thuê trọ trong mùa dịch, anh đã giảm một nửa tiền thuê giúp họ vượt qua khó khăn. Anh Đạt chia sẻ: “Lúc này, nhiều người đang gặp khó khăn về thu nhập, mình chỉ muốn giúp một phần nhỏ để cuộc sống của họ ổn định hơn”.

Bà Vũ Thị Đấu, 74 tuổi (ngụ tại thị trấn Lạc Dương, Lâm Đồng) quyết định cầm năm triệu đồng tiền bà dành dụm từ việc trồng rau, nuôi gà, nhờ cháu chở lên UBND thị trấn để ủng hộ. Anh Nguyễn Thanh Quang (ngụ 36 Nguyễn Trãi, Phường 10, TP Đà Lạt), quyết định dành một số tiền mua gạo, mì tôm, nước tương phát cho người cần giúp. Anh Vũ Hoàng Quốc Đạt ở TP Bảo Lộc cũng vận động người thân, bạn bè góp cùng mình được 300 phần quà gồm ba tấn gạo, 300 thùng mì tôm, 600 khẩu trang, 600 chai dung dịch sát khuẩn, phát cho những người bán vé số, khi nghe tin có quyết định dừng phát hành xổ số đến hết ngày 15-4. Cũng ở Bảo Lộc, bà Vũ Thị Tươi mỗi ngày chuẩn bị 50 phần quà, gồm: rau, củ, quả, trứng, bánh kẹo… tặng người nghèo, giúp họ vơi bớt khó khăn trong mùa dịch…

Khi cuộc chiến chống dịch đang vào giai đoạn cam go, quyết liệt nhất, thì những hành động thiết thực và việc làm ý nghĩa của nhiều tầng lớp nhân dân đã góp phần tăng thêm niềm tin, sức mạnh để chiến thắng đại dịch.

Ông Hồ Văn Điềm, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN Gia Lai, thông tin, những ngày qua, rất nhiều doanh nghiệp, đơn vị đã ủng hộ nguồn lực góp phần chung tay vào công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ông Điềm trưng danh sách: Công ty TNHH MTV Xăng dầu Bắc Tây Nguyên ủng hộ 100 triệu đồng; Công ty Cổ phần Khoa học Quốc tế Trường Sinh (phường Yên Thế, TP Pleiku) ủng hộ 500 thùng nước uống thảo dược trị giá 150 triệu đồng; Công ty Điện lực Gia Lai ủng hộ 100 triệu đồng; Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Gia Lai trao số tiền hơn 100 triệu đồng do tăng ni, phật tử đóng góp… Các tỉnh khác tại Tây Nguyên cũng đã phát đi lời kêu gọi và nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và nhân dân.

Ngoài đóng góp nguồn lực tài chính, trên địa bàn Gia Lai cũng đã và đang có nhiều hành động thiết thực khác. Từ những ngày đầu tháng 3, Hội LHPN huyện Đak Pơ vận động hội viên và các tổ chức, cá nhân ủng hộ nguồn nguyên liệu, may khẩu trang phát miễn phí cho người nghèo, đồng bào DTTS. Việc làm ý nghĩa này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực và ngày càng được nhân rộng. Cả tháng nay, căn nhà nhỏ của chị Đinh Thị Tram (làng Groi, xã Ya Hội) rộn tiếng máy may. Chị Tram cho biết: “Khi Hội LHPN xã kêu gọi may khẩu trang ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19, gia đình làm nghề may nên tôi đồng ý luôn. Do chị em trong làng đi làm vào ban ngày nên chỉ tập trung may vào buổi tối. Lúc đầu, làm chưa quen nên nhiều người may còn chậm. Nhưng nhờ cùng bảo ban nhau, mỗi đêm chúng tôi may được hơn trăm chiếc khẩu trang”.

Tây Nguyên vượt “bão” Covid-19 (kỳ cuối) ảnh 2

Nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Lâm Đồng sản xuất dung dịch khử trùng phát miễn phí.

Bà Nguyễn Thị Thuấn (thôn Tân Lập, xã Tân An) cũng cùng mọi người góp sức may khẩu trang khi Hội LHPN xã phát động. Dù đã 56 tuổi nhưng bàn tay bà Thuấn vẫn thành thạo các khâu cắt mẫu, ủi phẳng, may, luồn dây đeo. “Thấy người dân trân trọng, vui mừng khi đón nhận những chiếc khẩu trang do mình làm nên, chúng tôi vui lắm. Có người khi nhận được khẩu trang thì lại huy động, ủng hộ thêm nguyên liệu cho chúng tôi”, bà Thuấn chia sẻ.

Ở Đắk Lắk, trong những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tình trạng khan hiếm khẩu trang y tế và dung dịch rửa tay sát khuẩn khiến nhiều người dân lo lắng. Trước tình hình đó, tập thể cán bộ, giảng viên, sinh viên của Trường đại học Buôn Ma Thuột đã chế xuất gần 5.000 lít dung dịch rửa tay sát khuẩn cung cấp miễn phí cho cộng đồng. GS,TS Đặng Tuấn Đạt, Hiệu trưởng nhà trường, nói: “Sự chia sẻ của chúng tôi dù nhỏ bé nhưng mong muốn góp phần giảm bớt tâm lý lo lắng của người dân”.

Trong những ngày cả đất nước đang “căng mình” phòng, chống dịch, ở khắp các tỉnh Tây Nguyên, hình ảnh những đoàn viên, thanh niên tham gia tuyên truyền, cấp phát tờ rơi phòng, chống dịch, cấp phát khẩu trang, xà phòng, dung dịch rửa tay sát khuẩn miễn phí… trở nên quen thuộc với mọi người dân. Chị H’Giang Niê, Bí thư Tỉnh đoàn Đắk Lắk, cho biết, các cấp bộ Đoàn và đoàn viên, thanh niên trong tỉnh đã chủ động vào cuộc cùng các cấp, các ngành để tuyên truyền, phòng chống dịch. Tính đến nay, đã thực hiện đăng tải, chia sẻ hơn 2.500 lượt các bài viết về nội dung tuyên truyền, cách phòng chống, cập nhật thông tin về dịch bệnh trên các trang mạng xã hội; tổ chức tuyên truyền trên các loa phát thanh tại địa phương, đến từng nhà dân, cấp phát 11.155 tờ rơi tuyên truyền. Đoàn các cấp cũng đã tổ chức phát 60.714 khẩu trang miễn phí cho khoảng 49.100 người dân; cấp phát miễn phí gần 1.450 lít và 3.881 chai nước rửa tay, nước sát khuẩn, xà-phòng cho gần 7.320 người; phối hợp tổ chức dọn vệ sinh và phun thuốc khử trùng tại 493 địa điểm các trụ sở cơ quan, trường học; tổ chức hiến máu tình nguyện cung ứng máu kịp thời cho các hoạt động chữa bệnh cứu người... Bên cạnh đó, các cơ sở Đoàn trong tỉnh còn duy trì hoạt động của 222 đội hình thanh niên tình nguyện sẵn sàng ứng phó dịch bệnh với tổng số 3.246 đoàn viên, thanh niên tham gia.

Tây Nguyên vượt “bão” Covid-19 (kỳ cuối) ảnh 3

Phát khẩu trang miễn phí tại Gia Lai.

Nhiều đơn vị Đoàn Thanh niên tại Tây Nguyên đã có những cách làm hay, hiệu quả, tiêu biểu như: Huyện đoàn Ea Súp, Cư M’gar, Thành đoàn Buôn Ma Thuột, Đoàn Trường cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên (Đắk Lắk); Đoàn Trường đại học Đà Lạt, Huyện đoàn Đạ Tẻh, Bảo Lâm, Cát Tiên (Lâm Đồng); Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Đắk Nông; Thành đoàn Pleiku, Đoàn cơ sở Bệnh viện đa khoa tỉnh và Công an tỉnh (Gia Lai)… Hoạt động tích cực của đoàn viên, thanh niên khu vực Tây Nguyên đã lan tỏa thông điệp: “Chấp hành chủ trương tốt - Khai báo y tế tốt - Vệ sinh, phòng dịch tốt - Thực hiện cách ly tốt, hướng tới chung tay đánh bay Covid-19” đến với người dân và cộng đồng.

Những việc làm xuất phát từ trách nhiệm xã hội, lòng từ tâm và chia sẻ đã tạo nên một làn sóng lan tỏa yêu thương giữa cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên trong những ngày đại dịch hoành hành. Cùng nắm chặt tay nhau vượt qua những ngày khó khăn, càng ngấm sâu hơn đạo lý người Việt ta “bầu bí chung giàn”.

Tây Nguyên vượt “bão” Covid-19 (kỳ cuối) ảnh 4

Trường đại học Yersin, Đà Lạt, điều chế dung dịch rửa tay khô sát khuẩn phục vụ miễn phí chống dịch.

* Kỳ 3: Chuyện ghi lại ở những khu cách ly

* Kỳ 2: Về buôn làng chống dịch với đồng bào

* Kỳ 1: Biên giới, tuyến đầu chống dịch