Cư Jút ơi cần lắm những nhịp cầu!

Dòng Serepok chảy suốt chiều dài huyền sử Tây Nguyên, với những địa danh tạc vào rừng, vào núi, gợi nên vô số câu chuyện hấp dẫn, gọi mời khám phá… Nhưng, cũng chính dòng sông hùng vĩ với biết bao thác ghềnh ấy lại tạo ra những nguy cơ cho cuộc sống của đôi bờ. Trong một tuần lưu lại Cư Jút (Ðắk Nông), chúng tôi không chỉ được chứng kiến cảnh nhảy đá vượt sông, mà còn được biết những thân phận đầy ám ảnh xứ này!

Riết rồi quen, bọn nhỏ muốn đi học đều phải rành nhảy đá, leo trèo.
Riết rồi quen, bọn nhỏ muốn đi học đều phải rành nhảy đá, leo trèo.

18 năm “nước mắt chảy vào lòng”…

Trong mắt những người ưa khám phá, xê dịch, cung đường từ TP Hồ Chí Minh lên đến Ðắk Nông chưa bao giờ đẹp đến thế! Con đường nhựa nuột nà, bon bon qua phố thị rồi chạy xuyên rừng, xuyên núi, có những đoạn xuyên qua cả cánh đồng hoa rực rỡ muôn mầu… Chúng tôi đã đi rất xa để đến thượng nguồn dòng Serepok, nơi có cụm thác Dray Sáp, Gia Long, Trinh Nữ đủ sức làm choáng váng bất kỳ ai lần đầu đến nơi này bởi sự hùng vĩ, sức nước mãnh liệt và vẻ đẹp bi tráng, hoang sơ… Ðêm, chìm trong tiếng nước trầm trầm, đùng đục, tan trong hơi thở ngọt ngào của núi rừng, lần đầu chúng tôi được biết về một Cư Jút không chỉ như xứ sở của những huyền thoại.

Người đàn ông ấy quê ở Thái Bình, ông từng là một người lính. Hết trận mạc, ông đưa vợ và hai người con lên tuốt vùng Cư Jút làm rẫy lập nghiệp. Cuộc sống mưu sinh nơi đất khách vất vả, chật vật nhưng không làm khó được người nông dân gốc bắc. Vậy mà, gia đình cố gắng bám trụ vào núi rừng nơi đây đã không gượng nổi trước nỗi đau quá lớn. Dòng Serepok hung dữ ấy đã cuốn trôi đứa con gái vừa tròn 16 tuổi, trước sự tuyệt vọng của ông bà. Bữa ấy, con bé chèo xuồng qua sông đỡ mẹ trỉa đỗ ngoài rẫy, không may trượt chân… Năm đó nước lớn lắm, hàng xóm láng giềng đổ ra hai bên bờ sông kiếm tìm mà phải đến hai hôm sau mới tìm được thi thể cô bé.

“Ðòn này giáng xuống chúng tôi nặng quá. Làm đám cho con xong, bà nhà tôi mang ngay đứa con trai bỏ về quê. Bà ấy không muốn quay lại vùng đất này nữa. Giờ tôi ở đây có một mình. Nương rẫy mênh mông, mỗi lần đi qua mé bờ sông tôi lại nhớ đến con gái. Tôi mường tượng cảnh nó vùng vẫy giữa dòng nước dữ kêu tôi. Ðau đớn lắm. Bao nhiêu lần tôi định bán rẫy về quê, nhưng mà như nó đang níu lại, tôi vẫn lang thang ngày ngày ở bờ sông này suốt 18 năm qua, nơi con gái tôi nằm xuống”- người đàn ông rưng rưng nước mắt.

Ông thì thầm ước nguyện: “Tôi đã già rồi. Rồi tôi cũng phải bỏ nơi này ra đi… Giờ tôi qua sông bằng cách gì cũng được, chèo xuồng, đu cáp, nhảy đá… cũng sắp qua một cuộc đời. Nhưng còn các cháu bé đi học trong buôn làng, còn những người phụ nữ ngày ngày phải cấy hái, nương rẫy… Tôi chỉ ước sao có một cây cầu dù nhỏ thôi để họ qua sông được an toàn”.

Người đàn ông ngoài 60 tuổi, mái tóc bạc phơ, gương mặt khắc khổ. Trơ trọi giữa núi rừng với nỗi cô độc và niềm khát khao về một cây cầu vững vàng bắc qua dòng sông hung dữ.

Cư Jút ơi cần lắm những nhịp cầu! ảnh 1

Ngày ngày, ông Vinh đưa người dân vượt sông bằng dây cáp thô sơ tự chế.

Người vớt xác trên sông

“Trong các buôn chỉ có trường tiểu học, muốn học trung học cơ sở phải ra xã. Riết rồi bọn nhỏ, đứa nào đi học cũng đều phải rành nhảy đá, leo trèo cô à” - ông Vinh mở đầu câu chuyện về những đứa bé ngày ngày đi ngang qua rẫy nhà ông để xuống bờ sông về nhà như thế.

Ông Vinh cũng là người xứ khác về đây lập nghiệp. Thuở ấy, xứ này hoang vu, ngoài tiếng sông gầm gào đêm ngày chỉ còn rừng cây xào xạc lá, tịnh không có tiếng người hay gia súc, gia cầm. Tự tay ông đỡ cho vợ sinh hai đứa con tại vùng heo hút này. Không làm vậy không được, bởi ngoài việc gia đình quá nghèo ra thì cũng không có cách nào đưa được một bà đẻ chạy tới bệnh viện kịp. Có bệnh viện thì cách tới mấy chục cây số đường núi, nơi gần hơn lại phải vượt sông…

Trong đủ thứ nghề kiếm kế sinh nhai mà ông Vinh làm, có một nghề là lặn mò gỗ dưới lòng sông Serepok. Sau mỗi mùa lũ, nhiều cây rừng đổ ngã rồi chìm xuống lòng sông, ông và con trai lặn ngụp mò lên. Chính vì tài bơi lặn và hiểu rõ lòng sông lắm ghềnh nhiều thác, lởm chởm đá chông mà sau này ông còn nổi danh khắp vùng là người chuyên làm việc thiện mò vớt xác người gặp nạn trên sông Serepok. Mỗi năm vài bận, cứ có người gặp nạn là thân nhân họ lại tìm đến ông. Có những khi ông và người con trai cả phải nằm phơi mình trên đá vài ngày đợi cho nước rút, mới tiến hành tìm kiếm được. Cảnh tìm người thiệt mạng dưới lòng sông ám ảnh kinh khủng, nhưng ông Vinh vẫn không bỏ cuộc… Ông luôn muốn đưa được người xấu số về với gia đình.

Ông kể rằng, chưa bao giờ ông tin vào ma quỷ, ông thấy việc của mình làm là tạo phúc cho cháu con. Ông kể: “Có khi một năm tôi vớt đến 6-7 người. Ðau lắm. Có một gia đình chết cả ba đứa con. Nhiều vụ là khách đi du lịch gặp nạn… Cứ đụng chuyện là người ta nhờ. Vệt này dân bên Cư Jút sang bên này làm rẫy, phần lớn là dân nghèo, giúp không thôi chứ tuyệt đối không lấy một xu, người ta mất người thân đã quá khổ rồi. Mình làm được gì cho họ là mình an lòng thôi”.

Gần đây, ông lắp cọng cáp thô sơ kéo bằng tay để bà con qua lại. Không hẳn đã an toàn, nhưng dẫu sao cũng đỡ hơn mỗi khi mùa nước lớn về... Ông Vinh cũng có nỗi buồn, khó nguôi ngoai. Cô con gái út lớn lên bên dòng Serepok, nhưng lại bỏ về Bình Dương làm công nhân. Núi rừng đẹp là thế, kế sinh nhai cũng không quá khó khăn khi cha mẹ có vài héc-ta rẫy. Nhưng cô vẫn đi. Vì ở đây quá buồn. Từ bên này sang bên kia dòng sông mới vào được thị trấn, nơi ấy mới có cuộc sống của thanh niên, nhưng không có cầu... Chỉ là một cây cầu thôi nhưng là cách trở hai thế giới. Phía bên kia sông là khát vọng tuổi trẻ, là sức sống, còn bên này, đời con chìm vào nương rẫy và nỗi buồn cô đơn. Thà ở trong căn phòng trọ mười mét vuông, đi làm công nhân theo ca theo kíp vất vả còn hơn ở lại, ông buồn với sự lựa chọn của con và cũng thương cô thắt lòng. “Nương rẫy này rộng biết bao nhiêu, giữ chân con gái không nổi” - bằng cái giọng đùng đục của người quen việc nông nặng nhọc, ông than...

Còn biết bao câu chuyện dọc hai đôi bờ dòng sông hùng vĩ xứ Tây Nguyên này. Ví như ánh mắt trong veo của đứa nhóc buổi sớm mai đu đá thoăn thoắt để kịp giờ tới trường. Như bóng lưng còng gập của bà cụ già gần 70 tuổi chênh chao trên lưng chừng tảng đá lớn. 40 năm qua, kể từ khi còn trẻ bà vẫn thường qua lại sông bằng cách nhảy, leo trèo qua các tảng đá. Bây giờ mắt mờ rồi, chân cũng run rồi mà ngày hai lượt bà vẫn phải vượt sông bằng cách đó. Cuối trời xa, cơn mưa sầm sập đến, bóng dáng run rẩy bé nhỏ của bà già cố bám vào đá trông mong manh đến nghẹn ngào.

Ông Nghiêm Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Jút từng trăn trở: “Nhu cầu học tập, lao động, giao thương của người dân rất lớn. Nên mặc dù địa phương đã tuyên truyền, giải thích và khuyến cáo về sự nguy hiểm, nhưng ở khu vực thác Trinh nữ vào mùa khô, khi nước cạn thì người dân vẫn qua sông bằng những cách rất nguy hiểm như nhảy đá, bơi xuồng, đu cáp tự chế... Việc có cây cầu qua sông thật sự là nguyện vọng của nhân dân và chính quyền địa phương”.

Khi chúng tôi đặt bút viết về những câu chuyện ở vùng đất này, ông Quang đang cảm thấy có động lực khi chia sẻ về Quỹ Hỗ trợ Xây dựng Môi trường xanh Việt Nam. Ðây là một quỹ xã hội hoạt động phi lợi nhuận, đã lên chương trình xây dựng những cây cầu nông thôn tặng cho đồng bào huyện Cư Jút. Vị phó chủ tịch mong mỏi sớm đến ngày cây cầu sẽ hiện diện nơi đây, để nối liền đôi bờ sông Serepok.

Tạm biệt Cư Jút, chúng tôi thầm mong sao, những câu chuyện đau thương bên dòng Serepok sẽ được biết đến, để có nhiều hơn những tấm lòng thiện nguyện chung sức bắc nên cây cầu.

Cây cầu đánh thức tiềm năng của cả một vùng đất. Cây cầu níu lại bước chân người thanh niên định rời bỏ quê hương. Cây cầu nâng bước những bàn chân ríu rít cho bầy em thơ ngày ngày tới trường. Cho những người cha, người mẹ không còn phải khóc con… Và, câu chuyện nhảy đá sẽ chỉ còn lại trong ký ức!