Nhà mới ấm tình nơi biên giới

Để giúp người dân hai xã biên giới Tân Trạch và Thượng Trạch có nhà mới vui đón Tết năm 2019, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình và huyện Bố Trạch tổ chức khánh thành và bàn giao 37 ngôi nhà cho bà con đưa vào sử dụng. Giữa cái rét nơi miền biên giới, những ngôi nhà mới đã mang lại sự ấm áp cho bà con chuẩn bị vui đón Tết cổ truyền của dân tộc.

Những ngôi nhà mới ở xã biên giới Tân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình).
Những ngôi nhà mới ở xã biên giới Tân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình).

Đang cuối mùa mưa đường 20 Quyết thắng lên vùng biên giới phía tây Quảng Bình sương mù giăng mắc. Đêm trước mưa to, sáng nay, nước vẫn loang loáng mặt đường. Anh Đinh Điệt ở bản Ban, xã Thượng Trạch dậy sớm hơn mọi khi nhưng không phải chuẩn bị lên rẫy mà xuống xã Tân Trạch dự lễ bàn giao nhà. Lập gia đình hơn hai năm, vợ chồng Điệt có một con trai nhưng chưa có nhà ở riêng. Hai vợ chồng dựng tạm mái lá cạnh ngôi nhà sàn của bố mẹ ở tạm nhưng trận bão tháng 10 năm 2017 đã cuốn bay. Khó khăn về chỗ ở là vậy nhưng vợ chồng chưa có đủ tiền để làm nhà. Điệt nhiều chuyến xuyên rừng sang tận Lào kiếm kế sinh nhai nhưng cuộc sống gia đình vẫn thiếu trước hụt sau. Khi biết tin UBND xã lập danh sách để cấp trên hỗ trợ xây dựng nhà ở trong đó có gia đình mình, vợ chồng Đinh Điệt mừng lắm. Hôm gặp chúng tôi ở trụ sở xã Tân Trạch dự lễ bàn giao nhà, anh Điệt cầm tay Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Bố Trạch lắc lắc: “Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm, cho người Ma Coong nhà mới, năm nay rẫy được mùa, Tết này bà con ăn Tết to lắm, mời cán bộ lên dự với dân bản…”.

Còn vợ chồng anh Đinh Vũ ở bản 39, xã Tân Trạch rất bất ngờ khi được đón Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Hoàng Đăng Quang ghé thăm, mừng nhà mới. Trời rét căm căm, vợ Đinh Vũ mới sinh con chừng ba tháng nhưng vẫn quấn thêm tấm chăn vào người, cùng chồng đến nhận nhà mới. Hai vợ chồng họ có nhà tạm nhưng bị sập trong cơn bão cuối năm 2017 cho nên được ưu tiên hỗ trợ làm nhà đợt này. Trong ngôi nhà vững chãi và ấm cúng, vợ chồng Đinh Vũ nói, có nhà mới, vợ chồng yên tâm hơn khi đi nương rẫy, mưa bão cũng không phải lo lắng nữa! Ngày mai họ về xuôi mua các vật dụng cần thiết để ổn định đời sống và chuẩn bị đón Tết. Mẹ Đinh Vũ đứng cạnh con trai nói xen vào, mừng con có nhà mới, ông bà quyết định đóng cửa nhà sàn đến đón Tết với vợ chồng con trai.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình Trần Quang Minh cho biết, để hỗ trợ các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh ổn định đời sống sau trận bão lớn năm 2017, Ủy ban MTTQ tỉnh chỉ đạo Mặt trận các cấp rà soát, hỗ trợ kinh phí giúp bà con xây dựng lại nhà ở. Đầu năm 2018, 46 ngôi nhà của bà con dân tộc thiểu số tại hai xã Lâm Hóa và Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa được xây dựng hoàn thành giúp người dân có nơi ở ổn định khang trang và không còn nỗi lo thiên tai như trước. Còn tại hai xã Tân Trạch và Thượng Trạch, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình quyết định trích gần 3,2 tỷ đồng từ Quỹ cứu trợ tỉnh để giúp cho 37 hộ có nhà ở mới, trong đó xã Tân Trạch có 11 hộ và xã Thượng Trạch 26 hộ. Theo đồng chí Trần Quang Minh, xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng đối với đồng bào dân tộc thiểu số và vùng biên giới, lãnh đạo MTTQ tỉnh và huyện Bố Trạch chỉ đạo quyết liệt, sâu sát để sớm hoàn thành, bàn giao nhà cho bà con. Các ngành lập tổ công tác tham quan thực tế mẫu nhà ở của đồng bào Rục tại xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa để thống nhất về mẫu nhà, sau đó họp dân lấy ý kiến để lựa chọn mẫu nhà phù hợp đồng bào Arem và Ma Coong. Toàn bộ nhà được xây dựng theo thiết kế dạng nhà sàn, móng, cột và dầm đỡ bằng bê-tông cốt thép. Mái lợp tôn xốp ba lớp chống nóng, diện tích xây dựng gần 40 m2, kinh phí xây dựng trung bình mỗi ngôi nhà hơn 84 triệu đồng.

NẾU như việc xây dựng 11 ngôi nhà ở xã Tân Trạch thuận lợi về mặt địa lý, địa hình thì 26 nhà ở Thượng Trạch quả là gian nan với lực lượng thi công. Đại diện Công ty TNHH Đại Phương cho biết, vì nhà ở rải rác, một số bản nằm dọc biên giới Việt Nam - Lào chưa có đường cho nên đơn vị thi công phải tự làm đường để vận chuyển vật liệu. Thời gian làm nhà cũng là mùa mưa của nước bạn Lào, vùng biên giới thường xảy ra mưa to gây ngập, tắc đường. Có nhiều ngày, công nhân phải cõng, gùi từng bao xi- măng, vác từng cây thép vượt suối để vào bản, thi công nhà cho kịp tiến độ, bảo đảm giao nhà cho bà con trong những ngày đầu năm 2019.

Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch Đinh Hợp cho biết, trên địa bàn còn nhiều hộ chưa có nhà ở do mới tách hộ sau khi lập gia đình hoặc nhà cũ bị hư hỏng do thiên tai, thời tiết. Giải quyết “bài toán” về nhà ở cho đồng bào là điều vượt quá khả năng của xã, bởi không có bất cứ nguồn thu gì, ngoài sự trợ giúp của Nhà nước. Vì vậy, lãnh đạo xã tranh thủ cao nhất sự hỗ trợ của các ngành, đơn vị, nhà hảo tâm trong việc giúp bà con có nơi ở ổn định, kiên cố. 26 hộ gia đình được nhận nhà lần này đều đã thông qua bình xét khách quan, đúng đối tượng, hoàn cảnh từ các bản và sự giám sát của tổ chức mặt trận. Điều đặc biệt khác với trước là nhà ở đều được lợp tôn chống nóng để người dân vẫn có thể sinh hoạt bình thường cả trong mùa hè. Không chỉ là nhà đẹp, chống chịu được với thời tiết khắc nghiệt ở vùng biên giới, mà đơn vị thi công còn tự bỏ kinh phí để làm máng hứng nước mưa từ mái nhà giúp bà con có nguồn nước sử dụng dài ngày. Đây không chỉ là việc làm tích cực mà còn giúp đồng bào Ma Coong tạo thói quen dự trữ nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày.

Được biết, Tân Trạch và Thượng Trạch là hai xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Bố Trạch. Với diện tích tự nhiên hơn 110 nghìn héc-ta (chiếm hơn 51% diện tích toàn huyện). Hai xã có 20 bản, 663 hộ với 2.999 nhân khẩu, chủ yếu là người Ma Coong, Arem và Vân Kiều. Nhìn chung, tuy đã có nhiều cố gắng song đây vẫn là hai địa phương có tỷ lệ hộ nghèo hơn 93%, tập quán sản xuất lạc hậu, trình độ dân trí thấp. Kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông còn yếu. Thêm vào đó là đồng bào còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động phát triển sản xuất để tự lực vươn lên. Thời gian qua, được sự quan tâm hỗ trợ, đầu tư của các cấp, các ngành, cơ sở hạ tầng và đời sống nhân dân hai xã Tân Trạch và Thượng Trạch đã có sự thay đổi rõ rệt. Huyện Bố Trạch phối hợp các ngành liên quan triển khai quy hoạch, giao đất cho đồng bào xã Thượng Trạch trồng gần 30 ha rừng kinh tế; nhận bảo vệ gần 11 nghìn héc-ta rừng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ dân. Bên cạnh đó, huyện tập trung chỉ đạo nhân rộng các mô hình như: trồng nghệ, hồ tiêu, thâm canh lúa XI 23, trồng ngô nếp, rào vườn nuôi lợn… bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần thay đổi nhận thức để từng bước tự chủ trong sản xuất của bà con đồng bào Ma Coong, Arem.

Tân Trạch và Thượng Trạch những ngày giáp Tết đang là địa chỉ của các đoàn thiện nguyện. Họ đến với đồng bào nơi biên giới bằng những món quà Tết như chăn, áo quần ấm, bánh kẹo… mang đậm không khí xuân. Bà con đồng bào Ma Coong, Vân Kiều, Arem hân hoan chào đón Tết trong những ngôi nhà mới khang trang, ấm áp nghĩa tình đồng chí, đồng bào. Đây còn là việc làm hết sức có ý nghĩa của cấp ủy, chính quyền và tổ chức mặt trận ở Quảng Bình trong việc ổn định và nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới phía tây Tổ quốc.