Làng chài nghĩa tình

NDO -

NDĐT - “Nghe tiếng la là biết có tàu bị đánh rồi. Chạy hết ra biển chứ đi đâu. Đàn ông thì canh sóng bơi ra cứu, đàn bà thì qua lại trên bờ nắm cái dây, đẩy cái thúng. Cứ làm được gì thì làm thôi”, bà Năm Nước cười tươi làm cái nếp nhăn trên gương mặt của tuổi già càng đậm hơn. Nếp nhăn đậm đặc nhưng khóe mắt bà thì cứ tươi như thế, mỗi khi ai hỏi đến chuyện cứu tàu.

Mỗi khi tàu bị nạn, cả làng huy động thuyền ghe ứng cứu.
Mỗi khi tàu bị nạn, cả làng huy động thuyền ghe ứng cứu.

Sự giận dữ của sóng gió, biển cả càng làm cho cư dân làng chài Mỹ Á, xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, gắn kết bền chặt. Cái nghĩa, cái tình từ xưa giúp ngư dân miền biển vượt bao khổ nạn.

Ông Xết vạn trưởng

Ở miền biển, cứ tìm người thì đến nhà giữa trưa. Ấy là lúc bà con từ ghe, cảng về bờ nghỉ ngơi, chuẩn bị việc buổi chiều. Làng chài miền biển đông đúc cư dân, nhiều ngõ ngách. Loanh quanh qua nhiều ngõ hẻm, chúng tôi tìm nhà vạn trưởng Nguyễn Xết. “Nhà chú Xết hả? Đi qua phía hẻm đối diện một đoạn rồi quẹo trái. Cứ đi tới đó hỏi tiếp. Mà vừa nãy thấy ổng còn ngoài cảng, không biết về chưa?”, người đàn ông trung niên vừa chỉ đường, vừa vội vã. Quẹo xe ra tới cảng, chúng tôi đã nghe tiếng người đàn ông rổn rảng: “Kéo qua bên trái một chút cho mấy cái tàu kia nó cập với chứ. Đông quá không có chỗ neo đâu”. Vừa nói, tay ông Xết phụ kéo dây thừng với nhóm thanh niên đưa tàu QNg 98530 TS neo chặt vào trụ bê-tông trên cảng.

“Hai bữa nay gió mùa về, biển động nên phải ra hối bà con neo tàu, không thì sóng lớn va đập hư hết, lại tốn tiền”, ông Xết nheo mắt giải thích. 56 tuổi, nhưng đôi tay người vạn trưởng của làng chài Mỹ Á vẫn thoăn thoắt, chỉ dẫn các tàu thuyền sắp xếp trật tự quanh cảng tránh trú gió mùa, sóng lớn. Gần mười lăm năm làm vạn trưởng làng chài Mỹ Á là chuỗi thời gian ông cùng bà con miền này trải qua nhiều khổ nạn vùng cửa biển. Ký ức những ngày đầu làm vạn trưởng vẫn y nguyên trong ông. Ngày đó, cửa biển Mỹ Á bị bồi lấp nghiêm trọng. Hơn 100 tàu thuyền của ngư dân trong làng không thể về nhà. Nước rút, nhiều tàu mắc cạn. Thủy triều lên, thuyền bị sóng đánh chìm. Tai nạn liên tục xảy ra, nhiều ngư dân bỏ tàu, bỏ tài sản để giữ tính mạng mỗi mùa biển động. Không chịu nỗi cái khổ của làng, ông xốc tay vào việc.

Làng chài nghĩa tình ảnh 1

Gần 15 năm làm vạn trưởng làng chài, ông Nguyễn Văn Xết không nhớ đã cứu bao nhiêu tàu thuyền bị nạn.

“Hồi đó xin kinh phí mãi không được. Càng chờ thì tàu bị nạn càng nhiều. Tui với anh em trong các vạn chài vận động bà con, chừng hơn 40 triệu. Mọi người chung tay thuê xe đến nạo vét luồng cửa biển”, ông Xết hồi tưởng. Niềm vui chưa tày gang, qua mùa sau, cửa biển lại bồi lấp. Những con tàu khơi xa trở về tiếp tục lâm nạn.

Ông Xết nhớ nhất là cuộc “đánh trận” một đêm năm 2003. Đó là “trận đánh” cả ngày đêm của làng chài Mỹ Á. Trên đường chạy vào cửa biển tránh bão, tàu của anh Nguyễn Tư bị sóng lớn đánh chìm. Giữa đêm, anh Nguyễn Tư cùng 11 ngư dân la hét kêu cứu. Tình thế cấp bách, ông Xết chạy khắp làng kêu bà con cứu nạn. Chạy vừa hết vòng làng chài, ra đến bờ biển thì cả làng đã ứng trực, người kéo dây, người đẩy thúng.

Đêm mịt mờ, không thấy đường tiếp cận anh em bị nạn, ông huy động bà con chạy đường bộ ra gành, đẩy ghe ra biển vớt người. sóng lớn đánh tàu vào gành đá vỡ vụn. Gần một ngày đêm vật lộn với sóng dữ, ông và cả làng mới cứu được 11 thuyền viên. Con tàu hàng trăm mã lực vỡ vụn. Với ông vạn trưởng, đây là cuộc cứu người lâu nhất ở gành biển. Ba nhiệm kỳ vạn trưởng, cố lục trong trí nhớ ông Xết cũng không biết mình đã cứu bao nhiêu dân chài và tàu cá. Không ít lần, gắng sức lắm ông cũng chỉ có thể cứu được người vào bờ, bất lực nhìn khối tài sản nghiệp biển của người làng chìm theo sóng dữ. “Xin nghỉ miết mà bà con không cho. Họ quý trọng, tin tưởng mình thì phải làm thôi. Không né được”, ông Xết bộc bạch.

Tàu bị nạn cả làng cứu nạn

Làng chài Mỹ Á xinh đẹp nằm xoải dưới chân hai ngọn núi Cửa và núi Một, phía ngoài là dải biển xanh. Nhỏ bé giữa khung cảnh rộng lớn của thiên nhiên, làng chài và cư dân nơi đây ngậm ngùi nhận ra sự yếu đuối trước thiên nhiên hùng vĩ. Giữa biến thiên của đất trời, người làng chài Mỹ Á cũng hiểu rõ, sức mạnh tự thân không thể thay đổi được trật tự của những ngọn núi sừng sững, hay nới rộng cửa biển để có nguồn sống an toàn. Những dòng cát được hút sâu hay bờ đê chắn sóng góp chút sức ngăn cuồng nộ của thiên nhiên vào làng chài xưa cũ. Giữa thiên nhiên hoang dại, tấm lòng của người miền biển ngự trị tạo nên sức mạnh, bảo vệ an toàn làng chài trước sự đỏng đảnh, thất thường của biển cả.

Những chiều vắng, anh Nguyễn Văn Tư lại tha thẩn bờ biển. Lang thang một mình, anh cố tránh gặp những ánh mắt thân quen của người làng. Anh muốn quên đi nỗi buồn tự thân. Đi biển từ năm 15 tuổi, hơn ba mươi năm khơi xa, anh Tư là tay đi biển cừ khôi của làng Mỹ Á. Rành rõi nghề biển, anh cũng là người tham gia cứu nạn cho nhiều tàu thuyền đi qua vùng biển này. Thế nhưng cái nghiệp lái tàu gắn hơn nửa đời người cũng dừng chân khi anh bị nạn và được làng cứu giúp.

Ngày 8-10-2016, trên đường đi đánh bắt trở về, anh đưa tàu QNg 98783 tranh thủ chạy vào bờ xuống cá. Mờ sáng, tàu cách cửa biển khoảng 50 m, sóng lớn đánh khiến lưới quấn vào chân vịt. Sóng liên tiếp bổ mạnh vào tàu, trong chốc lát, con tàu 165CV của anh nằm chỏng chơ nửa gành đá nửa đáy biển. Lo anh em thuyền viên nhảy xuống biển có thể sẽ mất mạng, anh Tư cùng 10 anh em bám thân tàu chờ bà con ứng cứu. Cả làng có mặt, hàng trăm người nối tay, dìu nhau cố đưa dây nêu và thuyền thúng cho thuyền viên. Lần lượt từng người được cứu vào bờ.

“Nếu không có bà con trong làng chắc là anh em tụi tôi chết hết. Lúc đó không thể nhảy xuống biển vì đâu phải ai cũng bơi giỏi. Cả làng ra ứng cứu kịp, đưa anh em vào bờ. Bà con ra kéo tàu vào bờ để vớt vác thiệt hại. Tàu hư nặng không sửa được, mình bán xác thôi. Từ đó tới giờ mình đi bạn với tàu khác”, anh Tư buồn bã.

Cửa biển Mỹ Á dài hơn 200 m, nằm giữa hai ngọn núi Một và núi Cửa. Những gành đá nhô ra cửa biển, mỏm đá ẩn dưới đáy sâu trở thành nơi bẫy tàu, là nỗi ám ảnh của nhiều ngư dân từng trải khơi xa. Mươi năm về trước, khi cửa biển bị bồi lấp tàu liên tục bị nạn. Tàu ở các tỉnh vào tránh bão không tránh khỏi, bà con trong làng thay nhau giúp sức. Mấy năm gần đây, cửa biển được khơi thông, có đê chắn sóng tàu bị nạn cũng ít hơn. Thế nhưng, khắc nghiệt của thiên nhiên từ xa xưa đã gắn kết người làng. Với dân chài, cái nghiệp biển đã gắn với cuộc đời. Đi xa sóng gió, ai cũng có thể bị nạn.

“Cứ nghĩ người ta bị tai nạn cũng như mình bị nạn. Phải cứu người như cứu người thân mình vậy. Hễ nghe có tàu bị sự cố là bỏ việc hết chạy ra biển. Dù lúc đó mình sắp ra khơi thì cũng phải dừng để đi cứu nạn trước đã”, anh Nguyễn Văn Cư, chủ tàu QNg 94041 khoát tay hào sảng, nghĩa hiệp.

Tàu bị nạn cả làng ứng cứu. Cái nghĩa cái tình giúp dân chài vượt qua sóng gió, khổ nạn. “A lô a lô, có ghe bị nạn ngoài cửa, nhờ bà con cứu giúp”, tiếng của ông Xết vẫn cứ vang khắp làng chài Mỹ Á. Đi rao vòng quanh hơn một giờ, ra tới cửa biển thì bà con cũng đông đủ. Cứ nghe “cửa biển bẫy tàu”, anh Nguyễn Văn Tư lại vội vã chạy ra cùng ông vạn trưởng và bà con đưa anh em về bờ. Nỗi buồn chưa dứt, nhưng anh không bỏ bạn biển. Sống ở làng chài nghĩa tình, ai cũng thế…