Miền trung gồng mình gánh lũ

Nhiều địa phương ở miền trung những ngày qua bị chìm trong lũ, mực nước dâng cao khiến người dân và chính quyền địa phương phải gồng mình chống chọi thiên tai. Các cấp ngành nơi đây hiện vẫn triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại do mưa lũ.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế thăm hỏi, động viên và trao thực phẩm hỗ trợ người dân gặp khó khăn ở vùng ngập lụt ven sông Bồ. Ảnh: VĂN THẮNG
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế thăm hỏi, động viên và trao thực phẩm hỗ trợ người dân gặp khó khăn ở vùng ngập lụt ven sông Bồ. Ảnh: VĂN THẮNG

Dồn sức để vượt qua khó khăn

Tại Thừa Thiên Huế, mưa lũ đã làm ngập nhiều khu vực từ thành phố đến các huyện miền núi. Tại phường Thủy Phù (thị xã Hương Thủy) giữa tuần qua nhiều khu vực hầu như ngập hoàn toàn, có những nơi ngập đến hơn 2 m. Đã nhiều ngày sống chung với lũ, đồ ăn dự trữ của người dân cũng gần hết, đường ngập sâu, nên sự cứu trợ của chính quyền, các cấp, ngành là hết sức cần thiết. Đoàn cứu trợ của Bộ Tư lệnh Quân khu 4 có mặt tại sân bay Phú Bài, thị xã Hương Thủy cùng 1.200 thùng mì tôm, hai tấn gạo và nhiều nhu yếu phẩm khác để hỗ trợ, ứng cứu kịp thời cho bà con vùng thấp trũng đang bị cô lập. Mệ Lê Thị Thuyên (87 tuổi), ở thôn 8, xã Thủy Phù mừng rỡ khi được hỗ trợ lương thực. “Tui năm ni 90 tuổi, sống một mình nên khi nước lên tui được chính quyền địa phương đến đem đi. Mấy bữa ni được tặng mì tôm, gạo và tiền, tui mừng lắm”, mệ Thuyên chia sẻ.

Do ngập lụt nhiều ngày, lại nằm trên tuyến đường khá thấp của thành phố Huế, Trung tâm Nuôi dưỡng người có công tỉnh Thừa Thiên Huế bị ngập lụt sâu. Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã dùng thuyền đi mua lương thực và đến tận nơi nấu nướng, phục vụ người có công. Thiếu tá Nguyễn Thị Thanh, Phụ trách công tác Phụ nữ - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết: “Trung tâm nuôi dưỡng 19 cụ từ 75 tuổi đến 93 tuổi. Do mưa lũ kéo dài nên chúng tôi đã huy động chị em đi mua lương thực, thực phẩm, bánh trái, sữa để kịp thời hỗ trợ trung tâm, bảo đảm đời sống cho các cụ”.

Tính đến ngày 14-10, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã sơ tán 12.075 hộ với 37.190 nhân khẩu đến nơi an toàn. Tuy nhiên, trong một diễn biến liên quan đến cứu hộ, cứu nạn nhóm công nhân bị đất vùi lấp tại thủy điện Rào Trăng 3, chiều 13-10, đã có 13 cán bộ, chiến sĩ trong đoàn công tác hơn 20 người đã bị mất liên lạc, trong đó có Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4. Đã có nhiều chuyến xe đưa phương tiện và nhiên liệu lên khu vực thủy điện Rào Trăng 3 để thi công xuyên đêm mở đường vào hiện trường.

Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Phan Thanh Hùng cho rằng, một trong những nhiệm vụ quan trọng được các địa phương, ban, ngành trên địa bàn tỉnh triển khai quyết liệt, đó là sơ tán, di dời các hộ dân vùng xung yếu, thấp trũng, ngập sâu đến nơi an toàn. Để tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt và chủ động ứng phó, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã ra thông báo về việc tạm hoãn Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020 - 2025, chỉ đạo toàn hệ thống chính trị tập trung chỉ đạo công tác khắc phục, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó bảo đảm an toàn tính mạng cho nhân dân và sản xuất, kinh doanh.

Quảng Bình cũng là tỉnh chịu thiệt hại nặng nề với tổn thất cả về người, tài sản và cơ sở hạ tầng. Tính đến ngày 14-10, đã có hai người chết, hơn 15 nghìn ngôi nhà bị ngập lụt. Nhiều tuyến đường bị ngập, sạt lở gây ách tắc. Về vùng lũ Lệ Thủy, chúng tôi được Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Sơn cho biết, nhiều năm nay Lệ Thủy mới xảy ra trận lũ lớn như vậy. Toàn huyện có hơn 9.100 nhà bị ngập sâu. Tuy nhiên, nhờ có kinh nghiệm “sống chung với lũ” và thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” ngay ở từng địa phương nên thiệt hại được hạn chế nhiều. Còn ở “rốn lũ” Tân Hóa, huyện Minh Hóa, nơi có hơn 550 nhà dân bị ngập sâu, trong đó hơn một nửa lũ lên tận nóc nhà. Tuy vậy, người dân vẫn an toàn trong mưa lũ là nhờ có nhà nổi, được kết từ những chiếc phao. Nước lũ lên bao nhiêu, nhà nổi dâng theo bấy nhiêu. Kinh nghiệm vượt lũ ở Tân Hóa được các địa phương vùng trũng thường xuyên bị ngập lụt sâu ở Quảng Bình nhân rộng.

Điều đáng lo nhất ở Quảng Bình là nước lũ ngập sâu và rút chậm nên người dân thiếu lương thực và nước uống. Mặt khác, ngâm trong nước lũ lâu và môi trường bị ảnh hưởng nên nhiều người có dấu hiệu mệt mỏi, dễ đổ bệnh. Trong những ngày mưa lũ này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các lực lượng chức năng bám địa bàn để chủ động ứng phó với mưa lũ, hỗ trợ người dân sơ tán ra khỏi khu vực nguy hiểm và bảo đảm lương thực, nước uống cho các vùng bị ngập sâu, cô lập. Những hoạt động cứu trợ lương thực, nước uống và các nhu yếu phẩm cần thiết khác cho người dân vùng lũ được thực hiện hết sức khẩn trương.

Sớm ổn định cuộc sống người dân

Cũng ở khúc ruột miền trung, mưa lớn đã tiếp tục gây thiệt hại lớn tại nhiều địa phương của tỉnh Quảng Trị. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã cảnh báo lũ đặc biệt lớn. Mực nước các sông lớn trên địa bàn: Thạch Hãn, Ô Lâu, Bến Hải, sông Hiếu có thời điểm vượt mức báo động 3. Trong đó, lưu vực sông Thạch Hãn và Ô Lâu nước lên rất nhanh; lũ lên trở lại, gây ngập hàng chục nghìn nhà dân.

Tại vùng rốn lũ huyện Hải Lăng, ông Bùi Xuân Giang, Chủ tịch UBND xã Hải Phong cho biết, lũ đã dâng ngập nhiều khu vực trong xã, nhấn chìm cả cầu Câu Nhi và cô lập hoàn toàn địa bàn Hải Phong. Ngoài ra, hầu hết các xã thuộc hai huyện vùng trũng Triệu Phong, Hải Lăng cũng bị nước lũ “tiến công”. Vùng núi Quảng Trị cũng bị ngập lụt, do mưa lớn kết hợp với thủy điện xả lũ từ chiều 11-10. Đã xuất hiện những điểm sạt lở ở đường Hồ Chí Minh nhánh tây qua các huyện: Đakrông, Hướng Hóa. Trên QL9, điểm sạt lớn nhất ở Km 50+200 đoạn qua huyện Đakrông, nền đường bị nứt toác, giao thông cách trở. Các ban, ngành tại địa phương đang nỗ lực hỗ trợ bà con vùng lũ xử lý sự cố, tiếp ứng kịp thời. Công tác cứu trợ khẩn cấp về lương thực, thực phẩm cho người dân tại các vùng ngập sâu được địa phương khẩn trương triển khai. Ưu tiên hàng đầu là quản lý, bảo vệ an toàn tính mạng cho người dân, không để cảnh màn trời, chiếu đất.

Tại địa bàn tỉnh Quảng Nam, mưa lớn kéo dài, cùng với các thủy điện đồng loạt điều tiết lũ đã làm mực nước trên sông trên địa bàn dâng cao làm hệ thống đường giao thông và hàng nghìn nhà dân ở vùng trũng thấp ở vùng hạ du ven sông Vu Gia, Thu Bồn bị nhấn chìm trong biển nước mênh mông. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trương Xuân Tý, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cho biết, để bảo đảm an toàn cho người dân ở các vùng trũng thấp, ven sông, ven suối, các địa phương trong tỉnh đã khẩn trương sơ tán, di dời hơn 530 hộ, với 1.670 người ở vùng có nguy cơ sạt lở đất và ngập lụt tại các huyện Tây Giang, Nam Giang, Nam Trà My, Đại Lộc, Phú Ninh… đến nơi an toàn. Trong đó, huyện miền núi Tây Giang đã tiến hành sơ tán hơn 100 hộ để tránh rủi ro do lũ quét, gây sạt lở đất. Tuy nhiên, do mưa lớn kéo dài, kèm theo gió lớn, nên một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã bị thiệt hại về người và tài sản.

Theo thống kê từ Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh, đến ngày 14-10, có chín người chết và hai người mất tích. Mưa lũ lớn trong đợt vừa rồi cũng đã gây thiệt hại lớn về hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, điện cùng nhiều tài sản của người dân. Đáng nói là, có nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn các huyện: Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Nam Trà My, Tiên Phước… bị sạt lở tại nhiều điểm gây khó khăn trong việc đi lại và vận chuyển hàng hóa.

Cũng như nhiều địa phương khác đang nỗ lực ứng phó với mưa lũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Lê Hoàng Linh cho biết, trong những ngày qua, huyện Tây Giang đã huy động lực lượng và phương tiện tập trung khắc phục, đến nay, các tuyến đường này đã tạm được thông tuyến để người dân và phương tiện qua lại. Để sớm khắc phục hệ thống giao thông, huyện Tây Giang đã chi 1,5 tỷ đồng để sửa chữa tạm các tuyến đường giao thông từ trung tâm huyện đi các xã; đồng thời tập trung triển khai các giải pháp nhằm khôi phục lại sản xuất, ổn định cuộc sống người dân. Các địa phương trong tỉnh đang hết sức khẩn trương kiểm tra lại tình hình thiệt hại, dùng nguồn quỹ dự phòng để khắc phục hệ thống giao thông, thủy lợi và kịp thời có kế hoạch hỗ trợ người dân gặp khó khăn do mưa lũ và sớm ổn định sản xuất, cuộc sống người dân vùng lũ.

Trong khi cán bộ, chiến sĩ, người dân miền trung đang gồng mình khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, tiến hành cứu hộ, cứu nạn, cơn bão số 7 cũng đã suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới và đi vào đất liền các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An. Đến 22 giờ ngày 14-10, tâm áp thấp nhiệt đới trên khu vực biên giới Việt Nam - Lào. Do ảnh hưởng của bão số 7 kết hợp với không khí lạnh nên đến ngày 16-10, ở khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Hòa Bình, Nam Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến khoảng 200 - 350 mm/đợt, có nơi trên 400 mm/đợt; các nơi khác ở Bắc Bộ và Hà Tĩnh khoảng 50 - 150 mm/đợt.