Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa

Kỳ 2: Lính đứng vời trông

NDO -

NDĐT- Để lên nhà giàn, thượng tá Nguyễn Đình Lịch thống kê có nhiều cách: “Đi đường bộ, là theo xuồng chuyển tải chở đến sát chân nhà giàn rồi bám cầu thang đi lên. Đi đường biển, là bơi vào nhà giàn. Đi đường không, là chui trong rọ hay bám ròng rọc để anh em kéo lên nhà”. Mùa biển động như thế này, đường bộ là điều không thể. Cứ tưởng tượng con sóng lên tới 4-5m, xuồng không thể bảo đảm cố định. Nhưng lần này, các phương án còn lại cũng trở nên nguy hiểm trong điều kiện thời tiết bất thường.

Lính nhà giàn DK1/7 Huyền Trân vẫy cờ chào tàu (Ảnh: NGUYỄN Á)
Lính nhà giàn DK1/7 Huyền Trân vẫy cờ chào tàu (Ảnh: NGUYỄN Á)

Lỗi hẹn với Huyền Trân

10 nhà giàn đi qua, chúng tôi nghe điệp khúc: “chuẩn bị lên nhà giàn” rồi lại ngậm ngùi cởi bỏ áo pháo đến chục bận. Sóng cứ dập dềnh, tàu đã tiến đến gần những bậc thang màu vàng nổi bật, vậy mà vẫn phải ngậm ngùi trở ra.

DK1/7 Huyền Trân là nhà chúng tôi kỳ vọng được đặt chân lên nhất. Buổi chiều loa thông báo chúng tôi chuẩn bị tư trang, tất cả đã sẵn sàng, tàu tiến sát chân nhà, rọ và phao đã được thả xuống. Nhưng sóng lớn bất ngờ làm kế hoạch đổ bể. Phía anh em nhà giàn Huyền Trân đề nghị sáng hôm sau thử lại theo đường xuồng.

Nhưng dù đồ đạc đã sẵn sàng, dù áo phao mặc rồi cởi mấy bận, vẫn không ai có thể rời tàu. Xuồng quần đảo nửa tiếng dập dềnh giữa bãi cạn vẫn không thể tiến gần cầu thang. Con người dạn dày kinh nghiệm chở xuồng từ Trường Sa đến DK như thiếu tá Hợp, cuối cùng vẫn phải “chào thua” sóng.

Lính nhà giàn hát tặng đoàn công tác qua bộ đàm

Bên Huyền Trân, có ai tếu táo: “Đã xong hết cả cơm nước, chỉ chờ người lên thôi”. Nhưng chúng tôi vẫn chỉ có thể gặp nhau qua bộ đàm. Tàu 261 đành chào tạm biệt Huyền Trân với việc đi một vòng quanh nhà giàn. Cánh lính trên nhà giàn đứng dạt cả một bên, vẫy cờ rối rít nhìn chúng tôi. Câu thơ “Lính đứng vời trông lệch cả đảo chìm” của nhà thơ Vương Trọng, tự dưng giống kỳ lạ cánh lính nhà giàn hôm đó. Bóng áo phao màu cam, áo trắng hải quân, cứ nổi bần bật với lá cờ hiệu, cứ như thể cả góc nhà giàn đã nghiêng về phía những người lính đứng. Mùa cuối năm, phải rất lâu nữa mới có đoàn khách đến thăm.

Tôi đã từng lỗi hẹn với nhà giàn nhiều lần. Năm 2011, tôi nhìn thấy một cô gái cứ dấm dứt khóc, hối hận vì đã từ chối không cho một bạn chiến sĩ trên nhà giàn ôm. Năm đó, cô là cô gái duy nhất của đoàn lên được nhà giàn, sóng gió khiến các chuyến xuồng sau đều không thể tiếp tục.

Còn năm nay, tôi đứng sát Ba Kè, sát đến mức tưởng chỉ với tay là tới. Nhìn thấy cả cây chuối ở Ba Kè đung đưa phía trên cao. Nhà giàn 1/20 Ba Kè vẫn được mệnh danh là nhà xanh nhất nhì thềm lục địa Nam. Nhưng cũng chỉ nhìn vậy thôi.

Kỳ 2: Lính đứng vời trông ảnh 1

Chúc Tết nhà giàn qua bộ đàm trên tàu 261

Chúng tôi cũng đã đến gần Quế Đường, thế nhưng lúc ấy sóng đánh tung lên cả mạn tàu. Đại uý Hoàng tần ngần nhìn sóng: “Sóng này với lính là êm, lên được, nhưng đại biểu thì đành chịu”. Có lẽ người Quế Đường cũng hiểu, nên tiếng hát của anh em Quế Đường chìm trong tiếng sóng: “Chông chênh, mặc chênh chông, lính nhà giàn chẳng sợ bão giông”, lạo xạo qua tiếng bộ đàm.

Mắt chúng tôi, không hẹn mà đều ướt.

Cây quất nâng niu

Không lên được nhà giàn, tàu phải cho hàng vào các túi ni lông buộc chặt, rồi neo dây thả xuống biển cho phía nhà giàn kéo về vớt lên. Có lúc sóng to như phía Phúc Tần, tàu không thể tiến gần nhà, anh em phải thả hàng cho tàu trực Trường Sa 06 gần đó nhận hộ.

Kỳ 2: Lính đứng vời trông ảnh 2

Buộc đồ vào dây thả xuống biển để nhà giàn kéo lên

Mỗi một thứ đồ lên được nhà, là cả một hành trình. Không như ở Trường Sa, đồ mang lên đảo là cả gà cả lợn, ở đây mọi thứ được tính để gọn gàng nhất có thể. Đầu năm cũng có một chuyến tàu chở gà và lợn ra nhà giàn, nhưng lợn gà say sóng rồi chết gần hết cả.

Ngay cả thả đồ xuống biển cũng phải tính toán. Kéo dây căng quá thì dây đứt, chùng thì dây cuốn vào chân vịt. Cũng có nhà, tưởng chừng hàng đã đến tay rồi mà một đợt sóng ào qua, hơn trăm quả trứng vịt lộn trong túi bị trôi theo sóng biển. Có chỗ sóng mạnh quá, sợi dây thừng chắc là thế bị kéo căng, đứt như một sợi chỉ mảnh.

Kỳ 2: Lính đứng vời trông ảnh 3

Chuẩn bị thả hàng xuống biển từ tàu 261

Thế nhưng có những thứ mùa cuối năm, vất vả mấy anh em cũng cố mang đến tận tay các điểm nhận. Đại úy Lê Duy Sửu, Chính trị viên phó Tiểu đoàn DK1, ngồi trên tàu 261 cứ nhấp nhổm gọi hết cuộc điện thoại này tới cuộc điện thoại khác: “Có cành đào nhỏ mấy cháu học sinh làm tặng, ở trong túi hàng, nhớ để ý nhé, đừng có làm mất”. Tết nhà giàn năm nay còn có cả cây quất gửi từ Văn Giang (Hưng Yên) vào. Quất là thứ được nâng niu nhất khi vận chuyển. Phải bọc thật kỹ, buộc riêng một phao nổi rồi mới thả xuống biển. Ấy vậy mà cũng có nhà cây ngấm nước, kéo lên thì đã không còn nguyên vẹn. Thế nhưng lúc ấy, không phải chúng tôi – người đi gửi đồ nói câu xin lỗi – mà chính những người lính nhà giàn nhắn lại: “Các anh chị đừng buồn, năm ngoái đất liền gửi một cây quất ra chúng tôi vẫn chăm, vẫn còn tốt đây”.

Kỳ 2: Lính đứng vời trông ảnh 4

Cây quất từ Văn Giang sau nhiều sóng gió đã mang được an toàn lên nhà giàn DK1/16 Phúc Tần

Lại có lúc, hàng lên được nhà, như ở DK1/16 Phúc Tần, vừa mưa, vừa sóng, lên đến nơi đồ đạc thì ướt quá nửa. Đến cả mấy cuốn sách gửi cho tủ sách của đơn vị, đến ngày thứ 3 được hong, vẫn cứ còn nguyên vệt nước trên bìa. Đại uý Hoàng tần ngần: “Có mang mấy cái gối ôm cho anh em nằm, nhưng bị ướt cả”. Vậy là lại phải nhắn về bờ, gửi đồ khác ra. Vậy là lại phải chờ!

Kỳ 1: “Biển quê hương chưa tĩnh lặng bao giờ”