Tây Nguyên vượt “bão” Covid-19 (kỳ 2)

NDO -

NDĐT - Địa bàn Tây Nguyên rộng lớn, dân số đông, là nơi cư trú của nhiều dân tộc thiểu số. Trong công tác tuyên truyền và thực thi các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 ở vùng sâu, vùng xa, cả hệ thống chính trị của các tỉnh Tây Nguyên đã tích cực vào cuộc với những cách làm sáng tạo, thiết thực và hiệu quả.

 

Bộ đội Biên phòng Đắk Nông đến tận từng làng buôn tuyên truyền cho đồng bào.
Bộ đội Biên phòng Đắk Nông đến tận từng làng buôn tuyên truyền cho đồng bào.

Kỳ 2: Về buôn làng chống dịch với đồng bào

Trong những ngày đầu tháng 4-2020 này, chúng tôi về xã vùng sâu Cư Pui, huyện Krông Bông (Đắk Lắk). Tại các thôn, buôn khu vực gần trung tâm xã, hệ thống loa truyền thanh liên tục cập nhật những thông tin mới nhất, cũng như phát các thông báo, văn bản chỉ đạo của các cấp về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Tâm, cho biết, xã có 13 thôn, buôn với 2.640 hộ, 13.880 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 89%, phần lớn là người H’Mông. Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền phòng, chống dịch, trên cơ sở tài liệu hướng dẫn của ngành y tế, xã đã chỉ đạo các trưởng thôn tự dịch sang tiếng đồng bào rồi sử dụng loa di động đi tuyên truyền. Xã cũng hướng dẫn, khuyến cáo người dân tại các điểm nhóm đạo Tin lành không tổ chức các hoạt động tôn giáo đông người, hạn chế nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng…

Ngoài ra, xã cũng đã phát đến tận tay người dân hàng nghìn tờ rơi do Trung tâm Y tế huyện Krông Bông cung cấp. Riêng sáu thôn tập trung đông đồng bào H’Mông sinh sống, gồm: Ea Uôl, Ea Rớt, Ea Bar, Ea Lang, Cư Rang, Cư Tê, do xa trung tâm, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, việc cập nhật thông tin hằng ngày về dịch Covid-19 còn thấp nên công tác tuyên truyền khó khăn hơn. Khi “cái khó ló cái khôn”, xã đã có cách làm sáng tạo là cung cấp thông tin, tài liệu tuyên truyền về dịch Covid-19 của cho các trưởng thôn. Sau đó, các trưởng thôn dịch sang tiếng H’Mông rồi dùng điện thoại di động thu âm lại, phát qua bluetooth trên loa di động. Cứ vào lúc sáng sớm, buổi trưa hay chiều tối, các Thôn trưởng lại chở loa di động đi khắp các thôn bản để tuyên truyền.

Chị Sùng Thị Bầu ở thôn Ea Bar, chia sẻ: “Việc tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 bằng loa di động đến tận nơi bằng tiếng mẹ đẻ nên người dân ở đây dễ nghe, dễ hiểu và dễ thực hiện. Sau khi được tuyên truyền, gia đình tôi cũng như các hộ dân khác trong thôn đã thay đổi thói quen sinh hoạt, thường xuyên rửa tay bằng xà-phòng diệt khuẩn, tự dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, đeo khẩu trang theo hướng dẫn của cán bộ y tế xã”.

Anh Sùng Seo Sài, cộng tác viên y tế xã Cư Pui, cung cấp thông tin, đồng bào dân tộc H’Mông ở xã Cư Pui chủ yếu từ các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang vào lập nghiệp từ năm 1996 đến nay. Hằng năm, họ thường về thăm quê và người nhà ở các tỉnh phía bắc cũng hay vào tạm trú. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc di chuyển này rất dễ phát sinh và lây lan trên địa bàn. Vì vậy, ngay từ tháng 2-2020, các thôn trong xã đã khuyến cáo người dân hạn chế di chuyển từ tỉnh này qua tỉnh khác, trong trường hợp cấp thiết thì phải khai báo để chính quyền địa phương, cơ quan chức năng biết theo dõi, quản lý.

Tây Nguyên vượt “bão” Covid-19 (kỳ 2) ảnh 1

Bộ đội Biên phòng Đắk Nông hướng dẫn cách đeo khẩu trang cho đồng bào Mơ Nông.

Chủ tịch UBND xã Cư Pui, chia sẻ thêm, nhờ công tuyên truyền độc đáo, hiệu quả nên đến nay người dân trong xã đã thay đổi nhận thức, hạn chế việc đi lại, tăng cường vệ sinh nhà cửa, khu dân cư. Trước đây, việc đeo khẩu trang đối với đồng bào dân tộc ở vùng sâu này là khá lạ lẫm thì nay, nhiều người đã tìm mua khẩu trang để đeo khi đi ra đường.

Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Lâm Đồng đã chỉ đạo các huyện, thành đoàn, đoàn trực thuộc thành lập “Đội hình thanh niên tình nguyện phòng, chống dịch Covid-19”. Phát huy tình thần xung kích, tình nguyện vì cộng đồng, hơn 1.000 thanh niên tỉnh Lâm Đồng đã đăng ký tham gia; họ đã trực tiếp về các vùng có đông đồng bào DTTS ở các huyện Lạc Dương, Cát Tiên, Lâm Hà, Di Linh… tham gia cùng đồng bào ngăn chặn dịch Covid-19. Hay như Hội LHPN huyện Đak Pơ (Gia Lai), cán bộ Hội các cấp cùng hội viên bám sát từng buôn làng, từng gia đình hỗ trợ đồng bào phòng, chống dịch.

Theo bà Chủ tịch Phạm Thị Thúy, Hội đã xây dựng được năm điểm rửa tay khô tại các khu vực công cộng. Ngoài ra, các cấp Hội đã tổ chức 49 buổi tuyên truyền tại các buôn làng; cấp phát gần 1.000 tờ rơi tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng, chống dịch; phát miễn phí 450 cục xà-phòng, 230 chai nước rửa tay sát khuẩn... cho các hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

* * *

Đầu tháng 4-2020, Đoàn Thanh niên và Hội phụ nữ Công an tỉnh Đắk Nông đã về tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19, tặng quà cho người dân tại xã Quảng Trực (Tuy Đức). Tại đây, đoàn công tác đã chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm hai người đến tận nương rẫy và từng nhà tại các thôn, buôn, phát tờ rơi tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân; hướng dẫn cách phòng, chống và giải đáp các thắc mắc cho người dân về các biểu hiện của dịch bệnh, địa chỉ liên hệ khi phát hiện có người hoặc chính bản thân có các biểu hiện của bệnh… Đồng thời, phổ biến nhanh các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; phản bác các luận điệu sai trái, các thông tin sai sự thật trong phòng, chống dịch bệnh.

Đoàn cũng đã phát 1.000 tờ rơi tuyên truyền, tặng 1.000 chai nước rửa tay diệt khuẩn, 1.000 móc khóa an ninh phòng, chống tội phạm cho người dân. Cũng tại Đắk Nông, Đoàn Thanh niên Công an huyện Đắk G’long phối hợp các tổ chức đoàn cơ sở trên địa bàn tổ chức các hoạt động tặng quà và tuyên tuyền phòng, chống dịch. Đoàn công tác đã tổ chức tuyên truyền cho hơn 4.000 người dân và trao tặng 100 bánh xà phòng, 1.200 khẩu trang y tế, 100 chai gel sát khuẩn, 2.000 hộp siro và phát 2.500 tài liệu tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 cho người dân trên địa bàn các xã.

Chúng tôi đến với Đồn Biên phòng Đăk Long, huyện Đăk Glei (Kon Tum), nơi tiếp giáp với bản Xảnxay, tỉnh Attapư (Lào) và chứng kiến những nỗi vất vả cán bộ, chiến sĩ BĐBP trong những ngày này. Họ vừa phải lo an ninh biên giới, vừa bám sát địa bàn phòng, chống dịch cùng dân. Đồn Biên phòng Đăk Long quản lý 10 cột mốc, 7,1km đường biên giới với chín buôn làng, 1.300 hộ và 5.900 khẩu.

Thượng tá Nguyễn Văn Ngự, Chính trị viên, cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đồn đã tăng cường công tác nắm tình hình và tăng cường tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân trên địa bàn nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch. Cùng việc bố trí lực lượng ở tuyến 1 biên giới, đồn còn bố trí tuyến 2 dưới địa bàn, gồm có cán bộ làm công tác vận động quần chúng, công tác trinh sát với tinh thần trách nhiệm cao, hòa cùng sức mạnh của toàn dân, ngăn chặn dịch. Nhờ vậy, 10 điểm tôn giáo trên địa bàn đồn quản lý đã dừng tập trung cách đây hơn nửa tháng. Đối một số bà con đi thăm người thân ở bên Lào về, đồn tham mưu cho xã báo cáo danh sách lên huyện và đề nghị huyện cử nhân viên y tế xuống để lấy mẫu đi xét nghiệm cho bà con, hướng dẫn bà con cách ly tại nhà.

Tại chốt dã chiến, Đại úy Vũ Đức Thắng, Đội trưởng Vũ trang Đồn Biên phòng Đăk Long, cho biết: “Đối người dân địa phương đi làm rẫy qua chốt, chúng tôi tuyên truyền về phương pháp phòng, chống dịch, yêu cầu họ đeo khẩu trang, rửa tay, rồi đăng ký hoạt động qua lại chốt, kịp thời nắm bắt những trường hợp lợi dụng đi làm rẫy để vượt biên”.

Gặp chúng tôi tại đây, ông A Khang, một người dân ở làng Đăk Ôn (xã Đăk Long, huyện Đăk Glei, Kon Tum), nói rằng: “Tôi rất cảm ơn các chú biên phòng hướng dẫn trực tiếp cho người dân làm sao bảo đảm sức khỏe trong thời gian chống dịch…”.

Còn tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Thuận An (huyện Đắc Mil, Đắk Nông), Chính trị viên Doãn Văn Tiến cho biết, hằng ngày, đơn vị tổ chức tuyên truyền lưu động bằng cả tiếng phổ thông và tiếng đồng bào M’Nông bản địa tại các khu vực chợ, nơi tập trung đông người, phát tờ rơi với nhiều hình ảnh sinh động để đồng bào dễ dàng tiếp nhận thông tin. Với phương châm “gõ từng cửa, gặp từng người”, các tổ tuyên truyền còn phối hợp chính quyền địa phương thông tin đầy đủ nhất về tình hình, cách phòng, chống dịch để đồng bào hiểu rõ, đề cao cảnh giác với dịch, nhưng cũng không hoang mang, sợ hãi, mà luôn tin tưởng vào chính quyền địa phương.

Tây Nguyên vượt “bão” Covid-19 (kỳ 2) ảnh 2

Hướng dẫn đồng bào rửa tay khử khuẩn.

Cũng theo Chính trị viên Doãn Văn Tiến, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức thiết thực, phù hợp thực tế cuộc sống đã góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Khoảng hơn một tháng nay, đồng bào đã hiểu nhiều và hạn chế tới nơi đông người, đeo khẩu trang cẩn thận, thường xuyên rửa tay bằng xà-phòng, vệ sinh sạch sẽ nơi ở. Tình trạng qua lại thăm thân nhân giữa bà con hai bên biên giới đã giảm hẳn, chỉ khi có việc thật sự quan trọng bà con mới đi và nay thì hoàn toàn dừng hẳn việc qua lại biên giới…

Dịch bệnh chưa dừng lại và cả hệ thống chính trị, ngành y tế, lực lượng vũ trang Tây Nguyên vẫn tiếp tục về với các buôn làng cùng đồng bào dồn tâm sức phòng, chống dịch Covid-19. Đồng bào cũng luôn vững tin vào chính quyền các cấp, các ngành trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân. Nói như già làng Ha Brai ở buôn Long Lanh, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng): “Dịch này nguy hiểm lắm, bà con mình phải thực hiện phòng, chống theo tuyên truyền, hướng dẫn của Nhà nước thôi. Với vai trò là già làng, tôi luôn nói rõ cho bà con hiểu cách phòng dịch, tránh để xảy ra tình trạng do thiếu kiểm soát mà mắc bệnh rồi lây lan trong cộng đồng buôn làng...”.

(Kỳ sau: Chuyện ghi lại ở những khu cách ly)

* Kỳ 1: Biên giới, tuyến đầu chống dịch