Mặn cả nước dừa

Nằm giữa bốn bề sông nước, nhưng chưa năm nào Bến Tre lại thiếu nước ngọt như năm nay. Hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử khiến toàn bộ hệ thống kênh, rạch đều bị nhiễm mặn nên nông nghiệp thiệt hại nặng nề; người dân từ thành thị đến nông thôn phải sống quay quắt trong tình cảnh thiếu nước ngọt nghiêm trọng.

Nông dân huyện Chợ Lách đốn bỏ cây chôm chôm chết do nước mặn.
Nông dân huyện Chợ Lách đốn bỏ cây chôm chôm chết do nước mặn.

Đồng khô cỏ cháy

Những ngày giữa tháng ba, trời nắng như đổ lửa. Ông Lê Văn Hùng, ngụ xã Bình Thành (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) ra đồng chỉ biết ngậm ngùi nhìn hơn một héc-ta lúa chết khô. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh đã gieo sạ khoảng 5.300 héc-ta lúa đông - xuân (do nông dân tự ý xuống giống, không theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp), hầu hết đều bị mất trắng do hạn hán, xâm nhập mặn.

Trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, gia đình bà Phạm Thị Thúy, ngụ xã An Phú Trung (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) xuống giống 5.000 m2 lúa với hy vọng vừa thu hoạch lúa, vừa tận dụng nguồn rơm cho bò ăn. Tuy nhiên, khi xuống giống được gần một tháng thì nước mặn xâm nhập về con kênh nội đồng phía trước nhà. Bà Thúy than: “Mấy năm trước cũng xuống giống vụ này rất trúng nên năm nay làm liều, dù chính quyền đã khuyến cáo nước mặn về sớm. Hơn ba triệu đồng gia đình đầu tư để mua giống coi như mất trắng”.

Hạn, mặn còn ảnh hưởng lên tận các huyện sâu trong đất liền như: Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc... là những địa phương trước đây nước ngọt quanh năm. Trong đó, khoảng 20 nghìn héc-ta cây ăn quả (gồm chôm chôm, sầu riêng, bưởi da xanh, nhãn, măng cụt...), 72 nghìn héc-ta dừa, hơn một nghìn héc-ta cây giống, hoa kiểng bị ảnh hưởng.

Hơn một tháng qua, gia đình ông Nguyễn Văn Liệt (ngụ tại xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách) phải chạy đôn chạy đáo tìm nguồn nước ngọt phục vụ tưới cho vườn cây giống. Ông phải đào ao lớn rồi dùng tấm bạt nhựa để làm hồ chứa tạm. Tuy nhiên, nước phải mua từ nơi khác về chứa nên tốn rất nhiều chi phí. Ông Liệt cho biết: “Năm nay nước mặn xâm nhập khủng khiếp nên bà con bị thiệt hại nặng nề. Hầu hết vườn cây giống, cây ăn quả đều bị thiếu nước ngọt để tưới nên cháy lá, chết khô”. Để cứu vườn sầu riêng giống khoảng 2.000 m2, ông Liệt phải mua nước ngọt về tưới mỗi lần khoảng một triệu đồng. Một tuần chỉ đủ khả năng tưới một lần, chủ yếu để cầm cự cho cây sống qua mùa hạn, mặn đang diễn ra hết sức khốc liệt.

Giọt nước - giọt vàng

Cũng đã gần hai tháng nay, người dân Bến Tre khốn khổ vì thiếu nước ngọt để sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất. Hiện tại từ nông thôn đến thành thị đâu đâu cũng thiếu nước ngọt, do hệ thống nước sạch từ các nhà máy, trung tâm nước sạch nông thôn đều bị nhiễm mặn không thể sử dụng trong ăn uống, tắm giặt.

Gia đình bà Đinh Thị Bảy, ngụ phường 7, thành phố Bến Tre phải sử dụng tiết kiệm từng giọt nước ngọt vì rất hiếm. Gia đình bà thuộc diện hộ cận nghèo nên không có tiền mua nước ngọt, mà chủ yếu đợi những tổ chức, đơn vị cung cấp nước miễn phí mới có nước sử dụng. “Nhà có ba người lớn phải tắm nước mặn rất ngứa, nhưng cũng đành chịu, vì nước ngọt rất hiếm chỉ dùng để nấu ăn. Có đứa cháu gái đang học phổ thông thì được ưu tiên, nhưng cũng chỉ tắm nước mặn rồi xối lại một ca nước ngọt cho đỡ ngứa thôi”, bà kể.

Nhiều gia đình khác ở thành thị có điều kiện thì mua với giá rất đắt đỏ: từ 80 nghìn đến 200 nghìn đồng/m3 nước ngọt. Một số hộ không có dụng cụ chứa phải chấp nhận mua một can (khoảng 30 lít) với giá 5.000 đồng. Bà Nguyễn Thị Kim Như, ngụ phường An Hội (thành phố Bến Tre) mỗi ngày chỉ có thể mua ba can nhựa nước ngọt như vậy, được chở từ tỉnh Đồng Tháp về đây bán.

Hầu hết người dân đều phải trữ nước mưa từ mùa trước. Tuy nhiên, hạn mặn kéo dài khiến nhiều gia đình gần như đã cạn kiệt nước ngọt. Gia đình bà Hứa Thị Phòng, ngụ xã Bình Thới (huyện Bình Đại) là một thí dụ. Chỉ có hai người, nhưng “hiện trong nhà cũng chỉ còn vài lu nước”.

Tập trung nhiều giải pháp ứng phó

Để ứng phó tình hình hạn mặn, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng đã ký, ban hành Quyết định về việc ban bố tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn trên địa bàn. Đồng thời, yêu cầu các ngành, các cấp, địa phương tích cực khẩn trương vào cuộc thực hiện ngay các giải pháp trọng tâm trong phòng, chống, ứng phó tình huống khẩn cấp xâm nhập mặn.

Theo đó, tình hình xâm nhập mặn trên các sông chính tại tỉnh Bến Tre đang diễn biến hết sức phức tạp, mặn xâm nhập nhanh đột ngột và rất sâu. Để thực hiện tình huống khẩn cấp, UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu các ngành, các cấp, địa phương thực hiện triển khai công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, bảo đảm sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Tổ chức vận hành ngay phương án ứng phó xâm nhập mặn theo kịch bản hai (rủi ro thiên tai cấp độ hai), kiên quyết không để người dân bị thiếu nước uống do bị nhiễm mặn. Bên cạnh đó, tổ chức huy động mọi nguồn lực phục vụ hoạt động ứng phó xâm nhập mặn theo thẩm quyền. Tỉnh Bến Tre đã gấp rút hoàn thành các công trình như: đập tạm trên sông Ba Lai, đập tạm sông Mã (huyện Châu Thành); cống ngăn mặn thuộc dự án Bắc Bến Tre, nạo vét các tuyến kênh nhằm trữ nước ngọt và ngăn mặn... Đồng thời, khuyến cáo người dân sử dụng tiết kiệm nước, sử dụng các giải pháp kỹ thuật để canh tác phù hợp, dùng mọi dụng cụ để trữ nước ngọt và theo dõi chặt chẽ tình hình mặn để có giải pháp kịp thời.

Theo ông Cao Văn Trọng, giải pháp trước mắt là tỉnh thực hiện khẩn cấp vận chuyển nước ngọt từ các tỉnh khác về cung cấp cho các hoạt động thiết yếu, các bệnh viện, trường học và nhu cầu các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội và đời sống của người dân. Nghiên cứu đắp thêm các đập tạm cục bộ trữ nước ngọt, lắp khẩn cấp các thuyền bơm, các trạm bơm để bơm cấp nước bổ sung cho các hồ chứa nước ngọt, đập tạm; quan trắc tự động một số vị trí có khả năng xuất hiện nước ngọt để kịp thời lấy, trữ nước; đầu tư hệ thống lọc RO tại các nhà máy nước nông thôn để có nước ngọt phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân...

Hiện tại, tỉnh tăng cường kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ dụng cụ chứa nước, thiết bị xử lý nước cho hộ gia đình bị ảnh hưởng. Đặc biệt ưu tiên cho hộ nghèo, người dân sống sâu trong nội đồng, bãi ngang, vùng ven biển, trên các cù lao, cồn... Trong thời gian qua, tỉnh đã tiếp nhận sự hỗ trợ của hàng trăm tổ chức, cá nhân cho người dân trong tỉnh, từ dụng cụ chứa đến nguồn nước ngọt quý giá.

Mới đây, Ban Dân vận Tỉnh ủy cùng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bến Tre tổ chức Chương trình phát động nhân dân chủ động các biện pháp cấp bách phòng, chống, ứng phó hạn mặn trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Dịp này, Tư lệnh Vùng 2 Hải quân hỗ trợ các chuyến tàu vận chuyển nước ngọt và dụng cụ trữ nước; Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn tặng 200 bồn trữ nước loại 500 lít, 500 bình nước uống loại 20 lít và chuyến tàu cấp 250 m3 nước ngọt. Tổng công ty Điện lực miền Nam đã trao tặng máy lọc nước RO (công suất khoảng 60 lít/giờ, kinh phí 30 triệu đồng) cho Mái ấm Đức Quang (xã Long Hòa, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) - nơi nuôi dưỡng hơn 100 trẻ em mồ côi, đồng thời tặng 200 bình nước uống loại 20 lít cho người dân nghèo, gia đình chính sách tại huyện Bình Đại nhằm chia sẻ những khó khăn với người dân trong mùa hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt. Công ty cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương cũng đã triển khai hỗ trợ 6.000 m3 nước ngọt - sạch cho người dân tại thành phố Bến Tre cùng các huyện: Mỏ Cày Nam, Châu Thành, Giồng Trôm...

Trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh có xu hướng diễn biến ngày càng gay gắt, khốc liệt hơn, tỉnh Bến Tre đang tập trung nhiều giải pháp lâu dài để ứng phó. Trong đó, ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình thủy lợi trọng điểm trên địa bàn tỉnh như: Dự án JICA 3; các hạng mục còn lại của dự án Nam - Bắc Bến Tre; đồng bộ Dự án cấp nước sinh hoạt cho khu dân cư khu vực Cù Lao Minh trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Hiện nay, tỉnh cũng nghiên cứu xây thêm hồ chứa nước ngọt tại huyện Ba Tri và các huyện ven biển; các cống, âu thuyền lớn để bảo đảm đủ nước ngọt trong thời gian tới. Đồng thời, tập trung đồng bộ các giải pháp, khuyến khích người dân chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu, cây trồng, vật nuôi phù hợp với đặc điểm của từng vùng sinh thái theo hướng thích ứng với hạn, mặn...

Cả một guồng máy đã được khởi động. Vì nghĩa đồng bào, vì mầu xanh vĩnh cửu của xứ dừa, vì những thế hệ chủ nhân của Tổ quốc mai sau, trên mảnh đất Bến Tre này.

Mặn cả nước dừa ảnh 1