Tây Nguyên vượt “bão” Covid-19 (kỳ 3)

NDO -

NDĐT - Bác sĩ Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk phát biểu như nói thay cho nhiều người: “Tại các khu cách ly tập trung, trong những ngày qua với những việc làm thiết thực, sự quan tâm, những suất cơm nghĩa tình trong mùa dịch đã để lại nhiều tình cảm và ấn tượng tốt đẹp trong lòng những công dân hợp tác cách ly. Những việc làm ý nghĩa đó đang góp phần chung tay cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đẩy lùi dịch bệnh Covid-19”.

 

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng kiểm tra các cơ sở cách ly y tế.
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng kiểm tra các cơ sở cách ly y tế.

Kỳ 3: Chuyện ghi lại ở những khu cách ly

Ngay từ đầu tháng 1-2020, hai khu vực cách ly đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng được thiết lập tại Bệnh viện đa khoa và Bệnh viện II, với đầy đủ trang thiết bị y tế để sẵn sàng ứng phó khi có ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn. Đến đầu tháng 2, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng đã chuẩn bị địa điểm thu dung, cách ly tập trung tại Trung đoàn 944 (huyện Đức Trọng) với quy mô 400 giường và Bệnh xá H32 (Đà Lạt) quy mô 70 giường bệnh. Đến nay, toàn tỉnh có 16 điểm sẵn sàng làm khu cách ly và ba cơ sở lưu trú đăng ký tự nguyện làm cơ sở cách ly tập trung, với quy mô hơn 4.000 giường. Công tác tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và giám sát phòng, chống dịch cho hơn 500 cán bộ y tế, quân y đã được triển khai kịp thời. Bệnh xá H32 trở thành nơi đón những trường hợp trở về từ vùng dịch (F1) đầu tiên vào cách ly tập trung từ ngày 27-2. Từ đó đến nay, các y, bác sĩ Bệnh xá H32 chưa một lần ghé về thăm nhà. Họ phục vụ ăn, ở, ngủ, nghỉ, theo dõi sức khỏe và bảo đảm an ninh trật tự tận tâm, tận lực cho những người cách ly 14 ngày theo quy định của Bộ Y tế. Những trường hợp cách ly tại Bệnh xá H32 là người tiếp xúc gần với nguồn lây nhiễm Covid-19. Theo phương án và quy trình, H32 sẽ chuyển người được cách ly về Bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng khi phát hiện có dấu hiệu sốt, ho, khó thở hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Nhưng điều đáng mừng, trong số 54 trường hợp cách ly tại đây, chưa có trường hợp nào phải chuyển viện để cách ly điều trị Covid-19.

Tính đến ngày 1-4, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành cách ly 376 trường hợp, đã hết thời gian cách ly 308 trường hợp, còn cách ly 68 trường hợp. Trong những ngày này, có mặt tại nhà bếp của Công an tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi đã ghi nhận một không khí hết sức khẩn trương nhưng cũng rất chu đáo của các cán bộ, chiến sĩ ở đây nhằm góp sức phòng, chống dịch Covid-19. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đang nấu nướng, chăm chút từng suất cơm để chuẩn bị đưa tới khu cách ly tập trung số 333 Hà Huy Tập, TP Buôn Ma Thuột. Thượng tá Nguyễn Công Vũ, Phó trưởng Phòng Hậu cần - Kỹ thuật (Công an tỉnh Đắk Lắk) cho biết: Phòng được giao nhiệm vụ tổ chức nấu ăn cho những trường hợp đang cách ly và đội ngũ y, bác sĩ và cán bộ, chiến sĩ, nhân viên phục vụ tại đây. Công an Đắk Lắk lấy chế độ ăn của cán bộ, chiến sĩ làm định mức ăn cho người dân cách ly. Bác sĩ Trần Kim Long - phụ trách Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk), cho biết: “Công dân thực hiện cách ly tại khu cách ly tập trung của tỉnh được bảo đảm các điều kiện sinh hoạt, đầy đủ các nhu yếu phẩm thiết yếu, có chế độ ăn ngày ba bữa với tiêu chuẩn gần 60.000 đồng/người/ngày. Hằng ngày có từ 8 đến 10 nhân viên y tế chăm sóc, tư vấn, theo dõi sức khỏe, thực hiện vệ sinh môi trường, khử khuẩn”.

Tây Nguyên vượt “bão” Covid-19 (kỳ 3) ảnh 1

Khu cách ly ở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai.

Tại Gia Lai, Trung tâm Huấn luyện - Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh thuộc Trung đoàn Bộ binh 991 được chọn làm cơ sở tiếp nhận, cách ly tập trung, hiện đang cách ly y tế đối với 134 trường hợp, số đông là công dân trở về từ Campuchia qua Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh. Có mặt tại đây từ những ngày đầu, chúng tôi quan sát thấy, công tác phòng, chống dịch được các lực lượng triển khai rất nghiêm ngặt. Đại tá Phan Trương - Chủ nhiệm Hậu cần (Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Gia Lai) chia sẻ: “Đa số người dân đều biết rõ về mức độ lây lan của dịch bệnh nên ý thức cao và rất hợp tác với các lực lượng trong việc khai bao y tế, tiến hành cách ly. Tuy nhiên, cũng như nhiều khu cách ly tập trung khác, để mọi người không cảm thấy lạ lẫm và yên tâm trong môi trường mới, chúng tôi thường xuyên động viên và hướng dẫn, giải thích tỉ mỉ”. Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai) cũng đã tiếp nhận 40 trường hợp cách ly y tế; trong đó, có bốn người nước ngoài.

Bác sĩ Sô Song Hương Ly - Phó Trưởng khoa cho biết: “Chúng tôi làm hết sức có thể trong khả năng của mình để giúp mọi người có được sự thoải mái, an tâm trong thời gian cách ly tại đây. Với người nước ngoài, dù khác biệt về ngôn ngữ nhưng bằng mọi cách, chúng tôi giải thích để họ hiểu vấn đề đang diễn ra và phối hợp tốt. Không chỉ chăm sóc về mặt sức khỏe, chăm lo từng bữa ăn và hỗ trợ khi họ cần, chúng tôi thường xuyên trò chuyện, động viên, giải tỏa tâm lý”.

Theo Đại tá Lê Kim Giàu - Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Gia Lai, các công dân trước khi nhập cảnh chủ yếu lao động, làm việc ở các tỉnh: Ratanakiri, Stung Treng (Campuchia). Để tiếp nhận họ về cách ly y tế tập trung, đơn vị đã chuẩn bị và bảo đảm đầy đủ về doanh trại, doanh cụ, quân nhu, quân y, phương tiện... Hiện có hai khu vực cách ly chính thức, gồm: Trung tâm Huấn luyện - Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh thuộc Trung đoàn Bộ binh 991, bố trí 73 phòng với 413 giường, có thể bảo đảm 280-300 công dân; Trung đoàn Bộ binh bố trí 12 phòng với 176 giường và có thể bảo đảm 120 công dân. Về chế độ ăn uống bảo đảm theo tiêu chuẩn 57 nghìn đồng/người/ngày và bộ đội sẽ mang suất ăn đến từng phòng, từng giường…

* * *

Chiều 29-3, 10 người trong một gia đình người Việt từ Mỹ về, đã hết thời hạn cách ly sau hai tuần tại Trạm xá H32 - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng. Chúng tôi chứng kiến cuộc chia tay đầy cảm động giữa các thành viên trong gia đình với những người lính khoác blouse trắng. Họ đã cùng nhau chụp ảnh lưu niệm và gửi lời tri ân. Bác sĩ Trần Văn Lao - Trưởng Bệnh xá H32 cho chúng tôi xem những dòng cảm tưởng của một số người được cách ly tại đây. Đây là dòng tự sự của anh P.V.C, giám đốc một công ty ở Đà Lạt: “Tôi thấy rất thoải mái, vui vẻ với sự chăm sóc tận tình, trách nhiệm của anh em bộ đội phục vụ tại đây. Chỗ ăn, ở rất tốt, sạch sẽ, khang trang, thoáng mát. Tôi rất cảm động và thành thật cảm ơn sự chăm sóc tận tâm của anh em tại Trạm xá H32. Trân trọng cảm ơn và kính chúc các anh tiếp tục phát huy phẩm chất tốt đẹp của bộ đội Cụ Hồ!”.

Tây Nguyên vượt “bão” Covid-19 (kỳ 3) ảnh 2

Gia đình Việt kiều Mỹ chụp ảnh lưu cùng chiến sĩ quân y sau khi hoàn thành cách ly 14 ngày tại Trạm xá H32 - Lâm Đồng.

Ông Loen và bà Ann Christin là hai du khách người Đức đến Việt Nam và sau đó lên Gia Lai du lịch. Nhưng vì đến từ vùng dịch, nên họ được cán bộ y tế hướng dẫn cách ly y tế để phòng dịch Covid-19 và hai người đã chấp hành. Hoàn thành thời gian cách ly, Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai nhận được bức thư cảm ơn của hai vợ chồng này, trong đó viết: "…Cảm ơn các bạn vì sự chăm sóc tận tình! Các bạn đã cho chúng tôi một quãng thời gian tuyệt vời ở đây và khiến chúng tôi nở nụ cười nhiều lần. Ngay cả khi cơ sở vật chất ở đây khác ở Đức nhưng chúng tôi cảm thấy mình được chào đón. Các bạn đã giúp chúng tôi hiểu ra những điều chưa rõ ràng và làm chúng tôi ngạc nhiên với tất cả những gì cần thiết. Cảm ơn rất nhiều vì sự hỗ trợ và thấu hiểu từ các bạn. Các bạn đã làm cho thời gian chúng tôi ở lại đây thú vị hơn rất nhiều…! Loen và Ann Christin”.

Tây Nguyên vượt “bão” Covid-19 (kỳ 3) ảnh 3

Lá thư cảm ơn của hai du khách người Đức gửi các y, bác sĩ Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Gia Lai.

Bà Trần Thị Ngọc Anh ở huyện Đức Cơ (Gia Lai) nhưng nhiều năm nay sinh sống và buôn bán ở tỉnh Ratanakiri (Campuchia). Sau khi về nước, đã được cách ly y tế 14 ngày để theo dõi sức khỏe. Sau gần một tuần sống trong khu vực cách ly, bà Ngọc Anh bày tỏ: “Mỗi ngày, chúng tôi được các y, bác sĩ kiểm tra sức khỏe hai lần. Ăn, uống đều có các chú bộ đội lo nên rất thoải mái; nơi ở, các vật dùng đều được khử khuẩn, sát trùng nên yên tâm lắm!”. Các y, bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch, công việc dẫu vất vả và nguy hiểm, nhưng có sự cảm thông, phối hợp, chia sẻ của bệnh nhân thì những nhọc nhằn ấy cũng vơi đi phần nào…

Trở lại với khu cách ly số 333 Hà Huy Tập (Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc) với sức chứa khoảng 200 giường. Hằng ngày, toàn bộ nơi đây đều được các nhân viên y tế khử trùng thường xuyên, môi trường luôn được giữ gìn vệ sinh sạch sẽ. Ngày ba bữa, sau khi nấu nướng xong, từng suất cơm được các cán bộ, chiến sĩ công an mang đến tận tay cho những người đang cách ly. Chị N.T.N.A, ngày 19-3, sau khi từ Philippines về Đắk Lắk, được đưa vào khu cách ly tập trung. Chị chia sẻ, tâm lý ban đầu có phần ái ngại, nhưng khi đến đây đã hoàn toàn yên tâm bởi mọi sinh hoạt rất thoải mái. Hằng ngày, chị nhận được sự quan tâm, hướng dẫn tận tình. Mọi người được chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cá nhân nên rất thoải mái. Cơm được phục vụ ngày ba bữa. Theo cảm nhận của cá nhân chị, các suất cơm sạch sẽ, gạo rất ngon, có đầy đủ ba món như cơm gia đình. Cũng tại cơ sở này, sau khi hoàn thành thời gian cách ly với kết quả xét nghiệm âm tính, em C.N.H.A, sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên, tâm sự: “Em được quan tâm chăm sóc chu đáo về mọi mặt, ngày nào các y, bác sĩ cũng lên hỏi thăm, đo thân nhiệt hai lần. Sinh hoạt, ăn uống bảo đảm, chỗ ở thoáng mát lại có khuôn viên rộng để thư giãn, thể dục. Em rất cảm ơn các cán bộ y tế và công an tỉnh!”.

(Kỳ sau: Mùa san sẻ yêu thương)

* Kỳ 2: Về buôn làng chống dịch với đồng bào

* Kỳ 1: Biên giới, tuyến đầu chống dịch