Chuyện nơi “cánh gà” chống dịch

Gần 1.000 chiến sĩ biên phòng, chưa kể lực lượng công an và dân quân tự vệ địa phương được tăng cường, chốt chặn trên toàn tuyến biên giới dài 240 km thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh từ đầu những ngày dịch Covid-19 bùng phát. Ở đó, những cơn gió rát rựa, vần vũ, vẫn xộc đến lành lạnh cả một buổi chiều hiu quạnh. Ở đó, cuối tháng Tư, năm nào, mưa cũng bắt đầu về như một lời cam kết. Nhưng tháng Tư năm nay dường như rất khác. Một tháng Tư với những câu chuyện “hậu trường” chống dịch…

Một chốt dã chiến thuộc Ðồn Biên phòng Phước Chỉ.
Một chốt dã chiến thuộc Ðồn Biên phòng Phước Chỉ.

Thức cùng biên cương

Tây Ninh mùa này ngày nắng đêm mưa. Có khi mưa về giữa chập, hơi đất bốc lên hầm hập. Từ huyện Trảng Bàng đi rừng quốc gia Lò Gò - Xa Mát, bắt gặp các chốt dã chiến được cắm gần bên đường hoặc thấp thoáng trong rừng. Chỉ tay vào một điểm cảnh giới đằng xa, anh lính biên phòng đi cùng “khoe” với tôi: “Ðó, cái chỗ kia, cũng là chỗ tá túc của anh em chiến sĩ trong mấy tháng chống dịch đó”. Thì có gì đâu? Một tấm bạt được căng lên từ cái cây bên này sang bên kia, thế cũng thành một “mái nhà”, một “chốt dã chiến”.

Chốt dã chiến mà anh vừa chỉ, cũng giống nhiều chốt, điểm cảnh giới dã chiến được dựng lên mấy tháng qua, ôm trọn 240 km đường biên Tây Nam này. Chốt tạm gọi là kiên cố thì che được nắng, chắn được mưa, có giường nằm nghỉ, có điện nước đàng hoàng. Trước khi công trình Thắp sáng biên cương xanh do Tỉnh đoàn Tây Ninh phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh và các nhà tài trợ thực hiện, trước khi được cấp mới lều bạt dã chiến đạt chuẩn, những tháng đầu, không ít nơi, các chiến sĩ phải sống trong những chốt dã chiến “ba không”, “bốn không”, nói chung đủ các tính từ, danh từ có thể gọi tên. Túp lều chăn vịt, cái lán tạm, chốt dã chiến, điểm dừng chân, nhà bạt… Có những trạm chốt, dựng chưa được dăm ngày đã bị gió “hốt” đi, hoặc mưa xuống “bốc đi”, phải dựng đi dựng lại mấy lần. Có chỗ, phải ngủ đứng vì mưa xuống, nước lai láng dưới chân, giường tạm cũng ướt nhẹp xơ xác.

Nhiều câu chuyện được kể, có khi “cười ra nước mắt” với người ngoài; nhưng với những người trong cuộc, lại chẳng phải là điều gì ghê gớm quá. Có lẽ, họ đã quá quen với những đợt tăng cường đặc biệt như thế. Vì vậy, họ không kể lâu về những khó khăn vất vả. Họ không nói nhiều về những đêm thức trắng tuần tra. Chỉ những ánh mắt thấm mệt vì thiếu ngủ, những trạm, chốt chống dịch tuềnh toàng, tạm bợ, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, nhiều khó khăn, như gián tiếp trả lời cho chúng tôi tất cả những câu hỏi.

Lính biên phòng, những khi không có dịch, đêm ngày vẫn “thức” cùng biên cương như thế. Có điều, khi dịch tới, phải cùng lúc làm những nhiệm vụ kép, vất vả nhiều hơn; nhưng nhìn chung, những vất vả đó cũng không sá gì, “các anh chịu được, vì đời lính thì có thời nào sướng đâu”. Anh lính biên phòng Ðồn Biên phòng Xa Mát cả dẫn đường đi cả kể chuyện. Ðang nói dở, chợt nhớ ra điều gì, anh “khoe” với tôi: “Ðồn Biên phòng Tân Bình (huyện Tân Biên) mà chúng ta sắp tới đây có chuyện này hay lắm”.

Một đồn biên phòng có tới bốn chiến sĩ có vợ sinh trong mùa dịch

Chuyện hay mà anh nói, đó là, một đồn mà có tới bốn chiến sĩ có vợ sinh trong đợt dịch này. Nếu không phải cắm chốt chống dịch, hẳn là những chiến sĩ đó đang trong kỳ nghỉ phép ngắn ngủi về thăm nhà, thăm vợ con của họ: Trung úy Nguyễn Tấn Phát (có vợ sinh con vào ngày 10-3), Ðại úy Trương Việt Anh (vợ sinh con ngày 1-4), Thiếu tá Nguyễn Công Thiết (vợ sinh con ngày 8-4), Trung úy Phạm Xuân Tường (vợ dự sinh cuối tháng này).

Không giống ba đàn anh, đây là lần đầu Trung úy Phạm Xuân Tường được làm cha. Hôm gặp Tường ở Ðồn Biên phòng Tân Bình, dù chiếc khẩu trang đã che đi một phần gương mặt; nhưng tôi vẫn kịp nhìn thấy tâm trạng qua đôi mắt anh khi nhắc đến người vợ bụng mang dạ chửa sắp phải vượt cạn trong hoàn cảnh không có chồng ở bên. Thỉnh thoảng, câu chuyện bị ngắt quãng bởi những khoảng lặng bối rối. Và tôi hiểu, một Phạm Xuân Tường trong vị trí người lính đồng thời là người chồng, đang cố nén những giọt nước mắt chảy ngược vào trong.

Hai vợ chồng Tường thuê trọ ở thành phố Tây Ninh. Bình thường, vài tuần, các anh sẽ được về phép 1-2 ngày. Nhưng từ đầu mùa dịch đến giờ, đơn vị tăng cường, anh em chiến sĩ phải trực 24/24 giờ. Vốn ngày thường cũng không ở bên để chăm sóc; lúc vợ bụng mang dạ chửa cũng không ở bên cạnh; đã vậy, tình hình dịch bệnh lại diễn biến phức tạp, không biết mẹ ở quê có mua được vé máy bay để vào chăm con dâu hay không. Tường nói với tôi, dù biết theo đời binh nghiệp “khổ”, nhưng trong cuộc đời mình, anh chưa bao giờ nghĩ đến cảnh vợ sinh mà mình vắng mặt. Cũng như chưa bao giờ hình dung, trải nghiệm lần đầu làm cha của mình lại ở “ngã ba đường” thế này.

Vợ của Thiếu tá Thiết lần này sinh phải mổ nên anh cũng lo lắng không thôi. Chỉ khi nghe bà nội gọi điện thoại nói mẹ tròn con vuông và nhìn thấy con qua chiếc smartphone, anh mới an lòng trở lại. Ðứa bé kháu khỉnh, bụ bẫm, khóc oe oe mà không có cha ở bên. Ở đầu bên này, người cha “chạm tay” vào con qua chiếc màn hình điện thoại nhưng đầy xúc cảm đặc biệt. Anh nói, Covid-19 là “một cơn thử lửa ngặt nghèo”. Không chỉ với mỗi quốc gia, mà với từng số phận, từng trải nghiệm rất riêng tư và bé mọn của mỗi người. Như chuyện các anh có vợ sinh trong đợt này mà không về được, rõ ràng, nó cắt xẻ, tước đoạt đi quyền lợi và trách nhiệm của một người chồng, người cha.

Khi tôi hỏi, điều mong muốn nhất của họ lúc này là gì? Cả bốn đều nói: Mong hết dịch, để về bế con.

Cuộc nói chuyện đặc biệt của những người cha đi vắng

Thế rồi, trên chiếc bàn uống nước ở Ðồn Biên phòng Tân Bình, có một khung cảnh đặc biệt. Bốn người lính từ những miền quê khác nhau, lại có hoàn cảnh giống nhau, ngồi tâm sự với nhau.

Ba anh đi trước, đều làm cha lần thứ hai, “mách” kinh nghiệm cho đàn em lần đầu làm cha Phạm Xuân Tường. Cuộc nói chuyện thỉnh thoảng xen những cái thở dài lẫn nụ cười. Thấy nó chưa, tóc đen xì, lúc mới đẻ ba ký chín; nay chắc 5 ký rồi - anh Phát mở hình đứa con gái “rượu” ra khoe. Sao năm ký nhanh vậy được - anh Tường đáp. Thế là chú mày lần đầu làm cha, nên không biết rồi: ba ký chín mà nhảy lên năm ký sau một tháng là chuyện hết sức bình thường như cân đường hộp sữa. Mà bọn nít ni ngày ngủ đêm thức, các mẹ mệt quá trời. Nhà này cũng rứa, cứ chiều hơn năm giờ là thức, chơi tới khuya, ngủ được một “miếng” rồi dậy, sau đó chơi tới sáng - Việt Anh, Tấn Phát góp chuyện. Mà bọn ni “nhạy” lắm, khi vợ đẻ, dặn đừng lấy áo mình cho nó đắp nha Tường. Nó mà quen hơi, mai mốt mình đi đơn vị, nó khóc dữ lắm, tội nó. Nhưng anh Thiết cũng kể, mấy lần con khóc ngặt nghẽo không chịu ngủ, vợ anh lấy chiếc áo của anh đắp lên, bé lại ngủ ngon lành…

Thiếu tá Thiết nói, anh vẫn tin, dù anh không có mặt ở đó lúc con chào đời, dù hơn tháng rồi kể từ ngày bé ra đời, hai cha con mỗi người mỗi ngả, thì giữa họ, vẫn có một sợi dây vô hình gắn kết với nhau. Hay như Trung úy Phát, anh gọi những ngày này là “những ngày lịch sử” trong cuộc đời làm lính của mình. Anh được làm cha, ở cái quãng không ngờ nhất, trong một tình thế bất khả; nhưng cũng cảm ơn cuộc đời vì mẹ tròn con vuông. Anh hài hước nói, giá như vợ sinh con gái, sẽ đặt luôn tên con là “Vy” để nhớ mùa này là mùa “Cô Vy”.

Chuyện nơi “cánh gà” chống dịch ảnh 1

Chiến sĩ Phát mở hình con ra “khoe”.

Rồi mai này khi con lớn lên, các anh sẽ kể con nghe hồi đó mẹ sinh em, cha bận chống dịch nên không được nhìn thấy con đầu tiên và lúc đó, cha sẽ gửi một lời xin lỗi chính thức đến con.

Tôi nhớ lúc đứng ở đường biên Tà Peng (huyện Bến Cầu), gió biên cương thổi vào lồng lộng. Một chiến sĩ trò chuyện với tôi: Mấy chục năm “cắm chốt” ở cái vùng đồng không mông quạnh nhưng mỗi tấc đất đều ghi dấu thiêng liêng của bờ cõi đất nước này, anh không còn “nổi da gà” vì những mùa gió nghịch, không còn xao động vì một trận mưa đêm vần vũ. Nhìn anh, giống như nhiều lính biên phòng vô tình bắt gặp ở vùng đất này, ai cũng da nâu rám nắng, rắn rỏi. Nhưng ẩn sâu bên trong những con người phong trần nắng gió ấy, đều có những câu chuyện khác, rất riêng tư của cuộc đời mình. Trên 240 km đường biên, nơi những trạm, chốt chống dịch mà chúng tôi đã đi qua, ở mỗi ki-lô-mét, tôi vẫn nghĩ, có nhiều hơn một câu chuyện. Những câu chuyện rất đời thường, rất cá nhân của những người lính đang làm nhiệm vụ ở phên dậu Tây Nam của Tổ quốc.