Chuyện một người thương binh đi tìm liệt sĩ

NDO -

NDĐT- Ông Trần Tường Huấn (Hà Nội) là thương binh bậc 2/4. Ông Huấn nghỉ hưu từ năm 2009 với quân hàm Đại tá, nhưng gần bốn năm nay, ông vẫn miệt mài với những hành trình đi tìm phần mộ liệt sĩ - những người đồng đội cùng chiến đấu đã hy sinh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Ông Huấn tâm niệm mình còn sức thì còn làm, và muốn tận dụng quỹ thời gian còn lại để đi tìm những đồng đội hiện còn thất lạc.

Cựu chiến binh Trần Tường Huấn bên mộ các đồng đội (Trung đoàn 59, Bộ Tư lệnh Thủ đô) hy sinh trong trận đánh phân chi khu Vĩnh Xuân, tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.
Cựu chiến binh Trần Tường Huấn bên mộ các đồng đội (Trung đoàn 59, Bộ Tư lệnh Thủ đô) hy sinh trong trận đánh phân chi khu Vĩnh Xuân, tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.

Ông Trần Tường Huấn sinh năm 1953, người Hà Nội gốc. Thời điểm chiến tranh chống Mỹ bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, ông Huấn và nhiều người bạn cùng trang lứa từ ghế nhà trường đã tình nguyện tòng quân ra chiến trận.

Trong số những thanh niên người Hà Nội đang còn ở độ tuổi học sinh tham gia chiến đấu ấy, có nhiều người đã mãi không trở về. Với nhiều gia đình liệt sĩ, những gì còn lưu giữ lại chỉ là tờ giấy chứng tử, bằng Tổ quốc ghi công và một vài manh mối thông tin rời rạc về nơi chôn cất.

Trong số học sinh lớp G Trường PTTH Chu Văn An (niên khoá 1970-1973) nhập ngũ dịp đó, có hai người đã hy sinh khi chiến đấu là liệt sĩ Đặng Trần Cảnh và liệt sĩ Vũ Duy Hùng, đều là bạn học của ông Huấn. Đáng nói, cả hai trường hợp liệt sĩ Cảnh và Hùng đều chưa xác định được nơi chôn cất và hài cốt.

Nhân một dịp họp lớp, nặng lòng về hai người bạn hiện còn “thất lạc”, ông và những người bạn đã quyết định thành lập nhóm Tìm bạn về với mong muốn hỗ trợ thân nhân hai người bạn liệt sĩ trong việc tìm kiếm những gì còn sót lại.

Cuối tháng 5-2016, nhóm ông Huấn đến xin phép và nhận ủy quyền từ hai gia đình liệt sĩ Cảnh và Hùng, để bắt đầu hành trình tìm bạn với manh mối duy nhất mà họ có được chỉ là hai tờ giấy báo tử.

Chuyện một người thương binh đi tìm liệt sĩ ảnh 1

Những bộ "hồ sơ" tìm kiếm bạn bè và đồng đội được ông Huấn lưu giữ cẩn thận, được sắp xếp khoa học.

Tìm bạn học thất lạc hơn 40 năm từ hai tờ giấy báo tử

Chắp nối những mảnh vụn thông tin từ gia đình hai liệt sĩ và mạng lưới cựu chiến binh, nhóm Tìm bạn về đã bắt đầu một hành trình đầy quyết tâm đi tìm hai người bạn thất lạc.

Giấy báo tử mà gia đình liệt sĩ Cảnh lưu giữ chỉ ghi vỏn vẹn thông tin cho biết, liệt sĩ Cảnh là chiến sĩ thuộc đơn vị KB, đã hy sinh tại mặt trận phía nam vào ngày 18-8-1973, được mai táng tại nghĩa trang mặt trận. Giấy báo tử tuy ghi đúng tên, đúng năm sinh và địa chỉ gia đình liệt sĩ, nhưng lại nhầm tên đệm thành Đặng Xuân Cảnh. Dù đã nhiều lần tìm hỏi, nhưng thông tin từ giấy báo tử quá ít nên gia đình vẫn chưa xác định được liệt sĩ Cảnh hy sinh ở đâu, lúc hy sinh thuộc đơn vị nào.

Đầu tháng 6-2016, nhóm ông Huấn bắt đầu hành trình tìm kiếm thông tin liệt sĩ Cảnh. Với sự giúp đỡ từ nhiều kênh, đặc biệt là từ mạng lưới cựu chiến binh, nhóm đã bước đầu xác định được đơn vị của liệt sĩ Cảnh khi hy sinh.

Thông tin từ các cơ quan chức năng xác nhận, liệt sĩ Đặng Trần Cảnh thuộc đơn vị d6/e20/f4 hy sinh ngày 18-8-1973 trong khi chiến đấu. Tiếp tục tìm kiếm, nhóm xác định được bạn học của mình hy sinh tại xã Vĩnh Hoà Hưng, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang; hài cốt được an táng tại nghĩa trang ấp Sáu Kim cùng nhiều đồng đội khác.

Năm 1983, số hài cốt liệt sĩ tại nghĩa trang ấp Sáu Kim (Gò Quao) đã được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Kiên Giang, gồm tổng số 173 hài cốt liệt sĩ, trong đó có thông tin 48 hài cốt, còn lại 125 hài cốt chưa có thông tin.

Căn cứ từ những thông tin có được, nhóm đã hỗ trợ gia đình liệt sĩ Cảnh làm đơn gửi Cục Người có công (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) và các cơ quan liên quan, đề nghị giám định mẫu ADN để xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Ngày 10-10-2016, kết quả giám định của Viện Pháp y quân đội kết luận: "Mẫu hài cốt liệt sĩ lấy tại mộ số 1, hàng 6, khu A, ô 3 có quan hệ huyết thống theo dòng mẹ với ông Đặng Trần Công, em trai liệt sĩ Đặng Trần Cảnh".

Chuyện một người thương binh đi tìm liệt sĩ ảnh 2

Ông Huấn cùng thân nhân gia đình liệt sĩ, bạn chiến đấu, bạn cùng lớp thời cấp 3 (Trường PTTH Chu Văn An – Hà Nội) bên mộ liệt sĩ Đặng Trần Cảnh tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Kiên Giang.

Khác với trường hợp của liệt sĩ Đặng Trần Cảnh, thông tin từ giấy báo tử của liệt sĩ Vũ Duy Hùng rõ ràng hơn, xác định rõ đơn vị là Trung đoàn 141 thuộc Sư đoàn 312, hy sinh ngày 25-11-1972 tại chiến trường Quảng Trị. Tuy nhiên, thông tin về nơi chôn cất cũng chưa có manh mối.

Gia đình liệt sĩ Hùng cho biết, khoảng thời gian Mỹ ném bom Ga Hà Nội (cuối tháng 12-1972), có một anh bộ đội mang ba-lô của Hùng giao về nhà và báo tin: “Hùng là người trẻ nhất tiểu đội, hy sinh đầu tiên, được chôn ở ven rừng, trên mộ chặn một tảng đá lớn, có một miếng sắt thùng đạn khắc tên”. Sau đó, người báo tin đã rời đi và không còn gặp nữa.

Để tìm ra nơi chôn cất liệt sĩ Hùng, nhóm ông Huấn nhận định manh mối có căn cứ nhất chính là những địa điểm nơi diễn ra những trận đánh ở Động Ông Do vào khoảng thời gian cuối năm 1972, đồng thời phải tìm gặp bằng được những người cựu chiến binh đã cùng chiến đấu vào ngày 25-11 năm đó, nhất là những người cùng đơn vị với Hùng.

Tháng 6-2017, từ những thông tin do những người cựu chiến binh cùng chiến đấu với liệt sĩ Hùng cung cấp, nhóm xác định được nơi liệt sĩ Hùng hy sinh và lập tức đi Quảng Trị tìm kiếm.

Tại Quảng Trị, với sự giúp đỡ của người dân địa phương, nhóm đã may mắn tìm được manh mối về hài cốt của hai “liệt sĩ chưa biết tên” đã được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Hải Lăng từ năm 1998. Hai liệt sĩ này có nơi an táng ban đầu gần vị trí liệt sĩ Hùng hy sinh khi chiến đấu.

Sau khi phân tích, thấy đủ cơ sở, nhóm và gia đình đã làm đơn đề nghị Cục Người có công và các cơ quan liên quan xem xét, cho giám định ADN. Ngày 20-11-2017, kết quả từ Viện Pháp y Quân đội khẳng định hài cốt được an táng tại ngôi mộ số 1.743 tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Hải Lăng chính là liệt sĩ Vũ Duy Hùng.

Sáng 4-12-2017, tại Hà Nội, Lễ đón, truy điệu liệt sĩ Vũ Duy Hùng đã được cử hành trọng thể. Sau hơn 45 năm xa quê, liệt sĩ Vũ Duy Hùng đã được đưa về nơi an nghỉ cuối cùng tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP Hà Nội.

Vậy là, sau gần hai năm nỗ lực tìm kiếm, nhóm ông Huấn đã hoàn thành tâm nguyện tìm được hai người bạn học đã thất lạc hơn 40 năm.

Chuyện một người thương binh đi tìm liệt sĩ ảnh 3

Ông Huấn thực hiện nghi thức chào theo điều lệnh quân đội trước linh cữu liệt sĩ Vũ Duy Hùng trong lễ đón, truy điệu tại Hà Nội tháng 12-2017.

Tiếp nối những hành trình đi tìm đồng đội liệt sĩ

Đầu năm 1972, ông Huấn nhập ngũ, tham gia quân số Trung đoàn 59, Bộ Tư lệnh Thủ đô, làm công tác huấn luyện chiến sĩ mới chi viện cho chiến trường miền nam. Năm 1974, ông cùng hai tiểu đoàn 76 và 78 (Trung đoàn 59, Bộ Tư lệnh Thủ đô) nhận nhiệm vụ vào nam tăng cường cho chiến trường Tây Nam Bộ, và tham gia Trung đoàn 1 - U Minh, Quân khu 9 với vai trò Tiểu đội trưởng.

Sau khi trực tiếp tham gia chiến đấu trong nhiều trận đánh giai đoạn Chiến dịch Mùa khô năm 1974-1975 tại mặt trận Vĩnh – Trà, ông Huấn tiếp tục tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Ngày 6-6-1975, ông Huấn bị thương khá nặng, được đồng đội sơ cứu và đưa về Bệnh viện Quân y của quân khu (sau này là Bệnh viện Quân y 121). Sau chiến tranh, ông Huấn quay trở về Hà Nội và tiếp tục phục vụ trong quân ngũ tới khi nghỉ hưu.

Mỗi dịp họp mặt Ban liên lạc truyền thống Trung đoàn 1 – U Minh (Quân khu 9) mà ông Huấn tham gia, nhiều cựu chiến binh đều nhắc về trận đánh Chi khu Ba Càng (tỉnh Vĩnh Long) ngày 12-4-1975. Trận đó, mũi chủ công quân ta là tiểu đoàn 307 bị pháo kích, nhiều đồng đội hy sinh.

Sau khi chiến tranh kết thúc, các cựu chiến binh đã nhiều lần về chiến trường xưa để tìm dấu tích đồng đội. Kết hợp nhiều nguồn thông tin, đến nay Ban liên lạc đã xác định được danh sách liệt sĩ hy sinh thuộc Trung đoàn 1 – U Minh tại trận Ba Càng, xã Song Phú, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long gồm 36 đồng chí.

Với sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng, Ban liên lạc đã khoanh vùng và xác định được chính xác khu mộ tập thể nơi có nhiều hài cốt liệt sĩ hy sinh trận Ba Càng. Từ đó, xác định được 22 mộ liệt sĩ đã được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Vĩnh Long từ năm 1996.

Sổ ghi chép của Ban quản lý Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Vĩnh Long ghi: “Ngày 16-1-1996: Chuyển 22 hài cốt vô danh từ xã Phú Thịnh (Song Phú), Tam Bình về Khu 15 vô danh, Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Vĩnh Long. Ô 2 từ mộ số 9 hàng 1 đến hàng 2, hàng 3 và mộ số 3 hàng 4. Trong đó, mộ số 2 và mộ số 8 hàng 3 không có hài cốt, chỉ có bùn”.

Chuyện một người thương binh đi tìm liệt sĩ ảnh 4

Cựu chiến binh Trần Tường Huấn tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Vĩnh Long, nơi quy tập 22 ngôi mộ “liệt sĩ chưa biết tên”.

Cuối tháng 5-2019, với những nỗ lực miệt mài tìm kiếm đồng đội của ông Huấn và Ban liên lạc, Cục Người có công đã có văn bản gửi Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long yêu cầu hướng dẫn, tạo điều kiện cho các thân nhân liệt sĩ lấy mẫu hài cốt liệt sĩ từ 19 ngôi mộ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Vĩnh Long, nhằm xác định thông tin liệt sĩ.

Bước đầu, với sự hỗ trợ của ông Huấn và Ban liên lạc, 18 gia đình liệt sĩ đã làm thủ tục pháp lý và lấy mẫu giám định ADN, Viện Pháp y Quân đội và gia đình người có công đã lấy được 15/19 mẫu hài cốt để tiến hành giám định ADN.

Ông Huấn chia sẻ, mặc dù mới lần đầu Ban liên lạc triển khai thực hiện công tác tìm kiếm đồng đội hy sinh nhưng đã đạt được kết quả. “Đây là kinh nghiệm tốt cho kế hoạch tìm kiếm đồng đội hy sinh trong các trận đánh khác”, ông Huấn khẳng định.

Chuyện một người thương binh đi tìm liệt sĩ ảnh 5

Bản danh sách mẫu hài cốt liệt sĩ gửi Viện Pháp y Quân đội làm giám định để xác định danh tính liệt sĩ.

Ông Huấn đặc biệt trăn trở với việc tìm kiếm những người đồng đội cùng quê Hà Nội đã hy sinh. Hơn một năm nay, ông luôn canh cánh với việc tìm kiếm thông tin liệt sĩ Đặng Văn Chanh, người đã hy sinh trong trận đánh phân chi khu Đôn Châu, tỉnh Trà Vinh vào tháng 1-1975.

Cùng tham gia chiến đấu trận đánh phân chi khu Đôn Châu và cùng bị thương, nhưng Tiểu đội trưởng Trần Tường Huấn bị thương nhẹ hơn, sau đó được gửi về Cù Lao Dung, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng cho người dân chăm sóc, còn liệt sĩ Đặng Văn Chanh thì mất tin từ đó.

Tháng 7-2018, ông Huấn làm đơn gửi cấp có thẩm quyền. Trong đơn, ông Huấn xác nhận liệt sĩ Đặng Văn Chanh thuộc quân số đại đội 2, tiểu đoàn 309, Trung đoàn 1 – U Minh, Quân khu 9, bị vết thương gãy đùi do pháo kích của địch trong trận đánh phân chi khu Đôn Châu; và đề nghị cấp có thẩm quyền tìm kiếm, trích lục thông tin về liệt sĩ Đặng Văn Chanh.

Ông Huấn tâm niệm rằng, mình phải cố gắng làm những điều dù nhỏ nhất để góp phần tìm kiếm và đưa các liệt sĩ về với gia đình. Ông Huấn cho rằng: “Nếu còn khả năng, còn sức khoẻ mà không hành động thì chúng ta có lỗi với các liệt sĩ”.