Lao đao nghề cá xa bờ

NDO -

NDĐT - Theo Chi cục Thủy sản và nhiều ngư dân ở Quảng Bình, vụ cá nam năm nay, thời tiết khá thuận lợi song lại mất mùa, nhất là nghề khai thác xa bờ. Đã thưa vắng những chuyến tàu cá nặng đầy khoang mang lại hàng tỷ đồng cho ngư dân. Trong khi đó, ngư dân phải đối diện với nhiều khó khăn do thiếu bạn thuyền và cả những quy định thiếu lộ trình thực hiện càng khiến nghề cá xa bờ thêm lao đao.

Nhiều tàu cá xa bờ ở tỉnh Quảng Bình phải neo bờ vì thiếu người đi biển.
Nhiều tàu cá xa bờ ở tỉnh Quảng Bình phải neo bờ vì thiếu người đi biển.

Thiếu bạn, tàu cá neo bờ

Cuối tháng 9, thời tiết khá thuận lợi nhưng bờ bắc sông Gianh thuộc phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) vẫn ken kín tàu cá nằm phơi mình dưới nắng chiều. Dưới vài tán cây, từng nhóm người ngồi trò chuyện về tàu thuyền, về nghề cá. Chúng tôi vì thế nhanh chóng bị cuốn theo câu chuyện của họ.

Ngư dân Hoàng Văn Hải năm nay chừng 40 tuổi, kéo tôi ra phía trước chiếc cầu vươn giữa sông có lẽ được xây tự phát tiện cho việc bơm dầu cho tàu cá, nói: “Anh xem, trời yên bể lặng như ri mà tui phải neo tàu nằm bờ vì không có bạn. Không lẽ tàu xa bờ mà chỉ hai cha con tui nổ máy đi là được à!”.

Tàu xa bờ công suất 450CV của anh cần 12 đến 15 ngư dân để ra khơi. Nhưng từ giữa năm 2018 đến cuối tháng 6 vừa qua, hầu như không có chuyến biển nào đủ người cả, nhiều lắm là 10, còn chủ yếu tám bạn nên làm việc khá mệt nhọc. Thu nhập của ngư dân phụ thuộc vào chuyến biển, có khi trúng đậm mẻ cá thì mỗi người được vài ba chục triệu đồng và nhờ đó mà xua tan những mệt nhọc của công việc. Nhưng cũng có khi ít cá, mực thì chỉ vài ba triệu đồng cho mỗi bạn tàu. Nếu thường xuyên thu nhập ở mức thấp, bạn sẽ bỏ tàu mình sang tàu khác.

Câu chuyện nghề biển ở xã có đội tàu xa bờ đông đảo vào loại nhất, nhì tỉnh Quảng Bình càng thêm phần “chát” khi ông Nguyễn Ngọc Tản, Bí thư Chi bộ tổ dân phố Xuân Lộc cho biết thêm, cả tổ có 115 tàu cá từ 90CV trở lên, trong đó có 75 tàu chuyên đánh bắt biển xa nhưng luôn khó khăn do thiếu bạn. Gần đây, theo quy định mới, tàu cá phải dài từ 15m trở lên mới được đi khơi xa, thế là gần 30 chiếc tàu công suất lớn nhưng chưa dài đủ 15m phải vào vùng lộng hoặc gần bờ. Doanh thu không đủ chi phí nên bạn tàu bỏ đi hết. Chủ tàu khóc ròng nhưng chưa biết làm sao.

Trời chuyển sang thu, không khí dịu mát song nhiều tàu cá xa bờ ở xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới vẫn nằm bờ. Ngư dân Nguyễn Định nhìn con tàu neo bên bờ kè Nhật Lệ, nói: “Nhiều chuyển biển gần đây doanh thu thấp, thu nhập của bạn thuyền cũng giảm đáng kể, nhiều lao động chuyển nghề đi làm ăn xa nên tàu thiếu thuyền viên. Chiếc tàu của ông cần tới 22 người nhưng nhiều chuyến chỉ 15-17 bạn cũng phải ra khơi. “Tìm lao động đi biển bây giờ quá khó”, ông Định than thở.

Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh, Nguyễn Ngọc Hiếu cho biết, xã có 370 tàu đánh bắt xa bờ, tuy nhiên, chỉ một số ít chủ động được bạn tàu, còn phần lớn lao đao tìm lao động. Nhiều chủ tàu phải tuyển lao động ở vùng sản xuất nông nghiệp, ứng trước tiền lương song không phải khi nào cũng đủ người để ra khơi.

Lao động nghề biển - bài toán bỏ ngỏ

Thiếu lao động nghề biển đang là bài toán khó đối với các tỉnh miền trung, trong đó có Quảng Bình, nơi có đội tàu xa bờ khá hùng hậu. Khác với các nghề khác, lao động nghề biển trước đây hầu như xuất xứ từ các vùng dân cư ven biển và đều cha truyền con nối. Gia đình ngư dân sinh nhiều con, nhất là con trai để sau này phục vụ cho nghề đi biển. Và cứ thế, nam thanh niên làng biển lớn lên theo cha đi biển một, hai chuyến là thành thục, trở thành ngư dân cự phách.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, do tác động của nhiều nguyên nhân mà lao động nghề biển suy giảm đáng kể, nhiều thanh niên trẻ làng biển cũng không còn hào hứng với nghề biển truyền thống mà họ bứt ra khỏi làng để làm nghề khác có thu nhập cao hơn. Theo Chủ tịch UBND xã Đức Trạch, Hồ Đăng Chiến, đội tàu đánh bắt xa bờ của xã có 240 chiếc, trong đó phần lớn tàu có công suất 200 CV đến 800 CV, cần phải có 1.700 lao động trên số tàu cá đó. Trên địa bàn chỉ đáp ứng chừng hơn 1.000 lao động nghề biển nhưng con số này đang giảm dần khi thanh niên trẻ lựa chọn con đường xuất khẩu lao động để mưu sinh.

Chẳng hạn, lao động đi làm việc ở Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) lương cao, trong đó có nghề biển. Phần lớn lao động trong xã đều sang đánh cá ở Hàn Quốc, lương 50-60 triệu đồng/tháng là chuyện bình thường. Thậm chí nhiều chủ tàu ở Hàn Quốc giao hẳn tàu cho người lao động Đức Trạch điều khiển tự do đi khai thác. Ngược lại, ở quê nhà, những ngư dân lão làng bậc cha chú thì vẫn phải giữ tàu và quay cuồng tìm người đi biển không ra. Song đó là thực tế xã hội, nơi nào có thu nhập cao, nơi đó thu hút lao động, không thể buộc con em trở về giữ nghề với thu nhập èo uột được.

Chi cục trưởng Thủy sản Quảng Bình, Lê Ngọc Linh chia sẻ thêm, tình trạng thiếu lao động nghề biển tại địa phương xảy ra nhiều năm nay nhưng gần đây càng phổ biến và mức độ cao hơn. Bỏ ra ít nhất vài tỷ đồng hoặc mười mấy tỷ đồng đóng tàu nhưng nhiều chủ tàu nói chưa khó bằng việc tìm bạn thuyền.

Gần đây, nghề biển xa bờ doanh thu giảm nên tác động trực tiếp đến thu nhập của thuyền viên. Thêm việc hơn 300 tàu cá xa bờ nhưng bây giờ chiều dài không đủ chuẩn theo quy định mới, phải chuyển vùng hoạt động nên bạn tàu bỏ đi nhiều. Chủ tàu vốn đã khó nay càng lao đao hơn.

Một lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình thừa nhận, lao động nghề biển hầu như đang bị bỏ ngỏ, chúng ta động viên ngư dân đóng mới tàu công suất lớn vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc nhưng hầu như chưa nói tới lao động trên các tàu cá đó như thế nào, chế độ ra sao. Phần lớn lao động nghề cá do các chủ tàu tự tìm kiếm, thu nhận trên tinh thần tự nguyện là chính. Vui thì đi bạn, buồn thì bỏ đi, lắm khi làm cho các chủ tàu khó xử.

Trở lại với câu chuyện của các chủ tàu cá xa bờ. Để giữ chân bạn thuyền, nhiều người phải tăng tỷ lệ ăn chia, trả thêm lương cứng cho thuyền viên. Kể cả khi tàu neo bờ do trăng sáng, chủ tàu cũng phải ứng lương trước cho bạn để đến cuối tuần hết trăng có người mà nổ máy cho tàu xa khơi. Song nhìn chung, việc thiếu hụt lao động đánh cá xa bờ tại Quảng Bình vẫn diễn ra theo hướng căng thẳng hơn.

Ở chiều ngược lại, các xã ven biển của tỉnh miền trung này đang là những địa phương dẫn đầu trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, họ dần trở thành những triệu phú nhưng không phải nhờ làm chủ mà là làm… thuê ở xứ người.

Lao đao nghề cá xa bờ ảnh 1

Giữ được chân bạn thuyền là bài toán khó với nhiều chủ tàu cá tại Quảng Bình.