Đi lại đường xưa (phần tiếp)

NDO -

16 năm bám trụ và chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn, có bốn sư đoàn bộ đội công binh, hàng vạn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, dân quân tự vệ đã luôn nêu cao khẩu hiệu “Máu có thể đổ, nhưng đường không thể tắc”. Ngày hôm nay chúng tôi đi lại trên còn đường xưa nối hai miền nam - bắc mà cảm giác như trên đầu vẫn nghe tiếng máy bay gầm rú, dưới bánh xe như mặt đất rung chuyển…

Cầu Long Đại.
Cầu Long Đại.

Lá cờ Tổ quốc bay trên cầu Long Đại

Khi chúng tôi đến cầu Long Đại, xưa là địa điểm phà Long Đại nổi tiếng ác liệt - gần trưa đứng bóng trời nắng chang chang. Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ mới được Chương trình nghĩa tình Trường Sơn xây dựng mấy năm trước ngay bên dòng sông Long Đại hướng về bờ nam nằm im lìm trong nắng. Chúng tôi thắp nén hương tưởng nhớ các bác, các cô rồi ra giữa sân Đài tưởng niệm nhìn về phía dòng sông, cây cầu, hướng máy ảnh về lá cờ Tổ quốc trên cột cờ đầu cầu. Trời trưa không một gợn gió. Lá cờ Tổ quốc rủ xuống. Chờ mãi không thấy lá cờ bay lên, nắng miền trung giữa trưa hè hoa mắt. Tôi khấn các anh hùng liệt sĩ linh thiêng hãy làm ngọn gió cho lá cờ bay. Thật kỳ lạ, chỉ vài giây sau lá cờ Tổ quốc như được tung ra và tôi kịp đúng một giây để bấm máy khoảnh khắc ấy.

Đi lại đường xưa (phần tiếp) ảnh 1

Lá cờ Tổ quốc bay trên cầu Long Đại giữa trưa hè đứng bóng.

Người thanh niên trẻ của Tổng Đội TNXP Quảng Bình trông coi Đài tưởng niệm chỉ cho chúng tôi lối đi vòng qua cầu đường sắt sang phía bên kia đường để đến nhà bia tưởng niệm 16 người lính công binh hy sinh trong một trận bom ở bến phà lịch sử. Nếu anh linh các anh hùng liệt sĩ còn đâu đây trong hồn thiêng sông núi, chắc chắn họ đã dẫn chúng tôi đi theo con đường vòng vèo phía bên kia cây cầu, để chúng tôi “đi lạc” vào làng Long Đại giữa buổi trưa hè nắng như đổ lửa. Để chúng tôi được gặp hơn 10 nữ cựu dân quân, cựu thanh niên xung phong và ba cựu chiến binh của thôn Long Đại, thuộc xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đang ngồi hóng mát dưới bóng cây bên bờ sông.

Đi lại đường xưa (phần tiếp) ảnh 2

Cầu Long Đại xưa và nay.

Bây giờ chúng tôi mới hiểu được rõ hơn những gì mình đọc được phần nào trên sách báo, xem trên phim ảnh về sự khốc liệt của chiến tranh và tình nghĩa quân dân trong chiến đấu. Phà trên dòng sông Long Đại chính là “nút thắt cổ chai” - đoạn hẹp nhất trên bản đồ đất nước, nơi mà cầu đường bộ, đường sắt đều sát cạnh nhau, nơi trọng yếu chuyển quân binh và vũ khí, lương thực, nhu yếu phẩm sang tập kết khu vực giáp ranh giữa hậu phương và tiền tuyến trước khi vào chiến trường miền nam trên con đường Trường Sơn huyền thoại. Nơi này từng được mệnh danh là “Lũy thép bờ bắc’, “Cồn Cỏ trên đất liền”… bởi vị trí xung yếu và là trọng điểm bắn phá ác liệt của đế quốc Mỹ những năm chiến tranh…

Đi lại đường xưa (phần tiếp) ảnh 3

Đi chiến đấu không mang theo vũ khí

Nhắc đến thời chiến tranh, các mệ Phan Thị Thuật (75 tuổi), Phan Thị Trở (73 tuổi), Nguyễn Thị Vân (75 tuổi), Trần Thị Hằng (72 tuổi), Phan Thị Diệp (65 tuổi), Trần Thị Tuất (65 tuổi); các ông Nguyễn Viết Thỉ (78 tuổi), Nguyễn Ngọc Liễu (88 tuổi), Nguyễn Văn Đa (88 tuổi)… ở thôn Long Đại, xã Hiền Ninh đều như chưa quên một câu chuyện, chi tiết nào. Tất cả dường như mới hôm qua: nghe hiệu ba phát súng là báo có thương vong, sẵn sàng thương cáng đi cấp cứu; hai phát súng là đường bị tắc, sẵn sàng cuốc xẻng, cột nhà, dây kéo đi ứng cứu, san lấp; một phát súng là an toàn, tạm lui về nơi trú ẩn. Họ cũng như bất kỳ người dân nào ở thôn Long Đại, vốn bình yên quanh năm làm việc nhà nông, rồi chiến tranh đến lao ra vùng bom đạn. Họ gọi đấy là đội quân “đi chiến đấu không mang vũ khí”.

Đi lại đường xưa (phần tiếp) ảnh 4

Các cựu dân quân du kích, thanh niên xung phong của làng Long Đại.

Gần 10 năm liên tiếp trong chiến tranh chống Mỹ, thôn Long Đại hầu như chưa khi nào ngớt tiếng bom. Ngôi làng mà theo mô tả của mệ Thuật là đứng ở trên đồi nhìn về khi nào trông cũng như một đám cháy vừa xong. Thôn Long Đại khi ấy còn có tên “Long đầu” bởi tiếng bom không khi nào thôi đinh tai nhức óc.

“Lúc bấy giờ, dân số của làng chỉ trên dưới 800 nhân khẩu, với 250 nóc nhà. Làng quê nhỏ và yên bình bị bom Mỹ thiêu trụi hoàn toàn từ sau ngày 28-4-1965. Có ngôi nhà cháy đi cháy lại nhiều lần. Dân làng quen thuộc với từng loại từ bom bi, bom lân tinh, bom nổ chậm, cả cây nhiệt đới” - mệ Thuật kể lại.

Người dân Long Đại khi đó phải sơ tán lên Rào Trù, số thanh niên còn lại thành lập trung đội dân quân bám trụ địa bàn để giúp bộ đội công binh bảo vệ tuyến đường huyết mạch chuyển quân lương vào chiến trường miền nam. Không phân biệt tuổi tác, gái trai, trẻ em từ 15-17 tuổi đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Từ làm đường san lấp hố bom, kéo phà, chèo đò chở bộ đội và vũ khí đạn dược qua sông, cấp cứu thương bệnh binh, nuôi quân và giấu quân khi bộ đội hành quân qua làng. Những năm đầu của chiến dịch mở đường mòn Trường Sơn, chưa có dân công hỏa tuyến, quân và dân thôn Long Đại đã cùng bộ đội công binh bảo vệ cắm chốt phà Long Đại, bảo đảm cho hàng vạn chuyến xe qua sông.

Đi lại đường xưa (phần tiếp) ảnh 5

Bến phà và cầu Long Đại xưa. Góc trái là núi Thần Đinh sừng sững (Ảnh tư liệu).

Chúng tôi không thể hình dung nổi, những người phụ nữ nông dân, tuổi đã xế chiều ngồi hóng mát dưới bóng cây bên bờ sông Long Đại với dáng hình khắc khổ này lại có thể nói vanh vách về các loại vũ khí. Nào là súng trường K44 của Hungary dài ngang thân người, nào là tiểu liên, trung liên, đại liên, rồi súng 12 ly 7. Bà Trần Thị Hằng, nguyên là TNXP trực chiến, có thể nhớ lại như in thao tác bắn súng phòng không 12 ly 7. Hàng chục năm trời trong những năm chiến tranh, những người phụ nữ giản dị này là những chiến sĩ kiên gan bám trụ sông Long Đại chiến đấu và bảo đảm hậu phương trực tiếp cho tiền tuyến lớn miền nam. Họ làm bất cứ việc gì mà tổ chức phân công.

Những lần “truy điệu sống”

Trong chiến tranh, chuyện “truy điệu sống” cho các chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến hay dân quân du kích hầu như trận địa nào cũng có và là chuyện bình thường. Nhưng với các cựu dân quân du kích Long Đại thì không ai quên được cái lần được truy điệu sống trước khi đi ứng cứu phà chìm năm 1968.

Đi lại đường xưa (phần tiếp) ảnh 6

Chúng tôi được gặp gỡ những nhân chứng lịch sử - những người con của làng Long Đại.

Ông Nguyễn Văn Liệu nói, nhiều chuyện nguy hiểm ông không nhớ, nhưng chuyện đã nhớ thì nhớ mãi không quên. Trong ký ức của ông, không bao giờ quên lần truy điệu sống đó.

“Buổi sáng hôm đó, có thông báo máy bay Mỹ bắn phá phà Long Đại ác liệt, phà bị chìm, xe chở vũ khí, lương thực rơi xuống sông, bộ đội hy sinh và bị thương nhiều. Toàn trung đội dân quân Long Đại tập hợp theo lệnh Trung đội trưởng Phan Thị Thuật. Trước khi lên đường, chúng tôi làm lễ ngắn gọn, chào cờ Tổ quốc và nhận nhiệm vụ sẵn sàng. Cán bộ chỉ huy thông báo tình hình, căn dặn nhiệm vụ và nói: Các đồng chí đi chuyến này lành ít dữ nhiều. Chúng ta chiến đấu hết sức mình và có thể hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Nếu bị thương thì được làm thương binh, nếu chết thì được làm liệt sỹ. Chúng tôi cứ thế tuân lệnh, nam thì vác cột, nữ thì chuẩn bị dây kéo đi kéo phà và cứu bộ đội. Trên đường ra bến phà, Mỹ bắn bom tọa độ phải dừng lại ẩn nấp mấy lần. Nhưng chúng tôi cũng lên được bến phà, kéo được phà chìm lên để mang đi cất giấu. Ngay lúc đó bị máy bay ném bom dữ dội, phà trúng bom, tất cả chúng tôi nhảy sang ca nô. Chỉ có hai chị em là Phan Thị Bán và Nguyễn Thị Tuế đứng giữa phà không kịp nhảy, rớt xuống sông nhưng nấp được vào dưới gầm phà nên vẫn thoát chết. Lần đó, đã được truy điệu rồi nhưng tất cả chúng tôi may mắn không ai chết, tất cả trở về lành lặn...

(Còn tiếp)

* Đi lại đường xưa